Bắc Ninh phát huy tinh hoa Vật cổ truyền

Từ một trò chơi dân gian cổ truyền được ưa chuộng với ý nghĩa rèn luyện sức khỏe để bảo vệ xóm làng, trải qua bao thăng trầm của thời gian, môn Vật dân tộc vẫn gìn giữ được những nét truyền thống rất độc đáo, hấp dẫn. Về Bắc Ninh trảy hội du Xuân ở nơi được ví như “cái nôi của người Việt cổ”, du khách còn được thả hồn theo tiếng trống thúc giục, gọi mời từ các sới vật hội làng.

Sự độc đáo tạo nên sự khác biệt giữa vật dân tộc của Việt Nam với các quốc gia khác bắt đầu ngay từ những âm thanh báo hiệu diễn ra một sới vật. Khi hồi trống vật nổi lên tất cả mọi người đều dồn về để xem các đô vật tranh tài. Không dừng lại ở đó, âm thanh rộn rã này sẽ xuyên suốt mỗi trận đấu bởi trên sàn đấu luôn có một vị trọng tài trống giữ nhịp trong suốt cuộc phân tranh. Người cầm trống phải là người từng trải, am hiểu. Tùy thuộc vào diễn biến trận đấu, vị trọng tài này sẽ đánh theo các nhịp như trống mời, trống chuẩn bị hay trống dồn dập thôi thúc, trống thắng trận... Âm thanh từ chiếc trống lẫn trong tiếng reo hò, tiếng vỗ tay cổ vũ của khán giả tạo nên một không khí rất sôi động, rộn ràng.

bac-ninh-1743394052.jpg

Theo tục lệ, keo vật đầu tiên trong một giải đấu vật truyền thống bao giờ cũng là keo vật thờ. Thường hai danh đô có tên tuổi, kinh nghiệm nhất sẽ thực hiện nghi lễ. Khi lên đài họ sẽ se đài rồi chậm rãi thực hiện, trình diễn các miếng đánh độc đáo, tinh hoa nhất của vật. Những động tác của các danh đô rất chậm, tỉ mỷ như muốn người xem hiểu sâu thêm về vật rồi để thấm, để say. Đây không phải là một cuộc đấu phân định cao thấp mà nghi lễ bắt buộc nhằm cẩn cáo Thành hoàng, tổ tiên việc con cháu tổ chức giải vật và cầu mong mọi việc thuận lợi.

Sau khi keo vật thờ kết thúc, những đô lực lưỡng cởi trần, đóng khố, thắt đai trên hông sẽ ra tranh tài. Bắt đầu một đầu keo vật các đô sẽ se đài. Trong phần này hai đô vật phải thực hiện nghiêm túc, đúng lệ. Các đô khi se đài sẽ vừa múa tay, co chân, di chuyển ba bước lên, ba bước xuống. Các động tác sao cho nhịp nhàng, uyển chuyển, lưng không được quay vào phía Ban Tổ chức. Nhiều người nghĩ đây là hình thức khởi động nhưng không phải vậy. Se đài của vật dân tộc mang yếu tố tâm linh có ý nghĩa nhớ về cội nguồn, nhớ về những người tiền bối đã truyền dạy vật dân tộc. Với người xem am hiểu chỉ cần nhìn se đài sẽ biết các đô đến từ đâu bởi họ sẽ thực hiện những động tác đặc trưng của những vùng nổi tiếng với môn Vật. Thông thường theo luật, đô vật sẽ thua cuộc khi bị nhấc bổng hai chân rời khỏi sàn đấu hoặc bị đẩy nằm ngửa “lấm lưng, trắng bụng”. Nghe thì đơn giản nhưng thực tế một keo vật thường rất quyết liệt và biến chuyển khó tính trước. Dù là những danh đô kỳ cựu song chỉ cần sơ sẩy là phải rời sới bởi những miếng đánh biến hóa, lợi hại lật ngược tình thế của đối thủ… Nhưng dù thế nào, trên sới vật truyền thống cũng tuyệt đối cấm dùng các đòn đánh hiểm bởi trái với tinh thần thượng võ chân chính.

bac-ninh-2-1743394091.jpg

Mảnh đất Bắc Ninh hiện đang gìn giữ, phát huy nhiều sới vật truyền thống nổi tiếng. Vùng Nam sông Đuống có các sới vật Cao Đức, Song Giang, Lãng Ngâm, Đông Cứu, Đại Bái, Quảng Phú, Hoài Thượng… sản sinh ra hàng trăm đô vật tài ba mà nhiều đời nay trong dân gian vẫn truyền tụng. Bên mạn Bắc sông Đuống nổi tiếng với các sới vật Đình Bảng, Đồng Kỵ, Hương Mạc, Việt Hùng, Bồng Lai, Đào Viên, Đại Phúc, Hàm Sơn… với các ngón móc, sườn, bốc, gồng, vét đã tích tụ lối đánh cả mấy trăm năm nay, trở thành thương hiệu được giới vật cả nước ghi nhớ. Nhiều đô như: Phạm Sĩ Long, Phạm Sĩ Phượng, Phạm Sĩ Gặn, Phạm Sĩ Còn, Nguyễn Văn Luật, Bùi Công Qùy, Bùi Công Diễm, Nguyễn Hữu Cương, Nguyễn Văn Tuynh, Mẫn Bá Xuân… cũng xuất thân từ những sới vật làng, có người trở thành những vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu của đội tuyển tỉnh, đội tuyển quốc gia.

Kế thừa tinh thần thượng võ của ông cha nhiều nơi như Đào Viên, Việt Hùng (Quế Võ), Song Giang, Đông Cứu (Gia Bình), Đình Bảng, Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn)… huy động nguồn lực trong Nhân dân để làm sới vật trị giá cả trăm triệu đồng. Đây sẽ là động lực để cho những sới vật có thêm điều kiện phát triển, góp phần gìn giữ nét đẹp trong văn hóa lễ hội của người Bắc Ninh, môn thể thao truyền thống này không bị mai một theo thời gian, vẫn đang làm mê đắm bao người.