"Thể thao thành phố Hồ Chí Minh cần những cú hích mạnh mẽ hơn"

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển thể dục thể thao, trong đó, thể thao thành tích cao luôn duy trì ổn định về thành tích và có nhiều đóng góp cho Thể thao Việt Nam trên các đấu trường quốc tế.

Thời gian qua, Thể thao thành phố Hồ Chí Minh có sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, từ thể thao phong trào lẫn thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, Thể thao thành phố mang tên Bác vẫn phải nỗ lực và có những cú hích mạnh mẽ, đặc biệt là cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và khoa học thể thao xứng tầm để xứng đáng với sự mong đợi của người dân thành phố và cả nước.

Trong không khí hân hoan nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Nguyễn Nam Nhân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã có những chia sẻ cùng Thethaovietnamplus.vn.

PV: Ông có đánh giá thế nào về những kết quả nổi bật mà ngành Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong thời gian qua, bao gồm cả thể thao phong trào và thể thao thành tích cao? 

Ông Nguyễn Nam Nhân: Nói cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trong thời gian qua, phong trào thể thao có nhiều nổi bật, phong phú và đa dạng. Đặc biệt là chúng ta kết hợp các sự kiện thể thao góp phần quảng bá kinh tế, du lịch và hình ảnh của thành phố Hồ Chí Minh đến với người dân không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Đối với thể thao đỉnh cao, chúng ta đã tập trung vào các môn trọng điểm. Trong năm 2024, các môn thể thao trọng điểm cũng như môn thể thao truyền thống của thành phố đứng trước những thách thức của sự phát triển, thì chúng ta cũng đã giữ vững, như các môn: Bóng đá nữ, Taekwondo, Judo, Bơi… Điền kinh, Thể dục dụng cụ, thành phố Hồ Chí Minh vẫn vững vàng ở vị trí là những môn thể thao thành tích cao của cả nước. 

ff2800021382bedce79322-5728-1709115403-1745829090.webp
Ông Nguyễn Nam Nhân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh

Nhìn chung, bức tranh toàn diện của Thể thao thành phố Hồ Chí Minh có thể thấy được đó là sự phát triển rộng khắp; được sự hưởng ứng của nhân dân, các Sở, Ban, Ngành cũng như doanh nghiệp cùng chung tay trong việc phát triển thể dục thể thao và thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân tập luyện theo gương Bác Hồ vĩ đại". Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi dấu ấn quốc tế bằng việc tổ chức thành công các cái giải Thể thao, Liên hoan Võ thuật, giải vô địch thế giới Teqball và nhiều giải vô địch quốc gia khác, thu hút hàng ngàn người, được sự ghi nhận của cộng đồng, quốc gia cũng như quốc tế.

Nói chung, Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đạt được nhiều mục tiêu, trong đó có những mục tiêu mà chúng tôi đặt ra từ đầu năm, ví dụ như: Tổ chức tập luyện thể thao miễn phí cho người dân. Khi chúng tôi bắt tay vào triển khai công việc này cũng có nhiều lo lắng về chất lượng và dịch vụ bởi đối tượng mà chúng tôi sẽ cung cấp là người dân. Qua từng bước thực hiện, các đơn vị sự nghiệp thể thao trên địa bàn thành phố cũng như các quận, huyện đã hưởng ứng rất tốt.

Ban đầu, người dân được tiếp cận qua thông tin của các cơ quan truyền thông, báo chí đã đến tập luyện và đánh giá cao. Năm 2025, chúng tôi đã và đang tiếp tục triển khai cũng như từng bước khắc phục những điểm còn hạn chế như lắp đặt trang thiết bị chất lượng hơn để người dân đến tham gia tập luyện miễn phí cảm thấy thoải mái để nâng cao thể chất bản thân. 

Hơn 1 năm qua, Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đã và đang vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15  như thế nảo để tạo cơ hội phát triển, bứt phá mạnh mẽ hơn, thưa ông?

Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao bước đầu triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi xác định những thiết chế, cơ sở vật chất của lĩnh vực văn hóa, thể thao để mời gọi đầu tư ở các cơ sở mà chúng tôi mong muốn. 

Trong thời gian tới, lĩnh vực thể dục, thể thao cũng như ngành Thể thao thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để xây dựng các chính sách cụ thể nhằm thu hút hơn nữa, đặc biệt là giải quyết cái bài toán về các hạ tầng pháp lý để sao cho nhiều doanh nghiệp có thể tham gia vào việc xây dựng các thiết chế thể thao theo hình thức công - tư. Chúng tôi cũng triển khai Hội nghị Xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực này. 

Đối với Nghị quyết 98, chúng tôi sẽ vận dụng cơ chế đặc thù để đề ra nhiều chính sách phù hợp cho các lĩnh vực thể dục, thể thao. Riêng đối với lĩnh vực mà văn hóa và thể thao, chúng ta cần có quá trình dài hơi hơn, tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp rất mong muốn được đầu tư trong lĩnh vực này. Do vậy, trong thời gian tới, thành phố cần phải tháo gỡ về các cơ chế chính sách sao cho phù hợp hơn nữa. 

Năm 2026, thành phố Hồ Chí Minh sẽ đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X, cùng một số địa phương lân cận. Đây được xem là dịp để “vực dậy” các thiết chế thể thao của thành phố cũng như tạo đà cho Thể thao thành phố phát triển vững mạnh hơn. 2025 có thể nói là năm bản lề để thành phố "chạy nước rút" hoàn thiện các công tác chuẩn bị cho Đại hội. Xin ông cho biết, công tác này đã và đang triển khai như thế nào? 

kiemthu-1745830174.jpeg
Các tuyển thủ kiếm 3 cạnh thành phố Hồ Chí Minh giành huy chương vàng đồng đội tại SEA Games 32. Ảnh: Dũng Phương

Thời gian qua, chúng tôi đã đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố đề ra các giải pháp tổng thể. Thứ nhất, đó là Đề án đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X đã được phê duyệt và trình Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch. Song song với đó, chúng tôi rà soát tất cả các thiết chế, đặc biệt là những địa điểm có thể tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc, đặc biệt là các khu vực tổ chức Lễ khai mạc, bế mạc, những các công trình bắt buộc ở các Đại hội Thể thao phải có, ví dụ như: Sân vận động, Nhà thi đấu trong nhà, Bể bơi hay các Khu phức hợp... và đã được Ủy ban Nhân dân, Hội đồng nhân dân thành phố thông qua. Đầu năm 2025, các công trình này đã được triển khai tu bổ, sửa chữa để kịp hoàn thành, đưa vào sử dụng tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố quy hoạch các môn thể thao trọng điểm, quy hoạch đầu tư, đồng thời phối hợp với các tỉnh/thành lân cận để cùng tổ chức, cùng phát triển với Thể thao thành phố Hồ Chí Minh cũng như khu vực miền Nam. Tất cả các tỉnh/thành đã ủng hộ và cùng có sự chuẩn bị để xây dựng các thiết chế thể thao. Ngoài ra, chúng tôi cũng xúc tiến công tác tài trợ, xã hội hóa và các vấn đề khác. 

Năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chiến lược phát triển thể thao thành phố đến năm 2035. Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030. Với vai trò là một trong những "lá cờ đầu" của thể thao cả nước, theo ông, thành phố Hồ Chí Minh cần có những giải pháp nào để gắn kết giữa nguồn lực địa phương và trung ương nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu chiến lược thể dục, thể thao đề ra?

Khó khăn của thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua là thiếu những thiết chế thể thao rộng lớn, hiện đại để người dân có thể tham gia tập luyện một cách tốt nhất. Trên địa bàn thành phố hiện nay, chúng ta thấy, hầu hết phụ huynh đưa các em thanh thiếu niên đến tập luyện thể thao chỉ với mục tiêu đam mê, giải trí là chủ yếu nhưng để đến với thể thao chuyên nghiệp khó khăn. Vì vậy, để phát triển thể thao đỉnh cao, chúng ta cần phải có cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi đối với những vận động viên tài năng cũng như có chế độ đầu ra cho các vận động viên khi họ hết tuổi tập luyện và thi đấu. Đây là bài toán xuyên suốt mà chúng tôi đang phải vận dụng. Trong Chiến lược phát triển thể thao đến năm 2035 của thành phố Hồ Chí Minh có nhiều giải pháp không chỉ riêng lĩnh vực thể dục thể thao mà cần có sự ủng hộ của chính quyền các cấp mới thực hiện được ở giai đoạn dài hạn. 

Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng, thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế. Thứ nhất, so với các tỉnh/thành trên toàn quốc, quy mô kinh tế, quy mô dân số của thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước; có rất nhiều doanh nghiệp và lực lượng lao động trẻ. Thứ hai, về truyền thống và bề dày thành tích của Thể thao thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng biết, sau năm 1975 thống nhất đất nước, thì năm 1976, Trường Nghiệp vụ Thể thao của thành phố đã ra đời. Hiện nay, chúng ta cũng đang trong tốp 2 cung cấp các huấn luyện viên, vận động viên cho các đội tuyển quốc gia. Thứ ba, đó là hạ tầng xã hội hóa các doanh nghiệp. Với quy mô kinh tế thì các doanh nghiệp, các câu lạc bộ thể thao có mặt hầu hết ở thành phố Hồ Chí Minh; phát triển về doanh nghiệp thể thao, kinh doanh dịch vụ thể thao, cho nên việc đóng góp, tài trợ cho thể thao cũng có lợi thế hơn các tỉnh/thành phố khác. Thứ tư, đó là ứng dụng khoa học công nghệ. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hầu hết tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, các vận động viên tiềm năng và các huấn luyện viên cũng có cách tiếp thu, tiếp cận nhanh hơn so với các địa phương khác. Tại thành phố Hồ Chí Minh, các phong trào thể thao cộng đồng, thể thao thành tích cao, thể thao học đường, thể thao giải trí, kể cả thể thao trong các lực lượng vũ trang luôn có sự tương hỗ với nhau, có thể thúc đẩy phong trào, sau đó bổ sung cho thể thao thành tích cao.

img-4415-1105-1781jpg-1745830030.jpeg
Các vận động viên, huấn luyện viên của Thể thao thành phố Hồ Chí Minh vinh dự được lựa chọn để tham gia diễu hành tại sự kiện trọng đại vào ngày 30/4/2025. Ảnh: Hữu Hiếu

Chúng ta thấy rằng, với chủ trương tinh gọn, sáp nhập bộ máy, sắp tới, các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ nhập vào thành phố Hồ Chí Minh, thể thao thành phố sẽ như được chắp thêm cánh, phát huy được thế mạnh để phát triển hơn nữa. Hiện tại, thành phố chỉ có 2 sân gofl nhưng khi 3 địa phương hợp lại thì sẽ có 9 sân gofl. Thành phố Hồ Chí Minh đang chỉ có sân vận động Thống Nhất sắp tới sẽ có 3 sân vận động đầy đủ điều kiện, tiện nghi đạt tiêu chuẩn. 

Với những lợi thế đó, chúng ta cần có những cái giải pháp đột phá để phát triển. Thứ nhất, trung ương có thể phân quyền, giao quyền cho thành phố Hồ Chí Minh trong việc chủ động thành lập các đội tuyển quốc gia. Hiện nay, các đội tuyển quốc gia của chúng ta chỉ tập trung khoảng 1 tháng để tập luyện chiến thuật trước khi thi đấu. Do vậy, đội tuyển quốc gia không phải là nơi để chúng ta đào tạo từ đầu, mà nhiệm vụ nên đó giao cho các tỉnh/thành để cung cấp nguồn vận động viên cho đội tuyển quốc gia. Thành phố Hồ Chí Minh có thể tham gia thành lập các đội tuyển quốc gia về Esports hay những môn thế mạnh cùng với trung ương. Tôi mong muốn, trong Chiến lược phát triển thể dục, thể thao sắp tới và những thay đổi từ Nghị quyết 18, 19 sẽ tạo ra cơ chế, chính sách để làm sao thành phố Hồ Chí Minh trở thành một Trung tâm phát triển Vùng, hỗ trợ trung ương trong việc phát triển các môn thể thao thế mạnh. 

Thứ hai, trung ương có thể giao khoán chỉ tiêu cho thành phố Hồ Chí Minh trong việc phát triển thể thao thành tích cao thông qua các giải thi đấu quốc tế như SEA Games...  

Thứ ba, thành phố Hồ Chí Minh có chính sách cho việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nên thể mạnh dạn thí điểm mô hình đổi mới sáng tạo về thể dục thể thao để áp dụng các cái mô hình mới tiên tiến của thể thao thế giới, thể thao khu vực. 

Thứ tư, tôi thấy rất quan trọng đó là hợp tác vùng và khuyến khích cho việc phát triển của Thể thao thành phố Hồ Chí Minh cũng là trụ cột phát triển của Thể thao Việt Nam. 

Thành phố Hồ Chí Minh rất cần trung ương hỗ trợ nguồn lực để phát triển cơ sở vật chất như: Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia hay là Trung tâm Bắn súng đặt tại thành phố dành cho cả khu vực phía Nam. Những lợi thế này, những giải pháp này nếu phát huy được thì Thể thao thành phố Hồ Chí Minh sẽ từng bước khắc phục những khó khăn để đóng góp cho sự phát triển của Thể thao nước nhà.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và xin được chúc cho Thể thao thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục vươn mình mạnh mẽ, giữ vững vị trí là một trong những "lá cá cờ đầu" của Thể thao Việt Nam!

Bảo Ngọc (thực hiện)