Báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho biết, được kỳ vọng là cơ hội bứt phá, tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, đóng vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các người mua quốc tế cũng như khách quốc tế, Hội chợ du lịch Quốc tế TP.HCM lần thứ 16 năm 2022 được tổ chức với chủ đề: "Cùng vững bước, cùng đi lên" trong 3 ngày từ 8 đến 10/9/2022, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn - SECC (quận 7, TP.HCM).
Hội chợ ITE HCMC 2022 sẽ quy tụ hơn 1.500 đại biểu là các cơ quản quản lý, công ty lữ hành, các hãng hàng không, khách sạn và khu nghỉ dưỡng cùng các thương hiệu, điểm đến tham quan, vui chơi, giải trí trong nước và quốc tế.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hội chợ ghi nhận số lượng gian hàng đăng ký tham dự lên tới 260 gian hàng, gồm 210 gian hàng đến từ các đơn vị trong nước, 50 gian hàng đến từ các đơn vị quốc tế. Đặc biệt, với sự góp mặt của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Du lịch của 41 tỉnh thành trong cả nước.
Hội chợ du lịch Quốc tế TP.HCM là sự kiện du lịch quốc tế duy nhất tại Việt Nam có chương trình người mua quốc tế. Chương trình đem đến cơ hội để các doanh nghiệp du lịch quốc tế mong muốn mở rộng thị trường, mang du khách đến Việt Nam, cũng như tìm kiếm các đối tác du lịch tại Việt Nam và khu vực hạ nguồn sông Mê Kông trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ Hội chợ năm nay, sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao về chính sách phát triển du lịch - với sự tham dự của Lãnh đạo Bộ phụ trách du lịch các nước khu vực hạ nguồn sông Mê Kông, Ấn Độ và Cuba. Cùng với đó là Diễn đàn Du lịch MICE Việt Nam - với sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Triển lãm toàn cầu (UFI), Hiệp hội Triển lãm và Hội nghị châu Á (AFECA) và các chuyên gia đầu ngành về du lịch MICE.
Ngoài ra, còn diễn ra chương trình trao đổi thông tin với các Tổng Biên tập; đêm Việt Nam - Gala Dinner "Tinh hoa gạo Việt"; đêm Campuchia do Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia chủ trì tổ chức; đêm Hàn Quốc do Văn phòng Đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam chủ trì tổ chức; chuỗi hội thảo về thị trường khách du lịch trọng điểm và tiềm năng, hội thảo về chuyển đổi số trong du lịch và Giải thưởng du lịch ITE HCMC…
Sau khi nghe các ý kiến tại cuộc họp, phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau rà soát, lãnh đạo Bộ đánh giá cao vai trò chủ động của TP.HCM và công tác phối hợp của các đơn vị liên quan để tổ chức sự kiện thường niên này. Điều này đã góp phần tích cực vào quyết tâm phục hồi du lịch quốc tế của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, từ nay đến lúc tổ chức Hội chợ không còn nhiều thời gian, tuy nhiên công việc phải làm còn khá nhiều. Vì vậy, mọi công tác chuẩn bị phải tích cực và khẩn trương, cần phải xác định tinh thần của việc tổ chức Hội chợ là không thuần túy theo thường niên mà đây được xác định như một giải pháp căn cơ nhằm phục hồi và phát triển du lịch.
Đi vào từng phần việc cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu TP.HCM cần xác định đâu là các hoạt động chính. Ví như đêm gala trước khi khai mạc Hội chợ, TP cần xem lại chủ đề để có tính sáng tạo hơn. Bên cạnh đó, cho rà soát lại tổng thể để chương trình khi tổ chức phải thực sự ấn tượng, là điểm nhấn cho Hội chợ.
Đối với Chương trình diễn đàn về giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế, Bộ trưởng gợi ý cần tổ chức theo 2 phiên. Trong đó phiên 1 là: Du lịch MICE điểm đến hấp dẫn, phiên 2 là: các giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch.
Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng phối hợp với TP.HCM để mời các diễn giả, chính khách liên quan để tham dự diễn đàn này, qua đó sẽ giúp tìm ra các giải pháp hữu hiệu giúp du lịch quốc tế Việt Nam sớm phục hồi.
Về chủ đề của diễn đàn, Bộ trưởng gợi ý lựa chọn là "Linh hoạt - Xanh - Bền vững". "Trong bối cảnh hiện nay thì dịch bệnh vẫn chưa thể nói trước được điều gì, vì vậy, linh hoạt về chính sách du lịch trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với chương trình của Lễ trao giải thưởng du lịch WTA, Bộ trưởng đề nghị phía TP.HCM và các cơ quan chuyên môn của Bộ trao đổi cụ thể về chương trình, khách mời để có hướng tổ chức hiệu quả, để lại dấu ấn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu TP.HCM đặc biệt quan tâm đến vấn đề truyền thông cho Hội chợ; vấn đề khách mời tham gia các sự kiện trong khuôn khổ Hội chợ. Trên cơ sở cuộc họp cho ý kiến của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày hôm nay cần xây dựng lại tổng thể chương trình tổ chức Hội chợ.