20 năm thực hiện Công ước UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam

Hội thảo “20 năm bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: từ UNESCO đến cộng đồng” do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội tổ chức, được sự tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) - Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VNCDLL) diễn ra ngày 26/12 tại Bảo tàng Hà Nội.

chu-tich-hoi-di-san-van-hoa-viet-nam-1703665604.jpg
Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam - PGS.TS Đỗ Văn Trụ - phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm Công ước về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, hướng tới Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (23/4/2004) và 20 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2004), Đây cũng là diễn đàn khoa học - thực tiễn có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, đại diện cộng đồng, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Hội thảo nhằm đánh giá việc thực hiện Công ước 2003 của UNESCO, liên hệ với Luật di sản văn hóa và chỉ ra các tác động của Công ước đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam. Hội thảo sẽ tạo ra một diễn đàn đối thoại đa chiều và khách quan, nhằm chia sẻ thông tin, thảo luận nhận diện các thách thức, vấn đề tồn tại của công tác bảo vệ di sản trong bối cảnh phát triển, hiện đại hóa và chuyển đổi xã hội và công nghệ. Hội thảo là cơ hội để chia sẻ các trường hợp điển hình về các thực hành tốt và bài học kinh nghiệm trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam, với điểm nhấn là thành phố Hà Nội. Cuối cùng, Hội thảo sẽ thảo luận, đề xuất các khuyến nghị và kế hoạch hành động nhằm nâng cao hiệu quả trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, trong đó có việc điều chỉnh và sửa đổi Luật di sản văn hóa.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho biết: Cách đây 20 năm, tại phiên họp lần thứ 32 tại Paris (Cộng hòa Pháp) từ ngày 29/9 đến ngày 17/10/2003, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể - Văn bản mang tính pháp lý quốc tế và là sự cam kết của các quốc gia thành viên về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Ngày 5/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia Công ước và trở thành 1 trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới gia nhập Công ước quan trọng này và đã 2 lần trúng cử vào Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước. Tinh thần của Công ước đã bước đầu vận dụng vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và vào thực tiễn hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta, với những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận. Việt Nam cũng là quốc gia thành viên đầu tiên trong số 181 quốc gia thành viên của Công ước tính đến thời điểm này, tổ chức kỷ niệm 20 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực từ Trung ương tới các địa phương liên quan trong năm 2023.

Công ước về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể gồm 40 điều, ra đời đã 20 năm, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nhưng chưa một lần sửa đổi, bổ sung. Điều đó chứng tỏ rằng tính đúng đắn của Công ước, giá trị lý luận và thực tiễn của Công ước vẫn giữ nguyên giá trị và vẫn phù hợp với thời đại chúng ta.

Công ước về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003 là văn bản đề cập khá toàn diện các khía cạnh về di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 1 nội dung đặc biệt quan trọng là khẳng định vai trò của cộng đồng, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Công ước về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003 đã khẳng định: “Các cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân bản địa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái sinh di sản văn hóa phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”; khẳng định “sự cần thiết phải nâng cao nhận thức đối với thế hệ trẻ về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể và việc bảo vệ chúng”, khẳng định: “Vai trò quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể là yếu tố đưa nhân loại xích lại gần nhau hơn và đảm bảo sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa mọi người”.

Hội thảo khoa học “20 năm bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng” nhằm góp phần đánh giá việc thực hiện Công ước về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 của UNESCO trong 20 năm qua; liên hệ với Luật Di sản văn hóa; chỉ ra sự tác động của Công ước đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam.

Hội thảo mong muốn sẽ tạo ra một diễn đàn đối thoại đa chiều và khách quan, chia sẻ thông tin, thảo luận, nhận diện các thách thức, những mặt tồn tại của việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh phát triển, hiện đại hóa, chuyển đổi xã hội và công nghệ. Hội thảo mong muốn sẽ là cơ hội để chia sẻ các trường hợp điển hình về các thực hành tốt và bài học kinh nghiệm trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, với điểm nhấn là thành phố Hà Nội; Đề xuất được các khuyến nghị và kế hoạch hành động, nhằm nâng cao hiệu quả trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa.

hat-xoan-thoat-khoi-tinh-trang-bao-ve-khan-cap-sau-khi-duoc-unesco-ghi-danh-1703665643.jpg
 Hát Xoan Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Theo Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Việt Nam là một trong những quốc gia sớm đưa nội dung về di sản văn hóa phi vật thể vào Luật Di sản văn hóa (2001, 2009). Nhiều nội dung về di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Luật. Luật Di sản văn hóa dành riêng 1 chương để quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Các nội dung về di sản văn hóa phi vật thể quy định trong Luật Di sản văn hóa đã góp phần quan trọng vào thành quả bảo vệ di sản văn hóa nói chung trong suốt hơn 20 năm qua, làm cân bằng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phù hợp với tinh thần, quy định của Công ước 2003, được quốc tế đánh giá cao, góp phần bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tạo bức tranh chung, đa dạng văn hóa của nhân loại.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên đưa nội dung về di sản văn hóa phi vật thể vào Luật. Tinh thần, nội dung của Công ước 2003 hiện đang được duy trì và tiếp tục được hoàn thiện, lồng ghép và bổ sung trong các quy định của Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa và pháp luật liên quan. Việt Nam trở thành thành viên Ủy ban Liên chính phủ Công ước nhiệm kỳ 2006-2010; tiếp đó, năm 2017, Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Thẩm định, Công ước 2003 nhiệm kỳ 2017-2020. Ngày 6/7/2022, tại Kỳ họp lần thứ 9 Đại hội đồng Công ước UNESCO về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đang diễn ra tại Trụ sở UNESCO Paris - Pháp, Việt Nam đã trúng cử Thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026.

Kể từ khi Luật Di sản văn hóa ra đời năm 2001, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, liên quan mật thiết tới hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Với các di sản văn hóa phi vật thể trình và đã được UNESCO ghi danh vào các Danh sách, thực hiện cam kết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo các địa phương có di sản thực hiện các biện pháp bảo vệ di sản theo cam kết. Sau khi di sản được UNESCO ghi danh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia đối với từng di sản, đồng thời chỉ đạo các tỉnh, thành phố có di sản được ghi danh xây dựng các dự án, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Tính đến nay, qua công tác kiểm kê, đã có gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. 534 Di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh vào các Danh sách (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 02 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp), phân bố ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.750 Nghệ nhân ưu tú.

Việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đã góp phần nhận diện giá trị của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ nhận diện được hiện trạng, sức sống của di sản để triển khai kịp thời các đề án/dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền, góp phần tích cực trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người.

Thực hiện chương trình xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), nhiều nội dung về di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể theo bối cảnh thực tế của Việt Nam và Công ước 2003. Hưởng ứng Chương trình kỷ niệm 20 năm Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương tổ chức Lễ kỷ niệm, cụ thể như tại Tuần Lễ văn hóa Giỗ Tổ Hùng Vương - Khai mạc Lễ hội Đền Hùng vào tháng 4/2023 tại Phú Thọ, Hội nghị - Hội thảo - Thực hành di sản kỷ niệm 20 năm Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003-2023) và đánh giá hiệu quả thực hiện Công ước đối với Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tổ chức vào tháng 11/2023 tại Nam Định.

Với cương vị là Thành viên Ủy ban Liên Chính phủ của Công ước nhiệm kỳ 2022-2026, cùng nỗ lực không ngừng, trách nhiệm và tình yêu của nghệ nhân, cộng đồng thực hành di sản, chính quyền các cấp và xã hội đối với di sản văn hóa phi vật thể; thông qua việc tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003 của UNESCO, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; góp phần vào nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNESCO và Công ước 2003, cũng như tự cường mạnh mẽ trong việc đóng góp vào bảo vệ sự đa dạng văn hóa và phát triển bền vững di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng, nghệ nhân cũng đã đối thoại đa chiều và khách quan; nhiều ý kiến, tham luận được đưa ra nhằm chia sẻ thông tin, thảo luận nhận diện các thách thức, tồn tại trong công tác bảo vệ di sản những năm qua; chia sẻ các trường hợp điển hình về thực hành tốt và bài học kinh nghiệm trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, với điểm nhấn là thành phố Hà Nội.

Hội thảo cũng đề xuất các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, trong đó có việc điều chỉnh và sửa đổi Luật Di sản văn hóa.

TH