V.League 2023-2024: "Mồng một con Na, mồng ba con Nết"

Lần thứ hai ở mùa giải năm nay, đội bóng đất Võ xin đổi tên từ Topenland Bình Định thành Quy Nhơn Bình Định và mới đây lại được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cấp phép ngoại lệ để gắn thêm tên gọi của Nhà tài trợ Merryland...

binhdinh-hagl2023-24-02-1701479095.jpg
Bình Định thay tên mới Merryland Quy Nhơn Bình Định để làm vừa lòng nhà tài trợ

Bình Định bây giờ mang tên mới - Merryland Quy Nhơn Bình Định - để vừa thể hiện nghĩa vụ, làm vừa  lòng nhà tài trợ lại mang theo hồn cốt "đất võ trời văn” và cả gốc gác Bình Định. Hồi tháng 9, sau khi kết thúc mùa bóng 2023 và chia tay với đại gia bất động sản Topenland, câu lạc bộ Bình Định đã xin được đổi tên thành Quy Nhơn Bình Định với lý do để gắn bó hơn với địa phương, vùng miền. Ai chả biết, thành phố Quy Nhơn là thủ phủ của tỉnh Bình Định thì cần gì phải gán thêm vào đội bóng cho thừa thãi, ngô nghê. Thế mà vẫn còn chưa đủ xi-nhê nên giờ lại xin cấp phép ngoại lệ cho giống chị, bằng em như Hoàng Anh Gia Lai mới vừa ghép thêm mác LPBank.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vì không muốn mất lòng, lại mang tiếng làm khó các câu lạc bộ nên một mặt khẳng định việc đổi tên, gắn nhà tài trợ vào tên gọi của các đội bóng khi mùa giải đang diễn ra là trái với Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp, được quy định cụ thể tại khoản 4 điều 8. Thế nhưng, mặt khác lại “vẽ đường” cho các đội “lách luật” bằng cách làm đơn xin cấp phép ngoại lệ để đưa ra Ban Chấp hành xem xét và có thể đổi tên một cách chóng vánh. Mùa này, sau 3 vòng đấu ở V.League đã có 3 đội bóng xin đổi tên gọi, riêng Bình Định đã 2 lần "thay áo”.

hagl-cahn2023-24-03-1701478670.jpg
Hoàng Anh Gia La và Công an Hà Nội đều đã đổi tên nhưng chỉ có đội bóng phố Núi gắn mác nhà tài trợ

V.League từ lâu đã có lệ “ăn cơm chúa, mùa tối ngày”, cứ mỗi lần thay đổi nhà tài trợ là các câu lạc bộ lại đổi tên, gắn với nhà tài trợ từ gạch, gỗ, xi-măng, sắt thép lại đến ngân hàng, bất động sản, nước tăng lực… Thời buổi khó khăn, kiếm tài trợ không dễ nên có khi còn phải bán cả đội bóng chứ nói chi tên gọi. Bình Định vài mùa trước còn rủng rỉnh, đổ tiền không ít vào thị trường chuyển nhượng, đến mùa này kín tiếng hơn hẳn sau khi Topenland xin rút nhưng thực ra, Marryland hay Topenland cũng đều thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh và chuyện xin đổi tên liên tục cũng chỉ để chiều lòng nhà tài trợ.

viettel-hatinh2023-24-06-1701478888.jpg
Viettel mới đây cũng đã lấy lại tên gọi cũ Thể Công để xin đổi thành câu lạc bộ Thể Công - Viettel  

Khác với chuyện Viettel mới đây đã lấy lại tên gọi cũ Thể Công và xin đổi thành câu lạc bộ Thể Công - Viettel để tiếp nối và gìn giữ bản sắc riêng có của đội bóng Quân đội,  từng là biểu tượng của bóng đá Việt Nam một thời, được nhiều người mến mộ. Những giá trị truyền thống là linh hồn của các câu lạc bộ, Thể Công dù trải qua nhiều cuộc bể dâu, thậm chí có thời điểm phải bán cả đội bóng cùng suất chuyên nghiệp, nhưng thực ra vẫn còn sống mãi trong lòng người hâm mộ nên sớm muộn gì cũng sẽ quay trở lại.

Cũng như Công an Hà Nội đã lấy lại tên  gọi cũ ngay sau khi giành được suất lên chơi ở V.League và nhanh chóng khẳng định vị thế với chức vô địch ở mùa giải 2023. Hơn 2 chục năm biến mất trên bản đồ bóng đá, Công an Hà Nội đã trở lại với diện mạo mới và cả tâm thế của một đội bóng giàu tiềm lực ở Thủ đô.

Việt Hưng