World Cup có quá nhiều nước mắt

Neymar, Ronaldo, Son Heung-min khóc nhè và cả Messi cũng rớm nước mắt, người hâm mộ thực sự không hiểu World Cup ở sa mạc lấy đâu ra nhiều nước mắt đến thế. Nước mắt xót xa và giả dối, nhưng cũng có những giọt nước mắt thật thà, sung sướng của người chiến thắng… 

Đừng bao giờ để nước mắt đánh lừa con trai nhé, như lời mẹ dặn từ thủa tập yêu. Nhưng đáng sợ nhất là những giọt nước mắt đàn ông, thường là giả dối. Tôi vẫn thích Cristiano Ronaldo của thời trai trẻ, mạnh mẽ tràn đầy cá tính hơn khi nhìn anh ôm mặt khóc như chưa bao giờ được khóc sau trận thua Marocco. Ai cũng sẽ phải già đi, dù chăm chỉ tập luyện cơ bắp và cố cưỡng lại quy luật của tự nhiên cũng chỉ để lừa dối bản thân. Cũng không có nhiều cầu thủ qua tuổi 37 mà vẫn ra sân và đá được như Ronaldo với sự rèn luyện chăm chỉ và cố gắng. Nhưng rồi cũng đến lúc không thể cưỡng lại được quy luật nghiệt ngã của đời người, thật khó diễn tả cảm xúc khi nhìn dáng ngồi như sắp hóa đá của Ronado trên băng ghế dự bị.

Người Bồ Đào Nha đã ngợi ca Cristiano Ronaldo từ năm 18 tuổi khi anh được khoác lên mình chiếc áo của đội tuyển Bồ Đào Nha và trong suốt 20 năm qua, những người yêu bóng đá đã được chiêm ngưỡng, trầm trồ và thán phục bao nhiêu bàn thắng đẹp mắt, vốn chỉ xuất hiện ở những tài năng thiên bẩm cùng sự khổ luyện. Thật bất công khi thưởng thức những bữa tiệc bóng đá thịnh soạn, những màn trình diễn đẳng cấp mà lại không nhớ đến Ronaldo. Vậy mà suốt những ngày qua, chỉ toàn nghe thấy những lời trách móc, chê bai, chế giễu như thể Ronaldo mới là tội đồ chứ không phải là nạn nhân của thói đời. 

ronaldo-chua-the-quen-voi-viec-phai-ngoi-tren-bang-ghe-du-bi-1670824615.jpg
Ronaldo chưa thể quen với việc phải ngồi trên băng ghế dự bị

Bóng đá từ trăm năm trước chỉ là một trò chơi, giờ trở thành ngành công nghiệp giải trí và kinh doanh béo bở. Khi hàng tỷ người hằng đêm dán mắt vào màn hình xem các trận đấu thì đấy chính là cơ hội kiếm tiền cho những kẻ chưa hẳn đã yêu bóng đá mà chỉ đam mê với những khoản tiền kếch xù kiếm được từ trò chơi hấp dẫn này. Sportradar ước tính, riêng nguồn tiền cá cược bóng đá hằng năm lên đến cả ngàn tỉ đô la. Nhưng đấy chỉ là phần giá trị gia tăng, bên cạnh các khoản thu từ bản quyền quyền hình, những phi vụ chuyển nhượng cầu thủ, mua bán câu lạc bộ...

Một cầu thủ nổi tiếng như Ronaldo hay cả Messi cũng có thể bị biến thành tội đồ nếu anh ta làm hỏng những toan tính của các ông chủ, gây thiệt hại và nghiêm trọng hơn là làm ảnh hưởng tới hình ảnh và giá trị của câu lạc bộ hay đội bóng. Đôi khi khoảng cách để trở thành người hùng cũng chỉ là gang tấc với khoảnh khắc thiên tài hay được các bình luận viên tô vẽ mà thực chất có cả vận may. Kinh doanh bóng đá cũng có nhiều chiêu trò khi ngay cả những giọt nước mắt cũng có thể trở thành công cụ đắt giá để câu view, giật like hay thậm chí bị biến thành những món hàng.

buc-anh-ghi-lai-canh-messi-va-dong-doi-nhay-mua-truoc-noi-dau-thua-tran-cua-cac-cau-thu-ha-lan-1670824646.jfif
Bức ảnh ghi lại cảnh Messi và đồng đội nhảy múa trước nỗi đau thua trận của các cầu thủ Hà Lan

Nhưng cuộc chơi nào cũng đến lúc tàn, những niềm vui nỗi buồn cũng sẽ nguôi ngoai, chỉ còn những cảm xúc đọng lại. Bóng đá đem đến sự an ủi, gắn kết và hy vọng chứ không cần nhiều nước mắt. Ronaldo sẽ có màn chia tay ấn tượng hơn nhiều với một nụ cười thay vì ôm mặt khóc. Messi cũng đừng nên nhảy múa trước nỗi đau màu da cam. Đơn giản, họ đều là những thần tượng được nhiều người yêu mến. Nói như huấn luyện viên Walid Regragui của Marocco, đừng đến đây để thua rồi lại khóc. Bóng đá không cần nhiều nước mắt đến thế.

Việt Hưng