
Ngay trước các trận đấu lượt về V.League 2024-2025, đơn vị tổ chức các Giải Bóng đá Chuyên nghiệp tại Việt Nam là Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp (VPF) đã có văn bản yêu cầu các sân Hà Tĩnh và Bình Định khắc phục ngay tình trạng xuống cấp nghiêm trọng khiến mặt sân thi đấu không đảm bảo điều kiện tổ chức, ảnh hưởng tới chuyên môn ở các trận đấu. Ngay lập tức, sân Hà Tĩnh đã phải đóng cửa để sửa chữa, nâng cấp mặt cỏ trên sân. Vòng đấu 15, đội chủ nhà Hà Tĩnh sẽ phải chuyển tới sân Vinh để thi đấu, trong khi câu lạc bộ Bình Định cũng đang tính tới phương án chuyển lên thi đấu tại sân Pleiku để tiếp đón Bình Dương ở vòng 15 diễn ra cuối tuần này.
Tình trạng các sân bóng không được bảo dưỡng và chăm sóc đúng cách bị xuống cấp nhanh chóng đang là thực trạng khá phổ biến ở các địa phương. Hồi đầu tháng 2, sân Hoà Xuân của Đà Nẵng sau hơn chục năm liên tục sử dụng cũng đã phải đóng cửa để làm lại hệ thống thoát nước cũng như nâng cấp mặt sân và trồng lại cỏ. Trong thời gian sửa chữa, đội chủ nhà Đà Nẵng sẽ vào mượn sân Tam Kỳ thi đấu ở V.League.

Mang tiếng là chuyên nghiệp, nhưng thực tế ở V.League có rất ít câu lạc bộ có sân bóng riêng mà vẫn phải dùng chung. Các sân vận động do địa phương quản lý nên việc đầu tư, sửa chữa hay nâng cấp như thế nào còn phải phụ thuộc vào chủ trương và nguồn kinh phí của các đơn vị được giao quyền quản lý hay thường gọi là chủ sân bóng. Cũng có những câu lạc bộ như Khánh Hoà hồi đầu mùa giải năm ngoái vì nợ tiền thuê sân Nha Trang không chịu thanh toán còn bị cấm cửa, không cho vào sân tập luyện, thi đấu.
Thực tế, ở V.League hiện tại vẫn còn không ít câu lạc bộ đang phải lệ thuộc khá nhiều vào các địa phương, không chỉ là sân bãi tập luyện thi đấu mà còn là hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ và cả nguồn kinh phí hỗ trợ hằng năm. Vì vậy, chuyện các sân bóng xuống cấp, phải đóng cửa chắc chắn sẽ còn xảy ra dài dài khi các câu lạc bộ vẫn chưa thể tự chủ và có được sân bóng đúng nghĩa của riêng mình.
