Ấn Độ tìm kiếm "giấc mơ" đăng cai Olympic 2036

Theo trang CNBC, Ấn Độ đặt mục tiêu đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh - Thế vận hội 2036 và mong muốn sẽ trở thành quốc gia châu Á thứ tư tổ chức sự kiện thể thao mang tính toàn cầu này.

Nguyện vọng này diễn ra ngay sau khi quốc gia này đăng cai 2 sự kiện lớn toàn cầu vào năm 2023 là Hội nghị thượng đỉnh G20 của các nhà lãnh đạo thế giới và các cuộc họp Business 20 có sự tham gia của những gã khổng lồ trong ngành toàn cầu.

Phát biểu trước Kỳ họp lần thứ 141 của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tại Mumbai, Thủ tướng Modi nhấn mạnh, Ấn Độ háo hức mong đợi cơ hội đăng cai Olympic và chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực tổ chức Olympic 2036, đó là giấc mơ và khát vọng của 1,4 tỷ người dân Ấn Độ. Bên cạnh đó, ông cũng nêu rõ Ấn Độ sẵn sàng đăng cai Thế vận hội Thanh niên 2029 và bày tỏ tin tưởng nhận được sự hỗ trợ liên tục từ IOC.

107350367-1703130993887-gettyimages-1718604857-afp33xz99t-1703741616637538463553-1703757054.jpeg
Người lao động làm việc bên cạnh bảng chỉ dẫn Olympic ở lối vào trước phiên họp của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) lần thứ 141 sắp tới ở Mumbai vào ngày 11/10 /2023. Ảnh: Indranil Mukherjee |Afp| Getty Images.

Vào tháng 10 năm nay, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố rằng, Ấn Độ có kế hoạch đăng cai Thế vận hội 2036, được cho là đây là "giấc mơ lâu đời" của đất nước. Trong khi đó các nước như: Indonesia, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan cũng bày tỏ mong muốn đăng cai Thế vận hội vào năm 2036.

Ông Nita Mukesh Ambani - người sáng lập và là Chủ tịch của Reliance Foundation, chi nhánh từ thiện của Reliance Industries - cho rằng: Ấn Độ "hoàn toàn sẵn sàng" đăng cai Thế vận hội. Reliance Industries, công ty tư nhân lớn nhất đất nước, đã ký kết hợp tác với Hiệp hội Olympic Ấn Độ (IOA) vào năm ngoái. Sự hợp tác này nhằm nâng cao thành tích của các vận động viên Ấn Độ, hỗ trợ các Liên đoàn Thể thao quốc gia và xây dựng uy tín của Ấn Độ như một quốc gia thể thao toàn cầu, với khát vọng đăng cai Thế vận hội Olympic trong tương lai.

"Hầu hết mọi người đều nhìn thấy tiềm năng lớn của Ấn Độ trong những năm gần đây", ông Nita Mukesh Ambani nói sau Hội nghị thượng đỉnh G20 và hy vọng Ấn Độ sẽ có cơ hội đăng cai Thế vận hội.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC TV18 vào tháng 9, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach cũng cho biết, Ủy ban Olympic quốc tế đã có "một số cuộc đối thoại" với Ủy ban Olympic Ấn Độ (IOA) và chính phủ Ấn Độ về cuộc đấu thầu.

Chủ tịch Thomas Bach khẳng định, việc Ấn Độ mong muốn đăng cai Thế vận hội là "tin tuyệt vời cho toàn bộ phong trào Olympic" và nhấn mạnh rằng, quốc gia Nam Á này đang trên đà phát triển mạnh mẽ phong trào thể thao để đón nhận nhiều môn thể thao Olympic hơn, thay vì chỉ tập trung vào những môn thể thao truyền thống

Các sự kiện thể thao trước đây từng được đăng cai ở Ấn Độ

Trước đây, Ấn Độ từng đăng cai một số sự kiện quốc tế lớn. Cụ thể, vào năm 2010, Ấn Độ đã đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung, nhưng đã bị hủy do sự chậm trễ trong xây dựng, không kịp thời hạn để New Delhi "sẵn sàng cho Thế vận hội" và bội chi ngân sách lớn.

Trang The Guardian dẫn tin vào thời điểm đó, ước tính chi phí cho Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung là từ 2 tỷ bảng Anh đến 4 tỷ bảng Anh, bao gồm cả các dự án cơ sở hạ tầng. Ngân sách ban đầu được chính phủ Ấn Độ phê duyệt vào tháng 4/2007 chỉ là 500 triệu bảng.

Trong năm nay, giải Cricket World Cup ở Ấn Độ cũng đón nhận một số luồng tranh cãi. Báo cáo cho rằng, các trận đấu có sự tham gia của nước chủ nhà thường nhìn thấy các sân vận động lấp đầy nhanh chóng, nhưng lượng khán giả đến xem các trận đấu có sự tham gia của các đội khác lại rất yếu.

Một số người hâm mộ đã lên mạng xã hội để phàn nàn về việc vé được bán hết trên mạng nhưng cảnh quay về sự kiện trực tiếp cho thấy ghế trống. Một số trang báo khác phàn nàn về trục trặc trong quá trình bán vé trong khi truyền thông Anh nhấn mạnh người hâm mộ phàn nàn về kết nối giao thông kém và thiếu các tiện nghi cơ bản trong sân vận động.

Giấc mơ Thế vận hội 2036 có thành hiện thực?

Ông David Carter - Giáo sư phụ trách kinh doanh thể thao tại Đại học Nam California - cho rằng: Tham nhũng, chi phí vượt mức và các tranh cãi khác là những chủ đề không thể thiếu ở hầu hết các Thế vận hội. Tuy nhiên, các quốc gia chủ nhà tương lai phải rõ ràng về mục tiêu tổ chức Thế vận hội nhằm chuẩn bị và giảm thiểu rủi ro liên quan đến những tranh cãi này.

Ông David Carter cho rằng, "khả năng đăng cai Thế vận hội cũng phụ thuộc vào ý chí chính trị vì cần đến kế hoạch hậu cần hấp dẫn với đầy đủ các địa điểm mang lại giá trị tối đa cho tất cả các bên liên quan".

Trước đó, Bộ trưởng Các vấn đề Thanh niên và Thể thao Ấn Độ Anurag Thakur khẳng định, quốc gia Nam Á hiện sở hữu “cơ sở hạ tầng hàng đầu toàn cầu” để sẵn sàng tổ chức Olympic. “Không có gì phải nghi ngờ về năng lực của Ấn Độ”, Bộ trưởng Anurag Thakur nhấn mạnh.

toquoc.vn