Bộ VHTTDL: Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu

Từ ngày 29/6 đến 1/7, tại Thành phố Lạng Sơn đã diễn ra Hội nghị tập huấn nghiệp vụ pháp chế và quán triệt văn bản quy phạm pháp luật ngành VHTTDL năm 2023 và Hội nghị tập huấn, tuyên truyền phổ biến Nghị định số 17/2023/NĐ-CP và Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 131/2023/NĐ-CP đối với các tỉnh khu vực phía Bắc. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt dự và phát biểu khai mạc các Hội nghị.

thu-truong-viet-1688397159.jpg
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật là nhiệm vụ được Bộ VHTTDL đặt lên hàng đầu

Tham dự các Hội nghị gồm có lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở Du lịch, đại diện lãnh đạo phòng Thanh tra, các phòng nghiệp vụ liên quan; đại diện một số hội, Hiệp hội, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, đại diện một số chủ sở hữu quyền tác giả, các đơn vị khai thác, sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan...

Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, tuyên truyền phổ biến Nghị định số 17/2023/NĐ-CP và Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định thay thế nghị định số 131/2023/NĐ-CP đối với các tỉnh khu vực phía Bắc diễn ra ngày 30/6 tại Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết, Việt Nam đã và đang từng bước đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan. Cùng đó, ngày 16/6/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Để triển khai thực hiện hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, ngày 26/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, gồm có 8 Chương, 116 Điều và 3 Phụ lục kèm theo.

ong-hoang-cuc-truong-cuc-ban-quyen-tac-gia-1688397293.jpg
Ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả giới thiệu những nội dung mới của Nghị định 17/2023/NĐ-CP

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 của Chính phủ về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2023, Bộ VHTTDL được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, đảm bảo áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật, triển khai thi hành hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 về quyền tác giả, quyền liên quan và bảo đảm hành vi vi phạm xảy ra có chế tài để xử phạt hợp lý, hiệu quả.

Hội nghị được tổ chức nhằm hướng tới mục tiêu để Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các cam kết quốc tế thực sự đi vào cuộc sống; tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chính sách đến các nhóm đối tượng là các cơ quan quản lý, thực thi, các chủ thể quyền, các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan; đồng thời, nâng cao vai trò và đẩy mạnh công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là việc xử lý vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan bằng biện pháp hành chính trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở đó tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư cũng như thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sáng tạo, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

“Tại Hội nghị này, tôi hy vọng rằng các quý vị đại biểu tham dự sẽ tiếp nhận đầy đủ những nội dung cơ bản của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP; các bộ, ngành, địa phương sẽ nắm bắt cụ thể các thông tin, hiểu rõ và từ đó nghiên cứu, xây dựng, thực hiện hiệu quả Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 17/2023/NĐ-CP; cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan dưới các hành thức phù hợp để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đến các nhóm đối tượng hoạt động liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.

Đồng thời, Bộ VHTTDL rất mong muốn nhận được các ý kiến góp ý cũng như các nội dung trao đổi, thảo luận đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan để Ban soạn thảo hoàn thiện nội dung, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Bên cạnh các giới thiệu nội dung mới của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, những thông tin về quy định về việc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Quy định về trả tiền bản quyền trong trường hợp trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan; Xác định xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan… đã thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự. Bên cạnh tìm hiểu thông tin từ các diễn giả, phần thảo luận về triển khai thi hành Nghị định số 17 cũng như trao đổi góp ý Dự thảo Nghị định thay thế nghị định số 131/2023/NĐ-CP đã nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu, trong đó có nhiều ý kiến góp ý của các luật sư.

cac-dai-bieu-tap-huan-1688397736.jpg
Các đại biểu dự Hội nghị tập huấn nghiệp vụ pháp chế

Trước đó, ngày 29/6, cũng tại thành phố Lạng Sơn đã diễn ra Hội nghị tập huấn nghiệp vụ pháp chế 17/2023/NĐ-CP và quán triệt văn bản quy phạm pháp luật ngành VHTTDL năm 2023. Nội dung tập huấn về nghiệp vụ pháp chế, phổ biến quy định pháp luật và kỹ năng xây dựng, rà soát, tự kiểm tra văn bản quy định pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch. Đánh giá thực tiễn hoạt động xây dựng, thi hành văn bản quy phạm pháp luật và những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực VHTTDL và gia đình.

Các đại biểu dự Hội nghị đã được giới thiệu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch ban hành từ tháng 6 năm 2022 đến tháng 6 năm 2023. Đồng thời, được lắng nghe, tìm hiểu về nghiệp vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực VHTTDL; Kinh nghiệm tổ chức truyền thông các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật VHTTDL.

Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn nghiệp vụ pháp chế và quán triệt văn bản quy phạm pháp luật ngành VHTTDL năm 2023, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết, tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, môi trường…, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”, các Nghị quyết của Trung ương Đảng về văn hóa, thể thao, du lịch đều xác định xây dựng, hoàn thiện thể chế thúc đẩy mạnh mẽ, biến các tài sản văn hóa, sức mạnh thể thao, tài nguyên du lịch trở thành nguồn lực phát triển bền vững.

Triển khai thực hiện chỉ đạo tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong thời gian qua, Chính phủ đã triển khai các giải pháp mạnh mẽ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid 19, với phương châm quyết liệt hành động, rà soát tháo gỡ những “điểm nghẽn”, sửa đổi, bổ sung, tiếp tục xây dựng, ban hành các chính sách pháp luật để giải quyết những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi, từ đó thúc đẩy khát vọng vươn lên xây dựng đất nước hùng cường. Nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung cho xây dựng pháp luật, gắn xây dựng với thực thi pháp luật.

vu-truong-thai-1688397502.jpg
Ông Phạm Cao Thái - Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ VHTTDL) giới thiệu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về VHTTDL và gia đình ban hành từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023

“Quán triệt chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ VHTTDL đã tập trung xây dựng các chiến lược, đề án lớn; cùng đó, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật luôn được đặc biệt quan tâm, trong đó công cụ quản lý bằng pháp luật đóng vai trò then chốt, xây dựng pháp luật là nhiệm vụ hàng đầu”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh. Theo đó, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Bộ VHTTDL đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 35 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 3 luật (Luật Điện ảnh; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ do Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan), 6 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 25 Thông tư. Đây là khối lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ được ban hành, thể hiện quyết tâm của Bộ, Ngành về tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật.

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trên, Bộ VHTTDL đã nhận được nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, có trách nhiệm của các địa phương, các tổ chức, cá nhân chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. “Các địa phương vừa qua đã quán triệt, triển khai các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Ngành, thực hiện có hiệu quả trên địa bàn, nhất là những quy định mới, khác, quy định tác động trực tiếp ảnh hưởng lớn đến xã hội, coi trọng công tác truyền thông và bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện; tăng cường năng lực phản ứng chính sách, báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền về thực tế vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật có liên quan đến Ngành.

Bộ VHTTDL