Smartwatch và cuộc chuyển mình của thị trường Việt: Khi người dùng tìm kiếm giải pháp sống khỏe cá nhân hóa

Thị trường đồng hồ thông minh tại Việt Nam đang chứng kiến một sự chuyển dịch rõ nét, không chỉ về thị phần mà còn trong cách tiếp cận của người tiêu dùng đối với thiết bị đeo tay thông minh. Nếu trước đây, smartwatch chủ yếu được nhìn nhận là phụ kiện công nghệ thời thượng, thì nay, vai trò của chúng đã mở rộng thành công cụ theo dõi sức khỏe, quản lý lối sống và hỗ trợ tập luyện ngày càng chuyên sâu và cá nhân hóa hơn.

Theo số liệu mới nhất từ IDC, năm 2024 đánh dấu một cột mốc đáng chú ý đối với thị trường thiết bị đeo tại Việt Nam, khi Garmin vươn lên dẫn đầu về giá trị thị phần, nắm giữ 32%. Đây là kết quả của quá trình tăng trưởng bền vững kể từ khi thương hiệu này chính thức có mặt tại thị trường Việt vào năm 2021. Trong năm qua, lượng người dùng của Garmin tại Việt Nam đã vượt mốc 480.000, tăng trưởng ấn tượng ở mức 50% so với cùng kỳ năm trước, thuộc nhóm đầu tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sự bứt phá này không đơn thuần là kết quả kinh doanh khả quan mà còn phản ánh một sự thay đổi trong nhận thức tiêu dùng. Đồng hồ thông minh giờ không chỉ là công cụ đo nhịp tim hay đếm bước chân, mà đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình sống khỏe chủ động của người Việt. Dữ liệu từ các khảo sát thị trường cho thấy, nhu cầu theo dõi sức khỏe và nâng cao thể lực - cả ở mức căn bản lẫn chuyên sâu - đang dẫn dắt xu hướng lựa chọn smartwatch ở các phân khúc cao cấp.

1-1752640905.jpg
Garmin đứng đầu thị phần smartwatch 2024 tính theo giá trị

Tại Việt Nam, thị trường đồng hồ thông minh được phân tầng khá rõ rệt. Phân khúc phổ thông tập trung vào các thiết bị có mức giá dưới 5 triệu đồng, với chức năng cơ bản như theo dõi nhịp tim, bước đi và giấc ngủ. Phân khúc trung cấp trải dài từ 5 đến 10 triệu đồng, tích hợp các tính năng thông minh như nhận cuộc gọi, thông báo và cảm biến luyện tập cơ bản. Với nhóm sản phẩm cao cấp - nơi giá trị sử dụng và độ chính xác dữ liệu được đặt lên hàng đầu - người tiêu dùng sẵn sàng đầu tư nhiều hơn cho một thiết bị có khả năng hỗ trợ luyện tập chuyên sâu, theo dõi sức khỏe dài hạn và gia tăng trải nghiệm cá nhân.

Khảo sát do Cimigo thực hiện với nhóm người dùng từ 24 đến 55 tuổi, có thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng cho thấy, khi chọn smartwatch, phần lớn người dùng đều ưu tiên 3 yếu tố: khả năng theo dõi các chỉ số sức khỏe (như nhịp tim, SpO2, chất lượng giấc ngủ), hiệu suất tập luyện chi tiết (bao gồm GPS, tốc độ, calories đốt cháy…) và các tiện ích thông minh tích hợp. Họ đặc biệt quan tâm đến uy tín thương hiệu cũng như khả năng cung cấp dữ liệu ổn định, đáng tin cậy để phục vụ cho việc tập luyện cá nhân và kiểm soát sức khỏe một cách khoa học.

anh-man-hinh-2025-07-16-luc-114253-1752641000.png
Garmin Forerunner 970 là mẫu đồng hồ mới nhất thuộc dòng sản phẩm mang tính biểu tượng của Garmin

Chính định hướng rõ rệt này là động lực thúc đẩy các thương hiệu như Garmin mở rộng hệ sinh thái để đáp ứng nhu cầu ngày càng cá nhân hóa của người dùng Việt. Với dải sản phẩm đa dạng, từ dòng Forerunner dành cho người chạy bộ, fēnix cho các vận động viên ngoài trời, đến dòng thời trang chăm sóc sức khỏe Venu hay cao cấp như MARQ, Garmin dần củng cố vị thế của mình tại phân khúc cao cấp. Không chỉ cung cấp thiết bị, hãng còn phát triển nhiều tiện ích đi kèm như ứng dụng Garmin Connect, huấn luyện viên ảo Garmin Coach, cộng đồng chạy bộ Garmin Running Club tại các thành phố lớn và dịch vụ thanh toán Garmin Pay tích hợp với 11 ngân hàng trong nước.

Theo ông Ivan Lai - Giám đốc khu vực Garmin Việt Nam - chiến lược của thương hiệu này không chỉ nằm ở việc cung cấp thiết bị công nghệ. Garmin đang hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, giúp người dùng kiểm soát sức khỏe cá nhân một cách chủ động, qua đó góp phần xây dựng lối sống lành mạnh và bền vững. Đầu tư lâu dài vào Việt Nam, vì vậy, cũng là một phần trong tham vọng định hình phong cách sống hiện đại cho người tiêu dùng tại thị trường năng động này.

anh-man-hinh-2025-07-16-luc-114304-1752641023.png
Garmin đang từng bước mở rộng vai trò trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số với Garmin Health

Ngoài ra, Garmin cũng đang từng bước mở rộng vai trò trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe số thông qua nền tảng Garmin Health. Công nghệ này cho phép kết nối dữ liệu sinh lý của người dùng - được thu thập liên tục từ các thiết bị đeo - với các tổ chức y tế, viện nghiên cứu, cũng như đơn vị triển khai chương trình sức khỏe doanh nghiệp. Một nghiên cứu tại Đài Loan đã cho thấy ứng dụng của nền tảng này trong việc theo dõi và hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn hoảng sợ, dẫn đến cải thiện đáng kể tỷ lệ tái phát khi kết hợp dữ liệu sinh học với phân tích chuyên sâu.

Hằng năm, các hội nghị Garmin Health Summit và Garmin Health Awards được tổ chức nhằm ghi nhận những sáng kiến nổi bật trong việc tích hợp công nghệ đeo tay vào thực hành y tế, chăm sóc bệnh nhân, nhân viên và cộng đồng.

Từ một thiết bị đeo thông minh cho tới công cụ chăm sóc sức khỏe cá nhân hóa, smartwatch đang dần định hình lại vai trò của mình trong đời sống người Việt. Trong xu thế đó, việc tăng trưởng thị phần không còn là thước đo duy nhất, mà phản ánh rõ hơn một thực tế: Công nghệ giờ đây không chỉ để kết nối, mà còn phục vụ sức khỏe và chất lượng sống một cách sâu sắc hơn bao giờ hết.

Bảo Ngọc