Quy hoạch phát triển Công nghiệp Văn hóa cần đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch khác

Quy hoạch Công nghiệp Văn hóa không chỉ dành cho một nhóm ngành nghề, một thành phố, một tỉnh mà cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản trong phạm vi cả nước. Đồng thời, Quy hoạch phát triển Công nghiệp Văn hóa cũng cần đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các loại quy hoạch khác.

Sáng 22/12 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến tới trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Sau báo cáo trung tâm của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận về thực hiện phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa ở Việt Nam. Các đại biểu bày tỏ mong muốn có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, bảo hộ quyền tác giả trong sáng tạo, thúc đẩy phát triển Công nghiệp Văn hóa.

Quy hoạch Công nghiệp Văn hóa không chỉ dành cho một nhóm ngành nghề

Theo bà Nguyễn Thái Hoài Anh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group - cần coi nhiệm vụ Quy hoạch phát triển Công nghiệp Văn hóa, cũng như xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch này trong từng thời kỳ, là nhiệm vụ tiên quyết, là định hướng chiến lược tổng thể cho ngành Du lịch Việt Nam.

ba-nguyen-thai-hoai-anh-1703300569.jpg
Bà Nguyễn Thái Hoài Anh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group. Ảnh: VGP

Quy hoạch Công nghiệp Văn hóa không chỉ dành cho một nhóm ngành nghề, một thành phố, một tỉnh mà cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản trong phạm vi cả nước, sau đó, phân rã tới từng vùng, tỉnh, đơn vị. Đồng thời, Quy hoạch phát triển Công nghiệp Văn hóa cũng cần đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các loại quy hoạch khác.

Đối với Quy hoạch phát triển Công nghiệp Văn hóa, cần có cơ chế xã hội hóa huy động nguồn vốn thực hiện, kêu gọi các ý tưởng, nghiên cứu bài bản từ quy hoạch không gian văn hóa, phát triển các sản phẩm, quy hoạch ngành nghề phát huy giá trị văn hóa, du lịch đồng thời phát triển các ngành nghề phụ trợ để có hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Về cơ chế chính sách, hầu hết các địa phương đều ủng hộ việc phát triển du lịch văn hóa và kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu. Tuy nhiên, trong thực tế, các dự án về du lịch, văn hóa là những dự án đòi hỏi các nhà đầu tư quan tâm chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, với thời gian thu hồi vốn chậm. Cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, ví dụ như về cơ chế ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, cơ chế khuyến khích đối với các nhà đầu tư tham gia đầu tư lĩnh vực du lịch, văn hóa và hạ tầng kết nối. Bà Nguyễn Thái Hoài Anh đề nghị cần có chính sách để hỗ trợ phát triển Công nghiệp Văn hóa. Cùng với đó là chính sách ưu đãi về vay vốn, giảm thuế.

Về vấn đề nguồn nhân lực, để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đẳng cấp - chất lượng - khác biệt đòi hỏi nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao, am hiểu văn hoá dân tộc cũng như, cần đáp ứng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Thực tế, những nơi có tiềm năng phát triển văn hoá du lịch lại là những vùng sâu vùng xa, trình độ phát triển còn thấp. Sungroup đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chính quyền địa phương để xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.

truong-uyen-ly-1703300605.jpg
Bà Trương Uyên Ly - Giám đốc Không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine. Ảnh: VGP

Bà Trương Uyên Ly - Giám đốc Không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine - cho rằng: Hiện nay, các không gian sáng tạo đang thực hiện các nghĩa vụ thuế giống các doanh nghiệp thông thường khác, nhưng các trung tâm sáng tạo giống vai trò kết nối giữa Nhà nước, tư nhân và nhiều không gian sáng tạo đang theo mô hình kinh doanh phi lợi nhuận. Vì thế, khi các không gian sáng tạo phải đóng thuế như là một doanh nghiệp thì thường sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, khi tham gia các dự án hợp tác công - tư thường gặp khó khăn với mức chi rất thấp của Nhà nước. 

Về thuế, theo bà Trương Uyên Ly, nên miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không gian sáng tạo trong 3 năm đầu tiên và trong 2 năm tiếp theo thì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 10% và miễn giảm thuế thu nhập đối với các dự án công - tư. Đến năm 2030, cần hoàn thiện các trung tâm và chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp, có tầm nhìn toàn cầu và kiến nghị Chính phủ thành lập Tiểu ban hành động Công nghiệp Văn hóa sáng tạo công nghệ liên Bộ ngành.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam - Công ty Sen Vàng - mong muốn các thủ tục cấp phép và việc kiểm soát giúp phân định chất lượng hoạt động của các công ty, như vậy sẽ hỗ trợ tốt hơn cho những doanh nghiệp làm tốt.

ong-nam-sen-vang-1703300722.jpg
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam - Công ty Sen Vàng

Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn bày tỏ  mong muốn, các cơ quan quản lý cần quan tâm hơn nữa thông qua các hoạt động quảng cáo để hình thành ý thức cộng đồng, làm cơ sở pháp lý xây dựng các chủ trương, chính sách. Về chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa: Hiệp hội Quảng cáo đã lập đề án đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cùng phối hợp tổ chức thường niên Triển lãm 12 ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam. Hy vọng mỗi năm đều có sự tổng kết này và Hiệp hội tham gia với nguồn kinh phí xã hội hóa.

ong-son-quang-cao-1703300690.jpg
Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: VGP

Công nghiệp Văn hóa suy cho cùng là vì con người, phát triển kinh tế - xã hội, giúp bảo vệ sự đa dạng sinh thái

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - Công nghiệp văn hóa suy cho cùng là vì con người, phát triển kinh tế - xã hội, giúp bảo vệ sự đa dạng sinh thái. Vấn đề là có những cốt lõi nào, giá trị nào ưu tiên trước, có khả năng cạnh tranh trước và cạnh tranh sau, luôn phải đảm bảo nguyên tắc sau cùng là hướng tới phát triển bền vững.

Trong kiến trúc có những công trình, cụm công trình có giá trị nhất định trong ngắn hạn, nhưng chưa chắc 30 năm sau nó đã phát huy được giá trị. Những khu đô thị, công trình của Việt Nam được giới kiến trúc đánh giá cao. Ở Anh có những đô thị cổ, hay những công trình mới ở Pháp do những kiến trúc sư lớn trên thế giới, đều xây hiện đại nhưng tiếp thu những tinh hoa của kiến trúc La Mã, Hy Lạp… Nhiều kiến trúc sư trên thế giới làm theo hướng hoài cổ. Việt Nam cũng có những công trình như Bảo tàng Lịch sử, Trụ sở Bộ Ngoại giao đến bây giờ vẫn là những hình mẫu kiến trúc.

kts-hao-1703300781.jpg
Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Ảnh: VGP

Chúng ta có hàng nghìn làng nghề, 54 dân tộc, sở hữu kho tàng bản địa vô giá nói chung và cho kiến trúc nói riêng. Những công trình kiến trúc kết hợp gỗ và đất, những công trình xếp đá của đồng bào, trung tâm sáng tạo các làng nghề rất đẹp, được nhiều kiến trúc sư trẻ làm, đạt nhiều giải thưởng quốc tế.

Văn hoá thì sâu lắng, phải làm đến cùng. Không có tác phẩm văn học nghệ thuật lớn cũng như các phát minh khoa học công nghệ ra đời một cách đơn giản, đều phải trăn trở, làm đi làm lại rất nhiều lần. Những tác phẩm văn học nghệ thuật lớn góp phần khơi dậy niềm tự hào văn hoá và con người Việt Nam, cái chính là ta có đủ khát khao, mãnh liệt để làm. Công nghiệp Văn hoá cần một nền móng góp phần khơi dậy niềm tự hào về văn hoá và con người Việt Nam thì Công nghiệp Văn hoá Việt Nam mới cất cánh được.

Nhà nước, cấp quản lý là "bà đỡ" bao dung, quan trọng nhất là "đầu tư" niềm tin lớn vào văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là văn nghệ sĩ tiêu biểu.

Dân tộc, khoa học, đại chúng là chủ trương rất đúng. Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội giúp kết nối mạng lưới toàn cầu, bởi văn nghệ sĩ trong nước nếu không cọ xát, giao tiếp văn nghệ sĩ quốc tế sẽ rất khó trong sân chơi toàn cầu. 

thu-truong-bo-tai-chinh-nguyen-duc-chi-1703300825.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: VGP

Tại nội dung thảo luận của các Bộ, ngành, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Hiện nay các chính sách về thuế GTGT, thuế TNDN cũng như các chính sách khác, Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng những ưu đãi cho lĩnh vực văn hóa cũng như các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Riêng những kiến nghị mà các đại biểu phát biểu đang vượt quá những chính sách, quy định hiện hành, Bộ Tài chính xin được ghi nhận để nghiên cứu, tổng hợp lại trong các chương trình, kế hoạch sửa các quy định pháp luật thuế liên quan đến lĩnh vực phát triển Công nghiệp Văn hóa như kiến nghị của các đại biểu. Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa như sáng tạo nội dung số, không gian sáng tạo, điện ảnh… tận dụng được cơ hội để, trên cơ sở đó phát triển Công nghiệp Văn hóa.

Về kiến nghị thuế chồng thuế, hiện nay chính sách thuế không có việc thuế chồng thuế đối với hoạt động văn hóa, chỉ có những ưu đãi chưa đạt được mức mong muốn của từng trường hợp cụ thể và có thể có những sự chưa đồng nhất giữa các loại hình văn hóa khác nhau. Điều này chúng tôi ghi nhận, sẽ có tổng hợp, đánh giá, kiến nghị, báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ tối đa cho hoạt động này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan chia sẻ câu chuyện về Hàn Quốc, Đảo Nami là trường quay "Bản tình ca mùa đông" đã là điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút lượng lớn khách du lịch. Bên cạnh đó là ảnh hướng tới xu hướng thời trang. Như vậy, lực hấp dẫn của văn hoá tạo ra hiệu ứng lớn. Phim Hàn Quốc đi tới đâu thì các sản phẩm của Hàn Quốc đi ra thế giới tới đó. Quảng cáo từ phim đã cộng hưởng để tạo ra nguồn kinh phí lớn, hiệu ứng tốt. Đó cũng là không gian phát triển cho các nhà làm văn hoá. Phim trường "Dae Chang Kum" tạo ra một quần thể du lịch để thu hút khách du lịch. Một phim trường của bộ phim về thần y tạo ra nghề bán thuốc cho làng.

bo-truong-nn-le-minh-hoan-1703300862.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan. Ảnh: VGP

Chúng ta có thể nhìn văn hoá ở khía cạnh bán hàng. Gần đây, tỉnh Phú Yên đã sử dụng phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" để làm thương hiệu du lịch cho tỉnh và tương đối thành công. Đây chính là sức mạnh của văn hoá.

Đã đến lúc chúng ta phải định vị lại tính giải trí. Người Hàn Quốc đã đưa ra một khái niệm mới là nông nghiệp giải trí, ghép nông nghiệp và giải trí trở thành một thuật ngữ, một sản phẩm mang lại giá trị thương mại đặc sắc. Tại Bắc Giang vừa qua, có sự kiện văn hoá - thời trang kết hợp với nông nghiệp trong mùa vải Lục Ngạn để kết nối bán hàng đã tạo ra sự lan toả tốt, thu hút được sự quan tâm và rất hiệu quả. Sự sáng tạo trong văn hoá, nông nghiệp - nông thôn còn vô vàn dư địa dành cho các nhà sáng tạo nội dung. Chúng ta có thể áp dụng và phát huy sức mạnh này tại nhiều địa phương với đa dạng các sản phẩm làng nghề thông qua chuyển đổi số, các nền tảng. Chúng ta không nên xem nhẹ yếu tố giải trí mà phải coi đó tiềm lực quan trọng.

Nhìn rộng ra, Công nghiệp Văn hoá không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà là giá trị sâu xa trong quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương và các sản phẩm mang đậm bản sắc. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần khai phá ra những không gian phát triển mới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất 2 nhóm giải pháp là huy động nguồn lực và đánh giá sự đóng góp của các ngành Công nghiệp Văn hoá.

Đối với huy động nguồn lực, lĩnh vực văn hoá là một trong những ngành được xã hội hoá, và theo như ưu đãi hiện nay được hưởng mức ưu đãi cao nhất. Doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hoá sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, 50% trong 9 năm tiếp theo, hưởng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt đời dự án. Tiền thuê đất cũng được miễn ở mức cao nhất theo quy định hiện hành.

thu-truong-bo-khddt-nguyen-thi-bich-ngoc-1703300896.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ảnh: VGP

Tôi rất chia sẻ ý kiến của đại biểu về những doanh nghiệp văn hoá quy mô nhỏ, làm sao cạnh tranh được khi thuê địa điểm ở những trung tâm thương mại. Nhà nước có những chính sách gì? Đây là quan hệ dân sự giữa người thuê và cho thuê, chúng ta không thể can thiệp vào được, nhưng những doanh nghiệp như vậy cũng được hưởng các chính sách ưu đãi như trên. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để báo cáo và tham mưu cấp có thẩm quyền về vấn đề này. Có một vấn đề nữa là chúng ta mới tìm ra được việc huy động nguồn lực vật chất, còn phần rất lớn là giá trị phi vật chất, phi vật thể chúng ta chưa làm được.

Về công tác thống kê, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Thống kê đang thực hiện các cuộc điều tra, thống kê theo chương trình điều tra thống kê quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với ngành Công nghiệp Văn hoá, thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện các giải pháp:

Thứ nhất, xây dựng chỉ tiêu hệ thống thống kê để đánh giá sự đóng góp của ngành Công nghiệp Văn hoá trong phát triển kinh tế - xã hội. Thứ hai, xây dựng các cuộc điều tra thống kê để thu thập thông tin. Tiếp nữa là xây dụng quy chế phối hợp chia sẻ thông tin cho các cơ quan.

Cuối cùng, chỉ tiêu về văn hoá như Thủ tướng đã chỉ đạo khi phát biểu khai mạc thuộc trách nhiệm của ngành Văn hoá, và Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp với Bộ trong quá trình thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đề xuất, trong chuyển đổi số phải dùng cả công nghệ và các phương pháp khác để quan sát được đầy đủ lĩnh vực này, có bộ đo chính thức, chính xác, đầy đủ và không nhầm. Bên cạnh đó, cần sớm có phương thức và mô hình phát triển. 

thu-truong-bo-tttt-nguyen-thanh-lam-1703300932.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm. Ảnh: VGP

Trong những quyết sách tới đây, Nhà nước cần thúc đẩy Công nghiệp Văn hóa bằng biện pháp tham gia thị trường như là một khách hàng lớn của văn hóa, là khách hàng khó tính nhưng cũng là khách hàng sòng phẳng có đủ nguồn lực để trang trải. Hiện nay, việc Nhà nước tham gia thị trường và mua dịch vụ công trong rất nhiều lĩnh vực có vướng về thể chế xác định giá, về kinh tế kỹ thuật, quy trình thẩm định rất phức tạp. Năm nay cũng là năm chúng ta sửa đổi các thể chế để thực hiện Luật Giá sửa đổi và thực hiện các cơ chế khác để giải phóng các đơn vị sự nghiệp công trong đó có các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa. Chúng tôi đề xuất cải cách thể chế này để Nhà nước có thể tham gia thị trường.

Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến thực trạng gọi là "xâm lăng văn hóa", vào tận phòng ngủ của mỗi gia đình, hiện diện trên điều khiển tivi, xem Youtube, các kênh nước ngoài dễ hơn Truyền hình Việt Nam. Để lập lại trật tự và cân bằng ở lĩnh vực này, từ năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tất cả các nền tảng ti vi thông minh của Việt Nam phải cài sẵn các ứng dụng về báo chí, truyền hình. Tới đây nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp đề xuất có quyết định của Thủ tướng bắt buộc cài sẵn ứng dụng nền tảng OTT lên các sản phẩm thiết bị thông minh. Chúng tôi kêu gọi sự tham gia của Bộ Công Thương ở lĩnh vực này. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm đề xuất một số thể chế, đặc biệt trong hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Báo chí lần này đưa chính sách xuất khẩu các sản phẩm văn hóa thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình trên không gian số.

P.V