Thể thao Thừa Thiên Huế: Nhọc nhằn “tuyển quân”

Sắp đến hè, Ban huấn luyện các môn thể thao Trung tâm Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế ráo riết đi tuyển quân, bổ sung lực lượng vận động viên năng khiếu thay thế cho lứa vận động viên khó có khả năng phát triển thành tích. Tưởng dễ, nhưng hóa ra tuyển được vận động viên đủ điều kiện để gắn bó lâu dài, gặt hái được thành tích cũng phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt".

Huế được ví như miền đất Võ, Vật. Nhưng ngay cả các môn thể thao này cũng khó tuyển quân được như ý. Cuối tháng 4/2024, khi ngồi trò chuyện với ông Đinh Văn Kiên - huấn luyện viên trưởng môn Vật của tỉnh - ông thầy môn Vật cũng lắc đầu vì nhiều ngày đi tuyển quân, vẫn chưa tìm ra người. Nhiều người hội đủ điều kiện, phụ huynh lại không cho con theo nghiệp thể thao.

karate-hue-1715307115.jpg
Các vận động viên Karatedo tích cực luyện tập

Nghe môn Vật khó tuyển quân thì đúng là quá ngạc nhiên. Huế có 2 địa phương gắn với Lễ hội Vật nổi tiếng gần xa là Vật làng Sình (thành phố Huế) và Vật Thủ Lễ (huyện Quảng Điền), nhưng những năm gần đây, các huấn luyện viên vẫn “đỏ mắt” đi tìm người. Huấn luyện viên Đinh Văn Kiên cho biết, Quảng Điền từng là “mảnh đất hứa” khi đi tuyển vận động viên năng khiếu. Thế hệ những nữ đô vật giàu thành tích như Mỹ Hạnh, Mỹ Trang… đều xuất phát từ mảnh đất này. Thế nhưng, khoảng 6-7 năm trở lại, rất khó để tìm được vận động viên phù hợp, buộc Ban huấn luyện phải mở rộng địa bàn, với các phương án khác nhau.

Nói về môn Vật, không thể không nhắc đến môn Võ, nhất là Karatedo - môn Võ mà Huế có nhiều thế mạnh và phong trào tập luyện Karatedo đang rất phát triển. Song, chuyện đi tuyển quân lại không hề dễ dàng, dù Ban huấn luyện phải lên núi xuống biển. Trước chuyến đi A Lưới tuyển quân mới đây, ông Lê Văn Lộc - huấn luyện viên trưởng môn Karatedo tỉnh - chia sẻ một “công thức” tuyển quân rằng, khi cần 4-5 vận động viên, phải tìm đến khoảng 40-50 em, ở lứa tuổi cuối cấp Tiểu học, đầu cấp Trung học cơ sở. Sau đó, từ thể hình, thử qua các kỹ thuật đơn giản để chọn khoảng 10 em đưa về đơn vị tập luyện thử trong 1 tuần. Số lượng lớn như thế, nhưng con số “trụ” lại để tiếp tục đào tạo rất ít. Còn nhớ năm 2013, huấn luyện viên Lê Văn Lộc mạnh dạn tuyển và đưa về khá nhiều vận động viên năng khiếu, trong đó có 8 em từ A Lưới. Qua thời gian tập luyện ngắn, chỉ còn lại Hồ Thị Hạ, Hồ Thị Hoài Tành là 2 cái tên có thể gắn bó lâu dài.

thua-thien-hue-1715307189.jpg

Thực ra, không riêng gì Thừa Thiên Huế và cũng không riêng gì môn Vật, Võ mà nhiều môn thể thao, nhiều địa phương đang đối mặt với bài toán chung. Cái khó là ở chỗ, mỗi môn thể thao đều đòi hỏi những tiêu chí về thể hình, thể lực. Tuyển được người, còn phải trải qua vòng “vận động” phụ huynh khi rất nhiều bậc cha mẹ muốn hướng con chỉ tập trung học văn hóa (dù lên tuyển vẫn tiếp tục học song song văn hóa) và chưa xem thể thao là cái nghề. Thậm chí, vượt qua cả vòng “xin phép” gia đình, khâu khám sức khỏe vận động viên và khả năng thích nghi của vận động viên ở trên sân tập cũng là vấn đề lớn. Nhiều vận động viên năng khiếu không chịu nổi áp lực sân tập, hoặc đơn giản chỉ là nhớ nhà thì cũng lập tức khiến cho đội quân mới tuyển được "rơi rụng" bớt thành viên. Tuyển chọn, rồi phải sàng lọc để chọn được người thích hợp, những địa phương có vận động viên bị trả nhiều năm sau lại khó tuyển, vì chuyện… “lên rồi cũng về, chắc khó”.

Có nhiều lần, một số huấn luyện viên đùa nhau: “Hay mình chọn hướng 'ăn xổi', chiêu mộ những vận động viên giàu thành tích để nhanh chóng lấy huy chương”, nhưng đó chỉ là chuyện đùa vì có muốn cũng lấy đâu ra tiền để hút vận động viên, mặt khác, chiến lược ấy thiếu tính bền vững. Huế hướng đến tuyển quân và đào tạo để vận động viên trưởng thành từ lò đào tạo nhà, cống hiến cho Thể thao Cố đô. Hướng đi ấy phù hợp nhưng cần sự thấu hiểu, đồng hành nhiều hơn từ các cấp, ngành, trường học và gia đình để những tài năng thể thao có thể phát triển đúng hướng.

Hữu Phúc (Báo Thừa Thiên Huế)