Chương trình được thực hiện trong phạm vi khu vực miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.
Mục tiêu chung của Chương trình là nghiên cứu, tích hợp phù hợp nguồn tài nguyên thông tin từ thư viện công cộng cấp xã (thư viện xã); trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm văn hóa/văn hóa - thể thao xã; điểm bưu điện - văn hóa xã; tủ sách pháp luật và sách, tài liệu pháp luật của Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn và một số cơ sở, loại hình khác nếu phù hợp (gọi tắt là thư viện cơ sở).
Chương trình đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2026, phấn đấu 15% số xã trong khu vực xây dựng "mô hình thư viện cơ sở" phù hợp trên địa bàn; đến năm 2030 nhân rộng mô hình đạt 50% chỉ tiêu tương ứng và đạt 90% vào năm 2045.
Đến năm 2026, phấn đấu 15% số thư viện cơ sở phối hợp hiệu quả với thư viện công cộng cấp tỉnh để cung cấp thông tin, sản phẩm và dịch vụ thư viện bằng hình thức luân chuyển, phục vụ lưu động, qua không gian mạng và tổ chức các hoạt động khuyến đọc trên địa bàn; đến năm 2030 đạt 50% chỉ tiêu tương ứng và đạt 90% vào năm 2045.
Đến năm 2026, 40% người làm công tác thư viện tại thư viện cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng, có năng lực cung cấp dịch vụ thư viện và tổ chức các hoạt động khuyến đọc; đến năm 2030 đạt 60% chỉ tiêu tương ứng và đạt 90% vào năm 2045.
Đến năm 2026, số lượt người sử dụng thư viện cơ sở phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin, nâng cao kiến thức tăng bình quân 10% mỗi năm; đến năm 2030 đạt 15% chỉ tiêu tương ứng và đạt 30% vào năm 2045.
Để đạt các mục tiêu trên, Chương trình sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, rà soát, sắp xếp, thống nhất những nội dung chủ yếu về thẩm quyền, quy trình, thủ tục liên quan đến xây dựng "mô hình thư viện cơ sở" phù hợp với pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương, thư viện và pháp luật khác liên quan, đặc thù trong khu vực, trong đó:
Về quản lý, nhân lực và tài chính theo hướng: UBND cấp xã quản lý và bảo đảm điều kiện hoạt động phù hợp với thực tiễn, khả năng của địa phương và theo quy định của pháp luật; việc bố trí nhân lực, tài chính dựa trên nguồn lực sẵn có của một hoặc một số thư viện cơ sở trong "mô hình thư viện cơ sở".
Về chuyên môn, nghiệp vụ: Thư viện công cộng cấp tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ, chuẩn hóa các hoạt động thư viện, luân chuyển sách, phục vụ lưu động, các hoạt động khuyến đọc, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và liên thông, chia sẻ tài nguyên thông tin.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động của "mô hình thư viện cơ sở" gắn với phát triển văn hóa đọc và phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân; tổ chức các hoạt động tuyên truyền gắn với các sự kiện hằng năm, như: Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Ngày Sách và Bản quyền thế giới, Ngày Khuyến học Việt Nam và các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương; đa dạng hóa hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành và của người dân tại cơ sở.
Xây dựng các tiêu chí hướng dẫn tổ chức và quản lý hoạt động của "mô hình thư viện cơ sở". Chú trọng việc củng cố, kiện toàn, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; bố trí địa điểm phù hợp, bảo đảm việc bảo quản, phát triển tài nguyên thông tin và thuận tiện trong phục vụ người sử dụng. Từng bước hoàn thiện, phát triển "mô hình thư viện cơ sở" tiện ích theo hướng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc của người dân trong giai đoạn mới.
Đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường phối hợp giữa thư viện cơ sở với thư viện công cộng cấp tỉnh trong việc hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thư viện trên nền tảng công nghệ số; ưu tiên việc liên kết, chia sẻ trong phát triển tài nguyên thông tin, dịch vụ thông tin và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, đặc biệt là các tài liệu về ngôn ngữ dân tộc giữa các thư viện cơ sở trong khu vực, phục vụ người dân tiếp cận thông tin, hình thành thói quen đọc sách, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho người làm công tác thư viện cơ sở. Tăng cường phát triển đội ngũ cộng tác viên, huy động nhân lực trong các thiết chế văn hóa khác ở cấp cơ sở, nhân lực của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, của cộng đồng tham gia hỗ trợ triển khai "mô hình thư viện cơ sở".
Đẩy mạnh việc vận động, quyên góp, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo đúng quy định pháp luật; tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là đội ngũ trí thức vào xây dựng và tổ chức hiệu quả "mô hình thư viện cơ sở.