Sau 2 lần lỡ hẹn với Olympic Tokyo (2020) và Olympic Rio (2016), tay chèo Phạm Thị Huệ có lần đầu bước ra đấu trường thế giới. Phạm Thị Huệ thi đấu ở lượt thứ năm cùng các tay chèo: Alexandra Foester (Đức), Desislava Angelova (Bulgaria), Diana Dymchenko (Azerbaijan) và Aisy Binte Rafaee (Singapore).
Sau tiếng còi xuất phát, 2 tay chèo của Đức và Bulgaria lập tức bứt tốc chia nhau 2 vị trí dẫn đầu. Trong khi đó, mặc dù xuất phát tốt trong 1.000m đầu tiên khi liên tục nằm trong tốp 3, đồng nghĩa 1 suất vào tứ kết. Nhưng tay chèo của Việt Nam lại đuối sức ở nửa sau khi để Diana Dymchenko (Azerbaijan) bắt kịp và vượt lên. Phạm Thị Huệ bị dẫn trong 500m cuối nên dù đã nỗ lực, tay chèo Việt Nam vẫn không thể vào tốp 3.
Phạm Thị Huệ hoàn thành phần thi 2.000m với thời gian 8 phút 3 giây 84. Trong khi đó, Foester dẫn đầu với 7 phút 36 giây 35, xếp sau là Angelova (7 phút 42 giây 73) và Dymchenko (7 phút 52 giây 53). Còn Rafaee xếp cuối với 8 phút 17 giây 04.
Với thành tích 8 phút 03 giây 84 Phạm Thị Huệ xếp vị trí thứ tư đồng nghĩa với việc cô sẽ phải tham dự vòng tranh vé vớt.
Môn Rowing nội dung thuyền đơn nữ có 30 vận động viên tranh tài được chia làm 6 lượt thi. Theo quy định, 3 tay chèo dẫn đầu đoàn đua sẽ vào thẳng tứ kết, các vị trí còn lại sẽ rơi xuống nhánh thua để tranh vé vớt vào nhóm 8 vận động viên mạnh nhất. Phạm Thị Huệ cùng các tay chèo khác sẽ tranh tài ở vòng này vào lúc 14 giờ ngày 28/7 (theo giờ Việt Nam).
14 vận động viên tranh vé vớt sẽ được chia thành 3 nhóm (nhóm 1 của Phạm Thị Huệ có 5 vận động viên). 2 vận động viên xếp vị trí nhất, nhì ở mỗi nhóm sẽ đoạt vé vớt vào tứ kết và cơ hội của Huệ vẫn còn.
Phạm Thị Huệ sinh năm 1990 ở Quảng Bình, rồi gia nhập đội tuyển quốc gia tại câu lạc bộ đua thuyền Hồ Tây (Hà Nội). Huệ trở thành vận động viên Rowing xuất sắc khi từng giành 2 huy chương bạc ASIAD 2013, 6 huy chương vàng SEA Games. Cô có kỷ niệm đáng nhớ là giành huy chương vàng SEA Games 2015 khi đang mang thai 4 tháng.
Phạm Thị Huệ từng 2 lần vượt qua vòng loại Olympic 2016 và 2020, nhưng quy định chỉ cho phép mỗi nước chọn 1 nội dung tham dự. Cuối cùng, thuyền đôi nữ hạng nhẹ được lựa chọn dự cả 2 kỳ. Đến kỳ 2024, Thế vận hội thay đổi cho phép mỗi nước tham dự tối đa 2 nội dung và Huệ lần đầu chạm tay vào giấc mơ.