Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng công nghệ 4.0

Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học được Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức. Sự kiện hướng tới Ngày Di sản văn hóa (23/11) và nằm trong chuỗi hoạt động Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021.

 Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: hanoimoi.com.vn

Tại Hội thảo, các tham luận tập trung vào phân tích thực trạng, giải pháp và tiềm năng ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời là một trong những điểm nhấn quan trọng của du lịch Thủ đô. Hàng năm Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, nhưng vẫn chưa thật xứng tầm với vị thế của mình.

Qua gần 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng giúp các nhà quản lý nhìn nhận lại cách thức tổ chức, thực hiện các hoạt động nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, thu hút khách tham quan. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Công nghệ 4.0 đang xâm nhập vào mọi mặt đời sống xã hội, với nhiều ứng dụng rộng rãi và bảo tồn, phát huy giá trị di sản không thể là ngoại lệ. Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới nhất trong kỷ nguyên chuyển đổi số như công nghệ điện toán đám mây - Cloud Computing, công nghệ Big Data, công nghệ thông minh nhân tạo - AI, công nghệ tương tác 3D, công nghệ thực tế ảo ARVR, ảnh 360° tương tác… là việc làm cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý, bảo tồn di sản văn hóa một cách bền vững, khoa học và hiệu quả thực tiễn cao.

Ảnh minh họa

Theo Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Đặng Văn Bài: Xây dựng dữ liệu số cho di tích Văn Miếu về công nghệ số sẽ tạo điều kiện cho du khách tiếp cận thông tin, hình ảnh toàn diện. Công nghệ số tạo ra sản phẩm hiện thực ảo, cung cấp cho du khách nhiều cơ hội văn hóa, chủ động tìm hiểu cái mình cần, thu thập kiến thức. Để làm được điều này, các cơ quan cần chủ động, sáng tạo xây dựng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0. 

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự được trải nghiệm các sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại đã, đang và hướng tới được thực hiện tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, gồm 9 nội dung: Hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế; ứng dụng tương tác thông tin di sản đa phương tiện trên điện thoại thông minh (tương tác QR Code); hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI; ứng dụng tham quan ảo 3D Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên Internet; trải nghiệm Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng công nghệ thực tế ảo VR 360; trải nghiệm tương tác 3D di sản tiêu biểu - Bia Tiến sĩ; tái hiện không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời Lê bằng công nghệ thực tế ảo 3D; chương trình “Đạo học Việt Nam” và Online Tour trực tuyến Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng công nghệ 3D; trải nghiệm Không gian nghệ thuật & 3D Mapping tại sân Thái Học.

PT