Bạn Thế Trường - ở Ninh Thuận hỏi: Xin cho biết, khi luyện tập chạy bộ làm thế nào để tăng sức bền? 

Nhiều người chạy bộ cảm thấy mệt mỏi khi chạy. Theo các chuyên gia, chạy mà không mệt đòi hỏi phải rèn luyện sức chịu đựng, sức bền và sức mạnh cho tim, phổi và cơ bắp. Dưới đây là cách để chạy trong thời gian dài mà không cần dừng lại và nghỉ ngơi.

Nạp đủ carbohydrate

Khi bắt đầu hoạt động mất sức như chạy, cơ thể chuyển đổi glycogen thành glucose để sử dụng làm nhiên liệu. Người có quá ít glycogen trong cơ thể dễ kiệt sức nhanh chóng. Người ăn thực phẩm gây viêm hoặc không cung cấp năng lượng đúng cách còn mệt mỏi và gặp khó khăn khi chạy. Vì thế, nên ăn uống thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, cung cấp carbohydrate, protein và chất béo lành mạnh ít nhất hai đến ba giờ trước khi chạy.

Uống đủ nước

Việc cung cấp nước trước, trong và sau khi chạy bộ rất quan trọng, nó là một trong những yếu tố quyết định sức bền của bạn. Vì vậy, hãy luôn giữ cho cơ thể đủ nước. Trong trường hợp bạn tham gia các cuộc thi chạy hoặc có một buổi chạy dài hơn so với bình thường, hãy uống những loại đồ uống bổ sung chất điện giải.

chay-bo-1747478609.jpg
Ảnh minh hoạ

Thở bằng bụng

Hít thở sâu bằng bụng (thở bằng cơ hoành) là cách sử dụng toàn bộ khả năng của phổi để dự trữ oxy và giữ nó ở đó lâu hơn. Do đó, cách thở này có thể làm chậm hơi thở, nhịp tim, ngăn xóc hông và giữ nhịp chạy lâu hơn. Cơ hoành là cơ hình vòm, ngăn cách giữa lồng ngực và ổ bụng. Cách thở đúng là bụng phồng lên khi hít vào, hạ xuống lúc thở ra nhưng ngực và vai không cử động. Người chưa quen có thể tập luyện ở tư thế nằm ngửa, đặt một tay lên bụng, một tay lên ngực. Sau đó hít sâu đến khi bụng căng phồng lên và thở ra.

Kiên định với việc tập luyện

Bạn phải kiên định với việc tập luyện của mình thì mới có thể tăng sức bền khi chạy. Nếu bạn không chạy bộ thường xuyên và không đặt ra những mục tiêu cao hơn mỗi ngày thì sức bền của bạn cũng sẽ không có sự tiến triển.

Có thời gian nghỉ ngơi

Dù bạn tập bất kì bộ môn thể thao nào cũng đều cần có khoảng nghỉ. Việc nghỉ ngơi sẽ giúp cơ bắp có thời gian phục hồi. Chạy bộ cũng không ngoại lệ, bạn nên có thời gian nghỉ ngơi sau nhiều buổi chạy liên tiếp. Bạn có thể nghỉ 1-2 buổi/ tuần để cơ thể được "thở".

Chạy nước rút

Chạy nước rút một vài lần mỗi tuần sẽ giúp cải thiện sức bền và tốc độ của bạn. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, việc chạy nước rút sẽ cần nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn so với chạy bình thường.

Khởi động trước khi chạy

Thực hiện một số bài tập giãn cơ nhẹ đi bộ, nâng đầu gối cao và tập thể dục nhịp điệu cường độ thấp 5-15 phút trước khi chạy có thể làm nóng cơ bắp, tăng sức bền, giảm nguy cơ đau nhức hoặc chấn thương cơ.

Rút ngắn bước chạy

Sải chân dài có thể gây thêm căng thẳng cho đôi chân. Trong khi sải chân ngắn hơn với số bước chạy liên tục có thể giúp chân hấp thụ tác động tốt và chạy được lâu hơn. Khi cảm thấy mỏi chân, hãy chậm lại, nâng cao chân để tăng cường lưu thông và tiếp đất nhẹ nhàng. Người luyện tập chạy bộ cũng cần lưu ý giữ thân thẳng, không vung tay quá mạnh; tránh cúi người, khom lưng hoặc uốn cong thắt lưng khi chạy vì dễ giảm dung tích phổi khi tăng nhịp thở.

thethaovietnamplus.vn