WADA gây sốc khi cho phép 23 vận động viên Trung Quốc dương tính doping được thi đấu tại Olympic Tokyo

Cơ quan Chống Doping Thế giới (WADA) xác nhận các báo cáo cho biết 23 vận động viên bơi lội Trung Quốc đã có kết quả dương tính với chất cấm trước Thế vận hội Tokyo 2020, nhưng họ chấp nhận kết luận của phía Trung Quốc rằng đây là do vấn đề ô nhiễm có liên quan tới chất này.

boi-loi-tq-1713761150.jpg

Nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, các vận động viên này dương tính với trimetazidine (TMZ), một chất được tìm thấy trong thuốc tim mạch, vài tháng trước khi Thế vận hội Tokyo diễn ra vào tháng 7/2021. Cơ quan Chống Doping Trung Quốc (CHINADA) gọi các báo cáo này là "gây hiểu lầm" và cho biết kết quả dương tính là vô tình. CHINADA khẳng định, các vận động viên này có kết quả dương tính với TMZ ở "nồng độ cực kỳ thấp" sau khi vô tình tiếp xúc với chất này và không nên bị quy trách nhiệm là dương tính doping, theo tuyên bố được Tân Hoa xã (Trung Quốc) đưa tin hôm Chủ nhật (21/4).

Cơ quan Chống Doping Trung Quốc tiết lộ, họ đã điều tra vấn đề này "từ nhiều khía cạnh khác nhau" và thông báo cho WADA cũng như Liên đoàn Thể thao dưới nước Thế giới. "WADA đồng ý với kết luận của chúng tôi sau khi xem xét kỹ lưỡng", CHINADA giải thích. Hiệp hội Bơi lội Trung Quốc không trả lời email yêu cầu bình luận từ Reuters.

WADA cho biết, họ đã được thông báo vào tháng 6/2021 về quyết định của CHINADA chấp nhận việc các vận động viên có kết quả phân tích bất lợi (AAF) do vô tình tiếp xúc với chất bị ô nhiễm. Cơ quan chống doping toàn cầu, có quyền kháng cáo các phán quyết của các cơ quan chống doping quốc gia, cho biết họ đã xem xét quyết định này, tham khảo ý kiến của các chuyên gia khoa học và cố vấn pháp lý bên ngoài. “WADA cuối cùng đã kết luận rằng họ không thể bác bỏ khả năng ô nhiễm là nguồn gốc của TMZ và nó tương thích với dữ liệu phân tích trong hồ sơ”- cơ quan chống doping cho biết trong một tuyên bố- "WADA cũng kết luận rằng... các vận động viên sẽ không có lỗi hoặc sơ suất. Do đó, dựa trên lời khuyên của luật sư bên ngoài, WADA coi việc kháng cáo là không chính đáng".

Đội tuyển bơi lội gồm 30 thành viên của Trung Quốc đã giành được 6 huy chương tại Thế vận hội Tokyo, bao gồm 3 huy chương vàng. Nếu không có những tình tiết giảm nhẹ, các vận động viên có kết quả xét nghiệm doping dương tính thường bị cấm thi đấu từ 2 đến 4 năm cho lần vi phạm đầu tiên và cấm thi đấu trọn đời cho lần vi phạm thứ hai.

Liên đoàn Thể thao dưới nước Thế giới, tên cũ là FINA, cho biết họ tin tưởng các bài kiểm tra dương tính đã được xử lý "cẩn thận và chuyên nghiệp". "Liên quan đến các kết quả phân tích bất lợi (AAF)... chúng đã được Hội đồng Kiểm tra Kiểm soát Doping của FINA xem xét cẩn thận", tổ chức này nói thêm- "Các tài liệu liên quan đến nguồn gốc của AAF đã được các chuyên gia độc lập do FINA thuê kiểm tra. Liên đoàn Thể thao dưới nước Thế giới tin tưởng rằng các AAF này đã được xử lý cẩn thận và chuyên nghiệp, và tuân theo các quy định chống doping hiện hành, bao gồm Bộ luật WADA".

Cơ quan Chống Doping Hoa Kỳ (USADA) lập tức lên tiếng chỉ trích WADA và CHINADA vì cách xử lý vấn đề này. Giám đốc Điều hành USADA - Travis Tygart - cho biết trong một tuyên bố: "Thật đau lòng khi thấy 23 vận động viên bơi lội Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với một loại thuốc tăng cường hiệu suất mạnh trước thềm Thế vận hội 2021, theo như báo cáo của New York Times. Thậm chí còn tàn khốc hơn khi biết Cơ quan Chống Doping Thế giới và Cơ quan Chống Doping Trung Quốc đã bí mật, cho đến tận bây giờ, che giấu những kết quả dương tính này bằng cách không tuân theo các quy tắc toàn cầu áp dụng cho tất cả mọi người trên thế giới một cách công bằng và bình đẳng. Tất cả những người có bàn tay bẩn thỉu trong việc chôn vùi các kết quả xét nghiệm dương tính và ngăn chặn tiếng nói của những người tố cáo dũng cảm phải chịu trách nhiệm ở mức tối đa các quy tắc và pháp luật”.

WADA đang xem xét hành động pháp lý chống lại USADA và Tygart vì cáo buộc nói trên. WADA cho biết: “Cơ quan chống doping thế giới (WADA) rất ngạc nhiên trước những nhận xét xúc phạm, hoàn toàn sai trái và mang tính phỉ báng của Giám đốc Điều hành Cơ quan chống doping Hoa Kỳ (USADA) - Travis Tygart - người đã đưa ra những cáo buộc rất nghiêm trọng. Tuyên bố của ông Tygart ám chỉ rằng ông không chấp nhận kết luận về ô nhiễm môi trường trong trường hợp này mặc dù ông không thể giải thích lý do".

WADA cho biết trong quá khứ họ đã chấp nhận kết luận tương tự về ô nhiễm liên quan đến một số vận động viên Mỹ từ USADA và không còn cách nào khác ngoài việc chuyển vấn đề này cho cố vấn pháp lý của họ để có hành động tiếp theo.

Tin tức về AAF có thể dẫn đến việc các vận động viên Trung Quốc bị giám sát chặt chẽ hơn trước Thế vận hội Paris năm nay. Một trong những vụ việc nổi bật nhất liên quan đến TMZ là trường hợp của vận động viên bơi lội giành huy chương vàng Olympic của Trung Quốc - Sun Yang. Anh bị cấm thi đấu 3 tháng vào năm 2014 sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với chất này. Sun cho biết, anh được kê đơn thuốc này để điều trị đau ngực.

Trong quá khứ, vào năm 1994, 7 vận động viên bơi lội Trung Quốc từng có kết quả xét nghiệm dương tính với dihydrotestosterone tại Đại hội Thể thao châu Á Hiroshima. Bốn năm sau, 4 vận động viên bơi lội Trung Quốc không vượt qua được bài kiểm tra trước thi đấu liên quan tới chất lợi tiểu triamterene trước khi diễn ra giải vô địch thế giới ở Perth, và Yuan Yuan bị loại khỏi Perth sau khi bị bắt gặp với 13 lọ hormone tăng trưởng cơ bắp dành cho người tại sân bay Sydney. Cô bị cấm thi đấu 4 năm và huấn luyện viên của cô bị cấm trọn đời. Năm 2003, Li Ning bị cấm thi đấu 2 năm và huấn luyện viên của cô bị cấm trọn đời sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với steroid testosterone. 5 năm sau, "kình ngư" bơi ngửa Ouyang Kunpeng và huấn luyện viên của anh ta bị cấm thi đấu trọn đời sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm.

Hoàng Minh (Reuters)