Nội dung nhảy xa của môn Điền kinh có thể thay đổi luật sau hơn 100 năm tồn tại

Rất có thể trong thời gian tới, người hâm mộ sẽ được chứng kiến sự thay đổi lớn, mang tính bước ngoặt lịch sử đối với nội dung nhảy xa của môn Điền kinh.

Liên đoàn Điền kinh Thế giới (WA) đang có kế hoạch thay đổi Luật thi đấu của nội dung nhảy xa, gây được sự chú ý và tranh luận trong giới chuyên môn và người hâm mộ. Nếu những ý tưởng và đề xuất này trở thành thực tế, rất có thể chỉ trong khoảng gần 2 năm nữa, người hâm mộ sẽ được thấy phần thi rất khác biệt ở nội dung nhảy xa.

Nhảy xa là một trong những nội dung thi đấu cổ xưa nhất của lịch sử thể thao loài người. Nhảy xa góp mặt trong 5 nội dung của phân môn Pentathlon là: nhảy xa, ném đĩa, ném lao, chạy 180m (stadion) và vật.

Pentathlon đã được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của kỳ Thế vận hội đầu tiên năm 1896 ở Hy Lạp. Nhảy xa nữ cũng được đưa vào thi đấu ở Olympic từ năm 1948.

Thậm chí, Olympic 1900-1912, nhảy xa còn là một nội dung thi đấu riêng biệt, với cách thức thi đấu cơ bản là “đứng im nhảy xa”. Lúc đó, vận động viên nhảy xa thực hiện bài thi bằng cách đứng ngay ngắn ở vạch xuất phát, dùng hết sức bật nhảy về phía trước và thành tích được đo bằng điểm gần nhất của bàn chân tạo ra trên hố cát so với vạch xuất phát.

bui-thi-thu-thao-nhay-xa-vdqg-2021-4-1708511680.jpg
Nhảy xa là một trong những nội dung thi đấu có từ lâu đời của môn Điền kinh. Ảnh minh họa

Hơn 100 năm qua, người hâm mộ đã rất quen với kiểu thi nhảy xa như sau: Vận động viên được chạy đà trên một đoạn đường dài 40m, sát hố cát là 1 tấm bảng trắng có chiều rộng 20cm. Cú nhảy thành công là khi vận động viên không đặt chân lên tấm bảng này, bật nhảy về phía trước vào hố cát.

Những cú nhảy không hợp lệ, tức bị phạm quy và không cần đo khoảng cách nhảy là khi vận động viên chạm chân vào tấm bảng hoặc giẫm quá vạch xuất phát.

Và điều mà WA sắp làm, có thể sẽ thay đổi luật thi đấu của nội dung nhảy xa mãi mãi.

Trong thời gian tới, WA dự định sẽ áp dụng một thay đổi “nhỏ” nhưng được cho là có tác động “lớn” đến luật nhảy xa: Thay vì sử dụng “tấm bảng phạm quy rộng 20cm”, người ta sẽ đưa vào một “vùng nhảy an toàn” được đo đạc bởi thiết bị laser.

Tức là, trước đây, nếu vận động viên giẫm chân lên bảng trắng thì sẽ bị đánh lỗi phạm quy. Nếu không giẫm thì được coi là cú nhảy hợp lệ, và khoảng cách được đo từ mép của tấm bảng trắng này đến điểm tiếp cát của vận động viên.

Nhưng nay, với “vùng nhảy an toàn”, tất cả các cú nhảy của vận động viên đều được tính, trọng tài sẽ xác định thành tích nhảy bắt đầu từ điểm đặt chân của vận động viên trong “vùng nhảy an toàn”, thay vì là mép của tấm bảng trắng ngày trước.

nhay-xa-pham-quy-1708511578.jpg
Tấm bảng trắng quen thuộc của nội dung nhảy xa, nơi vận động viên bị tính phạm quy nếu giẫm lên. Ảnh minh họa

Giám đốc điều hành Jon Ridgeon cho biết, theo thống kê ở giải Điền kinh vô địch thế giới 2022 tổ chức ở Budapest (Hungary), có đến 1/3 cú nhảy ở nội dung nhảy xa là phạm quy. “Chúng tôi sẽ đo khoảng cách nhảy từ điểm vận động viên giẫm chân bật nhảy cho đến khi họ tiếp xuống hố cát, chứ không phải là đo từ phía sau mép của tấm bảng nữa” - Jon Ridgeon cho biết.

“Bạn không thể tránh khỏi việc tranh cãi khi thay đổi điều luật đã có và từng tồn tại 150 năm qua. Nhưng chúng tôi đã nghiên cứu nhiều năm và thấy rằng cách mới có thể tạo ra sự công bằng, chính xác và cả hấp dẫn hơn cho nội dung nhảy xa” - người điều hành WA chia sẻ tiếp.

WA đang dự kiến tổ chức những sự kiện điền kinh kéo dài 3 ngày để phục vụ việc phát sóng truyền hình. Trong năm 2026, khi không có Olympic và giải Điền kinh vô địch thế giới, rất có thể luật mới của nội dung nhảy xa sẽ được áp dụng.

Và nếu thành công, luật mới của nhảy xa sẽ chính thức được áp dụng từ Olympic 2028 tại Los Angeles ở Mỹ.

webthethao.vn