Đơn cử, khi đến huyện Văn Yên, du khách có thể mua những món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo được làm từ cây quế để làm kỷ niệm hay quà tặng cho bạn bè, người thân.
Tất cả các phần của cây quế từ cành, vỏ cho đến thân qua công đoạn sơ chế và bàn tay khéo léo của người thợ có thể trở thành những vật dụng như: hộp đựng trà, đựng tăm, bộ ấm chén hoặc các sản phẩm mô hình dùng để trưng bày, trang trí, các sản phẩm này có mùi hương đặc trưng.
Có nhiều du khách trong nước và nước ngoài đã vào tận xưởng làm đồ thủ công mỹ nghệ từ cây quế xem các công đoạn làm và mua về. Những món quà lưu niệm được làm từ cây quế có giá bán từ 200.000 - 500.000 đồng/sản phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Yên có nhiều hộ đang phát triển kinh tế bằng việc sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ quế. Các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ được các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn huyện trưng bày.
Ngoài ra, tại các lễ hội, hội nghị, triển lãm…, huyện có các gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm - đây là cách làm hiệu quả nhằm quảng bá những sản phẩm độc đáo đến với khách du lịch khi đến với Văn Yên.
Sản phẩm lưu niệm là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch. Với tiềm năng lớn và ngày càng hấp dẫn du khách, có thể nói, du lịch đang tạo ra thị trường đầy tiềm năng cho việc tiêu thụ các mặt hàng lưu niệm.
Tuy nhiên, Yên Bái có trên 50 khu, điểm du lịch, với gần 200 cơ sở lưu trú, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế, song mức độ chi tiêu của du khách không cao. Một phần nguyên nhân của thực trạng này, bên cạnh sự nghèo nàn các sản phẩm dịch vụ bổ trợ thì sự thiếu vắng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm là một sự thua thiệt lớn cho ngành du lịch.
Trong khi, về đồ thủ công mỹ nghệ Yên Bái có khá nhiều mặt hàng như: dệt thổ cẩm của người Thái tại thị xã Nghĩa Lộ, các vật dụng làm từ nghề rèn thủ công truyền thống của người Mông ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu hay tranh đá quý Lục Yên... những sản phẩm từ lâu đã nức tiếng khắp cả nước.
Thế nhưng, sản phẩm trên làm ra chưa tiếp cận được với khách du lịch, do chưa có nơi trưng bày và giới thiệu đến du khách; hầu hết cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa tập trung. Đặc biệt, việc tiếp cận và kết nối giữa các cơ sở sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các khu, điểm du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá các mặt hàng thủ công mỹ nghệ hiện vẫn yếu.
Để tạo ra những sản phẩm nổi bật, khác biệt của địa phương, từng bước phát triển theo chiều sâu và đáp ứng nhu cầu của du khách, các địa phương cần làm ra những sản phẩm lưu niệm ấn tượng, đa dạng về chủng loại gắn với hình ảnh đặc trưng của tỉnh, của địa phương đó.
Nâng cao nhận thức của người dân trong việc duy trì, bảo tồn nghề truyền thống, qua đó tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch ở địa phương.
Những sản phẩm trở thành quà tặng lưu niệm cần có sự nghiên cứu, tư vấn, hướng dẫn cho người dân xây dựng mẫu mã, kiểu dáng, thương hiệu sản phẩm; nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của làng nghề truyền thống; khảo sát để đưa một số làng nghề tiêu biểu vào các chương trình, tour, tuyến du lịch.
Qua đó, góp phần quảng bá rộng rãi bản sắc văn hóa địa phương, giải quyết đầu ra bền vững cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ; thu hút các nhà cung cấp nhỏ lẻ tham gia vào thị trường du lịch và tạo ra điểm khác biệt cho du lịch của tỉnh...