Vào cuối tháng 10, tại Lễ khai mạc giải vô địch Kickboxing khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do Hậu Giang đăng cai, các nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh đã trực tiếp trao nhiều phần thưởng, trị giá 54 triệu đồng cho huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích xuất sắc tại giải vô địch trẻ Kickboxing thế giới và châu Á. Tạo động lực tinh thần, tiếp thêm niềm tin cho vận động viên, huấn luyện viên nỗ lực nhiều hơn trong hành trình gặt hái thành tích.
Ở giải Marathon quốc tế “Vietcombank Mekong delta” Hậu Giang đã nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp. Đặc biệt, năm 2024 đạt con số khá lớn với hơn 6,7 tỉ đồng tiền mặt, hiện vật, sản phẩm từ 57 doanh nghiệp hỗ trợ. Việc tổ chức giải thể thao có bổ sung nguồn lực xã hội hóa không chỉ giúp nâng chất lượng chuyên môn mà còn khích lệ tinh thần vận động viên qua số tiền thưởng cao hơn. Thu hút được nhiều vận động viên có tên tuổi tham gia thi đấu, tạo hiệu ứng phong trào.
Công tác xã hội hóa thể thao ở tỉnh dần có chuyển biến tích cực, thu hút sự quan tâm của người dân, đơn vị, doanh nghiệp. Thông qua việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm, trang bị dụng cụ tập luyện, đào tạo, khen thưởng vận động viên, tổ chức giải thể thao theo hình thức xã hội hóa một phần hoặc hoàn toàn.
Ông Nguyễn Phước Hưng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh - cho biết: “Ngành luôn cân đối sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách, không đầu tư tràn lan, dàn trải, tập trung cho nhóm vận động viên trọng điểm từ tập huấn, thi đấu quốc tế đến chế độ dinh dưỡng. Đặc biệt là tranh thủ huy động xã hội hóa thêm nguồn kinh phí phục vụ tổ chức các giải thể thao, đầu tư cơ sở vật chất…”.
Những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã tạo điều kiện thuận lợi bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân đầu tư cho lĩnh vực thể thao. Nhờ đó, nhiều hồ bơi, nhà thi đấu cầu lông, bóng bàn, sân bóng đá mini cỏ nhân tạo… ra đời, giải quyết tốt nhu cầu tập luyện và thi đấu thể thao của người dân.
Tuy nhiên, thể thao tỉnh chưa có nhiều lợi thế, thành công lớn khi huy động nguồn lực bên ngoài, ít tìm được nhà tài trợ đầu tư xứng tầm. Đơn cử, dù tỉnh có Liên đoàn Vovinam, Liên đoàn Quần vợt và Hội Taekwondo tỉnh, vẫn còn hạn chế trong việc xây dựng được nguồn lực tài chính mạnh để đủ lực làm chuyên môn. Hầu hết, nguồn kinh phí dành cho vận động viên thi đấu, tổ chức giải thể thao trong tỉnh vẫn từ ngân sách.
Để triển khai hiệu quả, tỉnh Hậu Giang đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn hỗ trợ tổ chức giải thể thao, chủ động tự tổ chức các giải thể thao theo hình thức xã hội hóa. Với thể thao thành tích cao, khi được Cục Thể dục thể thao và Liên đoàn trao suất tham dự các giải quốc tế phần lớn cũng tận dụng nguồn xã hội hóa để tham gia thi đấu. Nhờ đó, Thể thao Hậu Giang càng có thêm điều kiện góp mặt, đoạt thành tích mới.
Có thể nói, chủ trương xã hội hóa sẽ tác động tích cực đến sự nghiệp thể thao tỉnh, giúp có thêm nguồn lực cần thiết cho hoạt động thể thao. Ngoài việc nghiên cứu, áp dụng hoặc tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích vận động viên, thu hút tài năng thể thao về đầu quân cho tỉnh Hậu Giang, Ngành cần tăng cường thực hiện phương thức xã hội hóa tạo thêm nguồn lực đầu tư cho việc nâng cao thành tích các môn thể thao trọng điểm.