Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng chương trình giáo dục di sản văn hóa

Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1113/QĐ-BVHTTDL, giao Cục Di sản văn hóa chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 03 lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ về công tác thuyết minh, giới thiệu, diễn giải và xây dựng chương trình giáo dục di sản văn hóa và hướng dẫn triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa năm thứ nhất (2022-2023).

ttx-1683775555.jpg
Ảnh minh họa: TTXVN

Các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thuyết minh tại bảo tàng, di tích. Đồng thời tạo điều kiện để viên chức trực tiếp làm công tác thuyết minh tại các bảo tàng, di tích có cơ hội giao lưu, tăng cường sự phối hợp, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ. Từ đó đổi mới, nâng cao tính hấp dẫn và chất lượng phục vụ khách tham quan.

03 lớp đào tạo dự kiến diễn ra trong tháng 5 - 6/2023 tại các địa điểm: thành phố Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai), dành cho các tỉnh, thành phố miền Nam; thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), dành cho các tỉnh, thành phố miền Bắc và thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), dành cho các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên).

Tại lớp đào tạo, học viên sẽ được các giảng viên là chuyên gia về công tác thuyết minh, xây dựng chương trình giáo dục di sản văn hóa và các chuyên gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục, trải nghiệm bồi dưỡng chuyên sâu về lý thuyết và thực hành công tác thuyết minh, giới thiệu và diễn giải nội dung trưng bày cho các bảo tàng, với các nội dung chủ yếu gồm: Tổng quan về lý thuyết về công tác thuyết minh, giới thiệu và diễn giải nội dung trưng bày cho các bảo tàng, di tích. Phương pháp, kỹ năng trong công tác hướng dẫn, thuyết minh tại bảo tàng, di tích phục vụ đối tượng học sinh, sinh viên. Mô hình và kinh nghiệm quốc tế trong việc tổ chức hoạt động giáo dục, trải nghiệm di sản văn hóa tại bảo tàng, di tích và nhà trường. Phương pháp xây dựng nội dung và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, trải nghiệm di sản văn hóa tại bảo tàng, di tích và nhà trường phục vụ đối tượng học sinh, sinh viên. Thực hành xây dựng nội dung và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, trải nghiệm di sản văn hóa. Ứng dụng công nghệ trong tổ chức hoạt động giáo dục, trải nghiệm di sản văn hóa tại bảo tàng, di tích và nhà trường; thực hành trải nghiệm các ứng dụng công nghệ cơ bản và các phần mềm ứng dụng liên quan phục vụ hoạt động giáo dục, trải nghiệm di sản văn hóa tại bảo tàng, di tích và nhà trường. Khảo sát điều kiện thực tế tại bảo tàng và di tích tại địa phương, đánh giá sự phù hợp của cơ sở vật chất nhằm bảo đảm nâng cao hiệu quả sử dụng di sản văn hóa trong công tác giáo dục truyền thống.

Qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng góp phần tăng cường sự phối hợp giữa Ngành văn hóa, thể thao và du lịch và Ngành giáo dục và đào tạo trong công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa. Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc cho thế hệ trẻ. Đồng thời rèn luyện tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực con người - yếu tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

P.V