Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ VI (2021-2026)

Ngày 18/11, tại Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương - Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ VI (2021-2026) theo cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến ở 3 điểm cầu là Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Tất cả các đại biểu trước khi tham dự Đại hội đều được test COVID-19.

Tham dự Đại hội có: Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện - Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đồng chí Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành Thể dục thể thao; các đại biểu là Ủy viên Ban Chấp hành Uỷ ban Olympic Việt Nam khoá V, đại diện cho các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao… đã tới dự.  

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI. Ảnh: Quý Lượng

Mặc dù, nhiệm kỳ 5 giai đoạn 2016 đến năm 2021 với hơn nửa thời gian chịu tác động giữa đại dịch COVID-19, tuy nhiên, Ủy ban Olympic Việt Nam vẫn xuất sắc hoàn thành những nhiệm vụ đề ra của mình khi tiếp tục khẳng định vai trò của mình là kênh thông tin, tham mưu với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ngành Thể dục thể thao là đầu mối của Thể thao Việt Nam tại các sự kiện thể thao quốc tế lớn.

Dưới sự quan tâm chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Olympic Việt Nam đã cùng Tổng cục Thể dục thể thao phối hợp chặt chẽ với các Liên đoàn, Hiệp hội, các địa phương triển khai công tác thể dục thể thao quần chúng ngày càng được phát triển mạnh, đa dạng trên toàn quốc và ở nhiều đối tượng khác nhau gắn liền với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Hơn 6 triệu người tham gia Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân hằng năm nhân kỷ niệm Ngày truyền thống nNgành Thể dục thể thao Việt Nam (27/3). Chương trình Bơi an toàn phòng chống đuối nước…rộng khắp cả nước; thực hiện tốt các nhiệm vụ về đối ngoại, tuyên truyền, giáo dục Olympic và thể thao cho mọi người; tích cực triển khai thực hiện các chương trình thuộc Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030; tổ chức các Hội thi, giải Thể thao quần chúng trong cả nước, góp phần nâng cao sức khoẻ, xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc Ủy ban Olympic Việt Nam (UBOVN) nhiệm kỳ VI (2021-2026). Ảnh: Quý Lượng

Về thể thao thành tích cao, Ủy ban Olympic Việt Nam cùng với Tổng cục Thể dục thể thao phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia, các địa phương, ngành có liên quan chuẩn bị các công việc cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự các Đại hội Thể thao quốc tế của khu vực, châu lục và thế giới trong các năm 2017, 2018, 2019, 2020 với thành tích ngày một nâng cao hơn. 

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự các Đại hội Thể thao quốc tế đạt được nhiều thành tích nổi bật như:

Tại Thế vận hội Olympic Rio 2016 tại Brazil, Đoàn Thể thao Việt Nam có 23 vận động đã giành vé tham dự Đại hội và kết quả đoàn Thể thao Việt Nam đã giành được 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc do công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, nhờ đó xếp thứ 48/206 quốc gia tham dự Đại hội. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Thể thao Việt Nam giành được huy chương vàng tại Olympic.

Tại  Paralympic Rio 2016, đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam có 10 vận động viên giành vé tham dự Đại hội, đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam giành được 4 huy chương các loại (1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng), đứng thứ 55/178 quốc gia tham dự Đại hội.

Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, SEA Games 31 sẽ tổ chức vào cuối tháng 11 năm 2021; ASEAN Para Games 11 tổ chức vào tháng 12 năm 2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở nước ta và các quốc gia Đông Nam Á, việc tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 vào thời gian như kế hoạch đề ra là không khả thi. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, ý kiến của Ủy ban Olympic các quốc gia Đông Nam Á, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về phương án tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11. Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo, xin ý kiến của Bộ Chính trị về việc thay đổi phương án tổ chức SEA Games 31 vào thời điểm quý II/2022 và không thực hiện quyền đăng cai ASEAN Para Games 11 (nhường quyền đăng cai này cho quốc gia khác).

Đại hội đã bầu ra 39 thành viên Ban Chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam, đây đều là những gương mặt xứng đáng, có tâm huyết với thể thao Việt Nam trong suốt thời gian qua. Ảnh: Quý Lượng

Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban Olympic Việt Nam đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự 2 kỳ SEA Games, 1 kỳ ASEAN Para Games tại Malaysia và Philippines, Đại hội Thể thao Trong nhà và Võ thuật châu Á lần thứ 5 (AIMAG5) tại Turkmenistan, Đại hội Thể thao thế giới lần thứ 10 (World Games 10) tại Ba Lan, Đại hội Thể thao Người khuyết tật trẻ châu Á tại UAE, Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 tại Indonesia, Đại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á lần thứ 3 tại Indonesia, Đại hội Olympic Trẻ lần thứ 3 tại Argentina, Đại hội Thể thao mùa Đông châu Á lần thứ 8 tại Sapporo - Nhật Bản, Đại hội Thể thao bãi biển thế giới lần thứ nhất tại Doha - Qatar, Olympic Tokyo 2020...

Với việc chú trọng tới đầu tư phát triển các môn thể thao Olympic và ASIAD thể thao thành tích cao đã có những bước chuyển mình và bước đầu đạt được những thành tích đáng khích lệ. Số lượng huy chương vàng tại các giải thế giới và châu Á năm 2019 đã tăng gấp đôi so với năm 2015. Thể thao Việt Nam giữ vững vị trí một trong 3 quốc gia dẫn đầu tại các kỳ SEA Games (SEA Games 30 tại Philippines đã vượt qua Thể thao Thái Lan, giành vị trí thứ 2 toàn đoàn). Một số vận động viên ở các môn thể thao Olympic như: bắn súng, thể dục dụng cụ, bơi lội, cử tạ, cầu lông, rowing, điền kinh... đạt trình độ hàng đầu châu Á và thế giới.

Kết quả tham dự các giải thể thao quốc tế năm 2017, 2018, 2019, 2020 các vận động viên Việt Nam đã giành được tổng số 3490 huy chương các loại (trong đó có 1.424 huy chương vàng, 1.036 huy chương bạc, 1.030 huy chương đồng). Trong đó, nổi bật là ASIAD 2018 - kỳ Á vận hội thành công nhất cả lịch sử thể thao Việt Nam giành 4 huy chương vàng trong đó có 2 huy chương vàng ở các môn Olympic; Thể thao Việt Nam liên tục nằm trong tốp 3 quốc gia dẫn đầu tại các kỳ SEA Games. Bóng đá Việt Nam có nhiều khởi sắc, giành nhiều thành tích: đội tuyển Bóng đá nam quốc gia giành huy chương vàng giải Bóng đá vô địch Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) năm 2018, đội tuyển bóng đá nam Olympic Việt Nam lần đầu tiên lọt vào tốp 4 đội mạnh nhất ASIAD 18; đặc biệt đội tuyển bóng đá U22 nam lần đầu tiên trong lịch sử vô địch SEA Games; đội tuyển bóng đá nữ lần thứ 6 vô địch SEA Games; đội tuyển bóng đá nam quốc gia giành quyền tham dự Vòng loại thứ 3 của Vòng chung kết World Cup 2022, đội tuyển Futsal nam lần thứ 2 liên tiếp giành quyền tham dự Vòng chung kết Futsal FIFA World Cup...

Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao - phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Quý Lượng

Ủy ban Olympic Việt Nam và Tổng cục Thể dục thể thao đã phối hợp với các tỉnh/thành tổ chức thành công Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 10/12/2018 với sự tham gia của 7.000 vận động viên tranh tài ở 36 môn thể thao với tổng số 743 nội dung thi đấu. Kết thúc Đại hội đã có 743 bộ huy chương của 36 môn thể thao được trao cho các tập thể, cá nhân vận động viên xuất sắc của 64/65 đoàn thể thao. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 đã ghi nhận những thành công nhất định về mặt chuyên môn với 212 kỷ lục, trong đó có 43 kỷ lục quốc gia, 169 kỷ lục Đại hội ở các môn: điền kinh, bắn cung, bắn súng, bơi, lặn, cử tạ… Một số vận động viên xuất sắc như Nguyễn Thị Ánh Viên với 12 tấm huy chương vàng, phá 7 kỷ lục Đại hội và 2 kỷ lục quốc gia. "Nữ hoàng điền kinh mới" Lê Tú Chinh giành 2 huy chương vàng cá nhân và 1 huy chương vàng đồng đội, phá 2 kỷ lục Đại hội…

Về công tác đối ngoại, trong thời gian qua, Ủy ban Olympic Việt Nam đã thực hiện tốt công tác đối ngoại về Thể thao, Olympic; tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức Thể thao quốc tế, các Ủy ban Olympic quốc gia/vùng lãnh thổ (NOC) trên thế giới và các tổ chức khác có liên quan. Tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ và tài trợ kinh phí của IOC, OCA và những tổ chức Thể thao quốc tế; triển khai nhiều hoạt động, các chương trình theo kế hoạch được phê duyệt.

Triển khai, hỗ trợ một số đội tuyển tập huấn ngắn hạn ở nước ngoài do IOC, Hàn Quốc tài trợ như: đội tuyển rowing tập huấn tại Singapore (từ ngày 27/9 đến 4/10/2017), đội tuyển Taekwondo tập huấn tại Hàn Quốc (từ ngày 26/10 đến 9/11/2017); hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh quan hệ hợp tác với Ủy ban Olympic các quốc gia Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hungary, Pháp về việc tập huấn, đào tạo vận động viên những năm tới; Liên đoàn Điền kinh Việt Nam xây dựng Dự án phát triển Điền kinh trẻ của Việt Nam và đề nghị Ủy ban Olympic Đức hỗ trợ kinh phí; Đề cử các cán bộ của Thể thao Việt Nam tham gia thành viên các Ban Chuyên môn, Ban Chấp hành và Hội đồng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) và Hội đồng Olympic châu Á (OCA).

Ra mắt các thành viên Ban Chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ VI (2021-2026). Ảnh: Quý Lượng

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 50 người là thành viên của các tổ chức Thể thao quốc tế như OCA, SEAGF, Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), Tổ chức Phòng chống Doping khu vực (RADO).

Hoạt động của các tổ chức thành viên có nhiều chuyển biến tích cực song một số thành viên triển khai công tác xã hội hóa còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong việc chuẩn bị lực lượng tham gia các Đại hội Thể thao quốc tế hàng năm. Một số tổ chức thành viên chưa đánh giá hết vai trò của các Khóa học chuyên môn kỹ thuật dành cho huấn luyện viên nên việc phối hợp tổ chức chưa chặt chẽ, hiệu quả không cao.

Phát huy những thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban Olympic Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ là đại diện duy nhất của Việt Nam trong phong trào Olympic quốc tế.

Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy ban Olympic Việt Nam đã đưa ra một số mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm như đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục thể thao cho mọi người, phong trào Olympic trên địa bàn cả nước, phấn đấu chỉ tiêu số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt khoảng 36%, số gia đình tập luyện thể dục thể thao đạt khoảng 27%…

Phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao trong việc mở rộng và phát triển phong trào thể dục thể thao, nâng cao trình độ một số môn thể thao trọng điểm của Việt Nam ngang tầm châu Á và thế giới.

Phối hợp chuẩn bị các công việc cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 2023, 2025, Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á tại Hải Nam - Trung Quốc 2022, ASIAD 19, Olympic Paris 2024, Thế Vận hội Olympic trẻ Dakar - Senegal 2026 cũng như tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam. Phối hợp phòng chống những biểu hiện tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao, nhất là việc sử dụng Doping.

Tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác với các tổ chức thể thao quốc tế (IOC, OCA, SEAGF, các Liên đoàn Thể thao quốc tế, châu lục và khu vực Đông Nam Á), các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.

Chuẩn bị các công việc cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự các Đại hội Thể thao quốc tế hàng năm, gồm: Đại hội Thể thao trong nhà Võ thuật châu Á tại Thái Lan năm 2022, Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á tại Trung Quốc, SEA Games 32, ASEAN Para Games 12 tại Campuchia năm 2023, SEA Games 33 năm 2025, Thế Vận hội Olympic tại Pháp năm 2024, Thế Vận hội Olympic trẻ mùa Đông tại Hàn Quốc năm 2024, Đại hội Thể thao châu Á tại Nhật Bản năm 2026….

Về thể thao thành tích cao, tiếp tục nâng cao thành tích của các môn thể thao trọng điểm theo hướng tiếp cận với thành tích của Châu lục và thế giới. Phấn đấu đạt thành tích cao tại Đại hội Thể thao châu Á tại Hàng Châu - Trung Quốc vào tháng 9 năm 2022; vòng loại Olympic, Paralympic Paris 2024 và giành kết quả cao tại các giải thể thao cấp châu lục, thế giới, cũng như ở SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam vào tháng 5/2022, qua đó góp phần nâng vị thế của Thể thao Việt Nam lên một tầm cao mới.

Đại hội đã bầu ra 39 thành viên Ban chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam, thay vì 81 thành viên như nhiệm kỳ trước. Đây là những gương mặt xứng đáng, có tâm huyết với Thể thao Việt Nam trong suốt thời gian qua. Trong đó có 13 thành viên Ban Thường vụ, 5 Phó Chủ tịch, 1 Tổng Thư ký, 1 Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI (nhiệm kỳ 2021-2026).

Tại Đại hội, các đại biểu đã dành sự tín nhiệm tuyệt đối để bầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng làm Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ VI (2021-2025). Theo Điều lệ Olympic, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam khoá V Nguyễn Ngọc Thiện sẽ là Chủ tịch danh dự của Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ VI.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tặng hoa cho Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam khoá V Nguyễn Ngọc Thiện

Các Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI gồm có: ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao, ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh golf Long Thành, ông Trần Minh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel, ông Hoàng Xuân Lương - Chủ tịch Liên đoàn Cử tạ - thể hình Việt Nam. Ông Trần Văn Mạnh - Tổng Thư ký khóa V tái đắc cử chức danh Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: "Đại hội đại biểu Ủy ban Olympic Việt Nam diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, bởi năm 2021 là năm đầu tiên cả nước thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng cũng như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2021-2030. Trong bối cảnh chung đó, bằng khát vọng và cống hiến, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tích cực, gấp rút triển khai thực hiện nhiều chương trình hành động để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống".

Bộ trưởng cũng cho biết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong đó ở lĩnh vực Văn hóa, Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Ở lĩnh vực Thể thao, hiện các công việc chuẩn bị cho Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về Thể dục thể thao đến năm 2020 đang được hoàn tất. Đặc biệt, dù bận rộn trăm công ngàn việc nhưng lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã dành một phiên làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác thể dục thể thao trong đó có những định hướng cụ thể để xây dựng một nền thể thao căn cơ, với nền tảng là thể thao quần chúng và đỉnh cao là thể thao thành tích cao.

Bộ trưởng đánh giá trong nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban Olympic Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào phong trào thể thao nước nhà. Từ đó, thể thao quần chúng đã có chuyển biến, hoàn thành nhiều mục tiêu; thể thao thành tích cao đã được chú trọng phát triển, đạt được nhiều huy chương ở các đấu trường quốc tế, số lượng huy chương ở đấu trường Olympic và châu Á đã tăng lên; thành tích của các đội tuyển bóng đá cũng có nhiều khởi sắc. Hợp tác quốc tế được mở rộng, chúng ta đã vận động đăng cai nhiều sự kiện thể thao quốc tế và đang gấp rút chuẩn bị cho việc đăng cai tổ chức SEA Games 31…

Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam khóa VI Nguyễn Văn Hùng trả lời phỏng vấn báo chí 

Bộ trưởng cũng mong muốn, Đại hội sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, đóng góp cho sự phát triển của Thể thao Việt Nam, nghiên cứu các giải pháp để nâng cao thể lực, cải thiện tầm vóc người Việt Nam, phát triển thể thao học đường, thể thao trong thanh thiếu niên nhằm góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới; nâng cao thành tích thể thao Việt Nam trên đấu trường châu lục và thế giới…

Phát biểu bế mạc, Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam khoá VI Nguyễn Văn Hùng khẳng định, sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ của các đại biểu, Hội nghị đã hoàn tất nội dung chương trình và thành công tốt đẹp. Thay mặt cho Ban Chấp hành khóa VI (2021-2025), Chủ tịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, trên tinh thần nhìn lại để tiến xa hơn, Đại hội đã nghiêm túc nhìn lại để thấy được những gì là thành công, thành tựu của khoá trước cũng như những gì còn tồn tại, cần rút kinh nghiệm để xây dựng, bổ sung các giải pháp, các nhóm nhiệm vụ của khóa mới. Mong muốn Ban Chấp hành khoá mới sẽ đoàn kết, đồng lòng, phát huy được trí tuệ, sức mạnh tập thể cho mục tiêu chung, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam khóa VI cho biết, Nghị quyết của Đại hội sẽ được hiện thực bằng những hành động cụ thể vì sự phát triển của thể thao Việt Nam, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân cường thì quốc thịnh”.

“Theo tinh thần Olympic nhanh hơn, mạnh hơn và cùng nhau, chúng ta sẽ cùng thực hiện thông điệp này. Từ Đại hội ngày hôm nay, tôi cũng kêu gọi các Liên đoàn, Hiệp hội, các tổ chức, cá nhân… hãy cùng nhau để hiện thực Nghị quyết Đại hội vừa thông qua, vì một nền thể thao phát triển bền vững, góp phần cải thiện sức khoẻ, thể lực cho nhân dân”, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam khóa VI Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

My Hạ