Năm 2021 do dịch bệnh COVID-19 nên nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao phải dừng hoặc tạm hoãn, trong đó có Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XII, khu vực II. Bước sang năm 2022, trong bối cảnh cả nước đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả để nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đồng thời cùng với yêu cầu phát triển rộng rãi phong trào tập luyện thi đấu thể dục thể thao trên cả nước, nâng cao sức khỏe tinh thần cho nhân dân; khai thác, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc trên toàn quốc, Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XII, khu vực II năm 2021 được tái khởi động và Quảng Ngãi là địa phương được lựa chọn đăng cai.
Diễn ra từ ngày 22 đến 26/6, Hội thi lần này đã thu hút được 650 vận động viên, huấn luyện viên thuộc 25 dân tộc: Ê đê, Chăm, K’Ho, Bana, Raglay, Cơ Tu, Ve, Xê Đăng, CaDong, Thái, Triêng, H’Lăng, Tày, Rơ Ngao, Giẻ Triêng, Mường, Dẻ, Jarai, Sơ Rá, Nùng, Dơ Drá, Xơ Đăng, M’Nông, H’Mông, Mạ.
Các vận động viên đến từ 12 địa phương trên toàn quốc là: Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Phước, Gia Lai, Quảng Nam, Kon Tum, Khánh Hòa, Đắk Nông, Bình Định, Đắk Lắk, Quảng Ngãi tham gia tranh tài ở các môn Bóng đá nam 7 người, Bóng chuyền da, Chạy Việt dã, Đẩy gậy, Kéo co, Bắn nỏ - ná và Chạy Cà kheo.
Ông Trần Hoàng Tuấn - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi - phát biểu tại Lễ khai mạc Hội thi: “Đất nước ta là một quốc gia thống nhất gồm nhiều dân tộc luôn đoàn kết, sát cánh bên nhau trong quá trình dựng nước và giữ nước... Cộng đồng 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam có nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc... Trong đó có hoạt động thể dục thể thao của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng mang đậm bản sắc riêng, tạo nên cách độc đáo mà phải quốc gia nào cũng có”.
Ban Tổ chức đã lựa chọn các môn thể thao thi đấu tại Hội thi rất phù hợp khi phát huy được tố chất của người đồng bào thiểu số như đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo…, vận động viên của các đoàn đã mang đến Hội thi tinh thần thi đấu cống hiến.
Vận động viên Y Hạnh (người dân tộc Xê Đăng thuộc đoàn Kon Tum) giành huy chương đồng môn Đẩy gậy, hạng cân 57kg nữ cho biết: “Em tập môn thể thao này ở trường Phổ thông dân tộc Nội trú Tu Mơ Rông được 2 năm rồi. Tại Hội thi, em được thi đấu với các đối thủ mạnh nên khi giành được huy chương đồng em cảm thấy rất vui. Em sẽ cố gắng tập luyện để đạt được kết quả tốt hơn ở kỳ Hội thi sau”.
Với những môn thể thao truyền thống như bóng đá, bóng chuyền… các vận động viên đã có những màn tranh tài, thi đấu sôi nổi, hấp dẫn nhưng không kém phần gay cấn.
“Chất lượng chuyên môn của giải đấu rất tốt. Các đội có sự chuẩn bị và cầu thủ thi đấu khá chuyên nghiệp. Có những đội có vận động viên từng thi đấu cho giải Hạng Nhì quốc gia nên đã cống hiến các trận đấu hay minh chứng là khán giả Quảng Ngãi đến cổ vũ rất cuồng nhiệt. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn ra trong 2 năm vừa qua nên các đội không được tập trung tập luyện nhiều, do vậy, đã ảnh hưởng về chuyên môn”, ông Dương Nam - huấn luyện viên trưởng đội bóng đá tỉnh Đắk Lắk tham dự Hội thi chia sẻ.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi - khẳng định: “Hội thi đã diễn ra thành công tốt đẹp, đây không chỉ là dịp để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của các môn thể thao đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn là cơ hội để tăng cường sự giao lưu học hỏi lẫn nhau, thể hiện tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em đến từ các đoàn thể thao về tham gia Hội thi”.
Với sự tập luyện và chuẩn bị chu đáo của các đoàn cùng sự quyết tâm của các vận động viên, Hội thi đã cống hiến cho khán giả, người hâm mộ những màn tranh tài, thi đấu sôi nổi, hấp dẫn. Qua đó, tăng cường hơn nữa tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.