Bơi nghệ thuật: Hào nhoáng và khốc liệt

Khi vận động viên bơi lội người Mỹ - Anita Alvarez - ngất xỉu trong buổi thi chung kết tại giải vô địch thể thao dưới nước thế giới ở Budapest (Hungary) khiến huấn luyện viên Andrea Fuentes phải lao xuống cứu cô lên và đưa đi cấp cứu trong tâm trạng sốc và lo lắng, nhiều người đã phải đặt câu hỏi, phải chăng môn thể thao đẹp đẽ này lại tiềm tàng nhiều nguy hiểm đến thế?

boi-nghe-thuat-2-1656059745.jpg

Bằng mắt thường, bơi nghệ thuật thực sự là một môn thể thao tuyệt đẹp, kết hợp sự duyên dáng và thanh lịch của múa ba lê với các yếu tố táo bạo của thể dục dụng cụ. Các vận động viên thi đấu trong những bộ đồ bơi đẹp mắt, trang điểm xinh xắn, bơi lội và nhảy múa giữa làn nước trong xanh. Họ thực hiện những động tác mà rất ít người trong chúng ta thử trên mặt đất bình thường chứ chưa nói đến là ở dưới nước. Những gì chúng ta nhìn thấy là kết quả của quá trình tập luyện rất dài, nơi các vận động viên phải chấp nhận rủi ro gần như hàng ngày, thậm chí tự đặt mạng sống của họ vào tình thế nguy hiểm. Bạn sẽ không nghĩ nó có thể khốc liệt đến thế, vì sự hào nhoáng và nhẹ nhàng của màn biểu diễn. Nhưng các vận động viên đều biết rất rõ. Điều này trong một thời gian dài đã luôn là bí mật của môn bơi nghệ thuật mà chỉ trong vài năm gần đây mới có một vài người lên tiếng về tính chất khắc nghiệt của nó. Và mặt tối của môn thể thao bóng bẩy này dần được biết đến rõ hơn…

alvarez3-1656059846.jpg
Anita Alvarez ngất xỉu tại giải vô địch thể thao dưới nước thế giới ở Budapest (Hungary)

Sự cố liên quan đến Alvarez là lần thứ hai, không phải lần đầu tiên. Vào tháng 6 năm ngoái, cô từng phải cấp cứu khi tham gia thi vòng loại Olympic ở Barcelona. Lần này, khi huấn luyện viên Fuentes nhảy xuống nước và kéo cô lên, mặc dù ban đầu có những lo ngại rằng phản ứng không đủ nhanh, nhưng rất may Alvarez đã tỉnh lại ngay sau khi được sơ cứu và hiện ở trong tình trạng ổn định. Fuentes tiết lộ, Alvarez đã ngừng thở trong “ít nhất hai phút”. Kình ngư người Mỹ không phải là vận động viên duy nhất bị như vậy. Tại Thế vận hội 2008 ở Bắc Kinh, vận động viên bơi lội Nhật Bản, Hiromi Kobayashi, cũng đã phải đưa ra khỏi hồ bơi trong tình trạng ngưng thở sau khi ngất xỉu lúc đang thi nội dung chung kết đồng đội.

boi-nghe-thuat-1656059823.jpg
Hiromi Kobayashi phải đưa ra khỏi hồ bơi trong tình trạng ngưng thở tại Olympic Bắc Kinh 2008

Vấn đề các vận động viên bơi nghệ thuật bị bất tỉnh được cho là do thiếu oxy, tình trạng cơ thể hoặc một vùng trên cơ thể bị thiếu hụt lượng oxy cung cấp đầy đủ ở cấp độ mô. Môn thể thao này vốn tự nhiên là tạo ra sự “thiếu oxy”, vì các vận động viên phải nín thở để thực hiện các động tác của họ. Một nghiên cứu được thực hiện từ năm 2010 đã cảnh báo về sự nguy hiểm của một số phương pháp được sử dụng trong bơi nghệ thuật. Một bài báo của Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu và Giáo dục các môn thể thao dưới nước cho thấy, mất ý thức do thiếu oxy xảy ra ở nhiều vận động viên bơi nghệ thuật trong quá trình tập luyện. Bài báo đưa ví dụ về một nghiên cứu nhỏ cho kết quả bốn trong số sáu vận động viên bơi lội nữ 13-15 tuổi mà họ đã phân tích “cần cứu hộ” sau khi phát triển các triệu chứng như mệt mỏi, không có khả năng cử động chân, mất phương hướng, nhìn thấy đường hầm và/hoặc mất ý thức sau các buổi tập vì thiếu oxy. Bản thân Liên đoàn Bơi quốc tế (FINA) cũng cảnh báo trong sách hướng dẫn của mình, rằng những vận động viên bơi nghệ thuật nín thở hơn 45 giây có nguy cơ bị thiếu oxy.

Ngoài những biểu hiện như ngất xỉu hay mất ý thức, môn bơi nghệ thuật còn gặp những chấn thương thông thường và đặc trưng riêng của bộ môn, giống như các môn thể thao khác. Cả trong tập luyện và thi đấu, các vận động viên đều có nguy cơ bị chấn thương đầu nghiêm trọng bởi đôi khi họ bị chính đồng đội ngã trực tiếp lên đầu mình. Ngoài ra, các vận động viên có thể bị chấn thương đầu gối do khuỵu chân, chấn thương tay do sai tư thế hoặc do va chạm với đồng đội. Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2019 bởi cùng một ấn phẩm cho thấy, khoảng 1/4 người đã thi đấu môn thể thao này ở Mỹ cho biết họ đã bị chấn thương ít nhất một lần. Con số thực tế được cho là cao hơn vì nhiều vụ chấn thương không được báo cáo. Trong quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội Rio vào năm 2016, Amie Thompson của Australia đã bị gãy mũi sau khi một đồng đội đập vào mặt cô khi tập luyện, khiến hồ bơi đỏ rực máu. Karensa Tjoa của Mỹ cho biết, cô thường xuyên bị đau đầu và chóng mặt mỗi khi xuống hồ bơi. Tjoa cuối cùng đã giải nghệ vào năm 2017.

Các bệnh khác mà vận động viên có nguy cơ mắc phải khi tập bơi nghệ thuật chuyên nghiệp bao gồm các vấn đề về thận, gan và hạ thân nhiệt.

boi-nghe-thuat-1-1656059823.jpg
Nhịn thở nhiều phút là bài tập khắc nghiệt đối với các vận động viên bơi nghệ thuật

Theo tiết lộ, một buổi tập điển hình của một vận động viên bơi nghệ thuật thường bao gồm một giờ rèn luyện sức bền và các bài tập kéo căng trên cạn, sau đó là tám giờ dưới nước. Một phần ba số giờ của một ngày họ phải dành để tập thể dục trong hồ bơi, một khoảng thời gian đủ để người ta mệt mỏi, thậm chí kiệt quệ về thể chất. Các vận động viên ở cấp độ chuyên nghiệp có thể phải làm điều này tối đa sáu ngày một tuần. Trong quá trình huấn luyện, các vận động viên học các kỹ thuật thở đúng cách và phát triển khả năng giữ hơi trong khoảng từ ba đến bốn phút. Do đó, những vận động viên bơi nghệ thuật có dung tích phổi lớn hơn các vận động viên ở các môn thể thao khác. Các chuyên gia tin rằng, thể tích của chúng lớn gấp đôi tiêu chuẩn (hơn 4 lít), vì vậy, các vận động viên bơi nghệ thuật có thể nín thở dưới nước trong vài phút - mặc dù các quy tắc cho phép là không quá 40 giây. Chính vì niềm tin như vậy, nhiều vận động viên đã tự cố sức vượt quá khả năng chịu đựng của chính cơ thể mình…

Vụ việc của Alvarez đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự khốc liệt của bộ môn bơi nghệ thuật. Rất có thể sau giải vô địch thế giới đang diễn ra tại Budapest, FINA sẽ phải xem xét lại một số quy định, quy tắc liên quan tới tập luyện và thi đấu của bộ môn này để đảm bảo sự an toàn hơn cho vận động viên của mình.

Hoàng Minh