Al Rihla - những ưu việt nổi trội của trái bóng chính thức World Cup 2022 

Al Rihla - tên của trái bóng chính thức được sử dụng tại Vòng chung kết World Cup 2022 - nhận được nhiều khen ngợi về những đặc tính ưu việt mà các trái bóng trước đây chưa từng có. Trong đó, yếu tố kỹ thuật tiên tiến và thân thiện với môi trường chính là những điểm được nhấn mạnh nhất ở Al Rihla.

qna-al-rihla-world-cup-qatar-17112022-1668761581.jpg

Al Rihla được giới thiệu là "quả bóng bay nhanh nhất trong lịch sử giải đấu”, phục vụ cho cuộc chơi với tốc độ ngày càng cao. Al Rihla - có nghĩa là "cuộc hành trình" trong tiếng Ả rập, có thiết kế được lấy cảm hứng từ những yếu tố "mang tính biểu tượng" của Qatar là kiến trúc độc đáo, những con thuyền và quốc kỳ.

Về màu sắc, trái bóng Al Rihla có màu chủ đạo là trắng ngọc trai kèm theo màu sắc rực rỡ nổi bật. Khi trái bóng chuyển động, những màu sắc sẽ hòa quyện với nhau tạo ra quang phổ sống động, kích thích sự hưng phấn cho cả cầu thủ lẫn người xem. Được trải qua hàng loạt quá trình kiểm nghiệm khắt khe để đánh giá tác động của gió và lực sút, Al Rihla hứa hẹn sẽ mang lại cho các cầu thủ trải nghiệm mới thú vị nhất kể từ trước tới nay.

al-rihla-1668761641.jpg
Trái bóng Al Rihla có màu chủ đạo là trắng ngọc trai kèm theo màu sắc rực rỡ nổi bật

Đây là trái bóng thứ 14 mà Adidas sản xuất để cung cấp cho một Vòng chung kết World Cup và một trong những cải tiến chính của quả bóng là Speedshell. Speedshell nhằm mục đích tăng tốc độ bay và quay của quả bóng để đạt được khí động học tuyệt vời và một cú sút hoàn hảo. Theo tiết lộ của nhà sản xuất, Al Rihla được tạo ra để phục vụ cho các trận đấu có tốc độ cao vì đây sẽ là trái bóng bay nhanh hơn bất kỳ trái bóng nào trong lịch sử World Cup. Điều này giúp những cú sút sẽ đi nhanh và chính xác, thách thức khả năng phản xạ của các thủ môn. Trong khi đó, người hâm mộ sẽ có cơ hội chứng kiến nhiều siêu phẩm ở World Cup 2022.

Bên cạnh đó, trái bóng Al Rihla cũng đặc biệt thân thiện với môi trường. Al Rihla được cấu tạo từ CRT-Core - một loại vật liệu tổng hợp giúp đảm bảo sự ổn định và chính xác. Bóng được thiết kế theo hình dạng hoàn toàn mới, lấy cảm hứng từ những chiếc thuyền dhow truyền thống của người Arab. 20 mảnh da PU được xử lý bề mặt đặc biệt, ghép vào nhau tạo nên trái bóng.

al-rihla2-1668761641.jpg
Bên trong lõi của Al Rihla chính là cụm cảm biến được gọi là Adidas Suspension System có khả năng đo tốc độ, vị trí của trái bóng

Al Rihla là trái bóng World Cup đầu tiên được sản xuất bằng mực và keo gốc nước rất thân thiện với môi trường. Bên trong lõi của Al Rihla chính là cụm cảm biến được gọi là Adidas Suspension System có khả năng đo tốc độ, vị trí của trái bóng và gửi thông tin đó vào mạng lưới công nghệ hiện đại được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) áp dụng trong kỳ World Cup năm nay như VAR và mới nhất là Semi-automated Offside Technology (Công nghệ bắt việt vị bán tự động - SAOT). FIFA tin rằng, với sự hỗ trợ từ các công nghệ hiện đại này, các trọng tài sẽ có thể đưa ra các quyết định nhanh chóng và chính xác nhất.

al-rihla1-1668761641.jpg
Những đám cháy tại Australia đã khiến bầu không khí trở nên ô nhiễm vượt mức ở giải Quần vợt Australia mở rộng năm 2020

Gần đây, nhiều sự kiện thể thao chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết khắc nghiệt. Một cơn bão đã khiến một số trận đấu tại World Cup Bóng bầu dục 2019 ở Nhật Bản phải hoãn lại. Những đám cháy tại Australia đã khiến bầu không khí trở nên ô nhiễm vượt mức ở giải Quần vợt Australia mở rộng năm 2020. Cuộc đua marathon Olympic đã phải di chuyển xa hơn về phía bắc để thoát khỏi sức nóng khủng khiếp ở Tokyo. Và tình hình tương tự đối với Thế vận hội mùa đông, khi nhiều môn thi phải sử dụng tuyết nhân tạo do thời tiết ấm áp hơn bình thường. Ngay như Qatar World Cup cũng đã trở thành một sự kiện đặc biệt khi là giải vô địch thế giới môn bóng đá lần đầu tiên trong lịch sử được tổ chức vào mùa đông do nhiệt độ cao trong suốt mùa hè có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của khán giả và các cầu thủ.

EURO 2020 là một giải đấu bóng đá đặc biệt hướng đến việc bảo vệ môi trường. Giải được tổ chức ở 10 quốc gia châu Âu thay vì 1 hoặc 2 nước như thường lệ. Nhiều người từng đặt câu hỏi, liệu việc tổ chức một giải đấu tại số lượng lớn quốc gia như vậy có phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường hay không. Song theo các nhà phân tích, trên thực tế, phương tiện giao thông là yếu tố lớn nhất góp phần tăng lượng khí thải ở một giải đấu bóng đá, do đó, EURO 2020 là một giải đấu “sạch” vì ít người phải ra nước ngoài xem các trận đấu hơn.

adidas-1668761641.jpg
Trận đấu bị gián đoạn ở Brazil do hỏa hoạn năm 2019

Mức tiêu thụ điện ở các sân vận động cũng là một vấn đề được xem xét. Theo phân tích, sân vận động là nơi sử dụng rất nhiều năng lượng. Lượng điện mà các sân tiêu thụ phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề: thời tiết, thời điểm trong năm, tuổi và kích thước của sân vận động, cũng như liệu sân vận động có mái vòm hay không. Nguồn năng lượng phục vụ cho sân không chỉ phục vụ mục tiêu mang lại ánh sáng mà còn cho các hoạt động kỹ thuật khác như kích thích sự phát triển của cỏ, làm mát hoặc làm ấm chỗ ngồi cho cổ động viên…

al-rihla3-1668761641.png
Trong tương lai, một phần hoặc tất cả các sân vận động của 23 đội chuyên nghiệp ở Anh có thể phải đối mặt với lũ lụt mỗi mùa

Theo một báo cáo tại Anh, trong tương lai, một phần hoặc tất cả các sân vận động của 23 đội chuyên nghiệp ở Anh có thể phải đối mặt với lũ lụt mỗi mùa. Những sự kiện như vậy đã xảy ra ở Montpellier - Pháp (2014) và Carlisle - Anh (2015), khiến các sân vận động này không thể sử dụng được trong vài tháng.

Một câu hỏi hiện được giới quan tâm đi tìm câu trả lời : Liệu có còn giải đấu World Cup vào năm 2100? Và bóng đá sẽ là nạn nhân hay sẽ đóng góp cho những sự thay đổi của khí hậu?

Phương Quyên