"Nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước thông qua thể thao"

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị Ban Chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam lần thứ IV nhiệm kì VI nhằm triển khai các hoạt động trong năm 2024 diễn ra sáng nay (ngày 14/3). 

z5248517715548-04cee07f4df4a8b19680a66ae1da8c38-1710405695.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Các điểm sáng trong năm 2023

Hội nghị lần này đã xem xét, thảo luận về những kết quả hoạt động của Ủy ban Olympic Việt Nam trong năm 2023, làm rõ trách nhiệm của các Ban chuyên môn. Bên cạnh việc khẳng định các kết quả đạt được, Hội nghị cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc để tập trung giải quyết.

Mở đầu Hội Nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, cần chú trọng phát triển phong trào Olympic, đưa phong trào Olympic trở thành hoạt động mang tính chiều sâu. Và muốn triển khai có dấu ấn các hoạt động trong thời gian tới, Ủy ban Olympic Việt Nam cần tiếp tục kiện toàn lại các phòng, ban, bộ máy làm việc tinh gọn, hiệu quả.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Hội nghị cần chỉ rõ vai trò phối hợp của Ủy ban Olympic Việt Nam với các cơ quan, đơn vị liên quan để tìm ra giải pháp hoạt động cho 2 năm tiếp theo. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm tới triển khai thực hiện Kết luận 70 của Bộ Chính trị.

z5248517715883-a6f075e709d71ed1b4dcbf6cb79fe9a3-1710405185.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Olympic Nguyễn Văn Hùng đề nghị tiếp tục cải tiến hoạt động của Ủy ban Olympic Việt Nam trong thời gian tới, dành nhiều thời gian để quan tâm tới các chuyên đề theo nhu cầu thực tế

Trong năm 2023, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Olympic Việt Nam đã cùng với Cục Thể dục thể thao phối hợp chặt chẽ với các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao Quốc gia cũng như các bên có liên quan, hoàn thành tốt kế hoạch công tác đề ra. Ủy ban Olympic Việt Nam đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình hoạt động thể thao, thực hiện tốt các nhiệm vụ về đối ngoại, tuyên truyền, giáo dục Olympic và Thể thao cho mọi người cũng như chuẩn bị chu đáo các công việc cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự các Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 32 tại Phnom Penh - Campuchia và Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) tại Hàng Châu - Trung Quốc... đạt kết quả tốt đẹp, góp phần phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng ở trong nước, nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là với thành tích 136 huy chương vàng, 105 huy chương bạc và 118 huy chương đồng của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 (giữ vị trí thứ nhất trên Bảng tổng sắp huy chương) tại SEA Games 32 và 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 19 huy chương đồng (xếp thứ 21 toàn đoàn tại ASIAD 19).  

Công tác Thể dục thể thao cho mọi người ngày càng được phát triển mạnh, đa dạng trên toàn quốc và ở nhiều đối tượng, vùng miền khác nhau gắn liền với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân nhân kỷ niệm Ngày Truyền thống Ngành Thể dục thể thao (27/3) hàng năm được tổ chức tại nhiều tỉnh thành. Ngày Olympic (tổ chức nhiều hoạt động: Chạy, Bơi, Cầu lông, Bóng chuyền...); kỷ niệm Ngày thành lập Ủy ban Olympic quốc tế (23/6) tại Nam Định với số lượng hàng chục nghìn người tham dự. Các Chương trình Bơi cứu đuối, phòng chống đuối nước trẻ em tại tỉnh Cao Bằng và Khánh Hòa 

Ủy ban Olympic Việt Nam đã đồng hành cùng cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao Quốc gia tổ chức nhiều hoạt động Thể dục thể thao cộng đồng. Mở các Khóa Quản lý Thể thao chuyên ngành. Hỗ trợ một số địa phương, Liên đoàn phát triển môn thể thao mới: Roller, Trượt băng, Vũ đạo Thể thao, Thể thao điện tử.

3 điểm sáng đạt được trong năm 2023 gồm:

Ủy ban Olympic Việt Nam đã bám sát tôn chỉ, mục đích, phương hướng hoạt động của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Hội đồng Olympic châu Á (OCA); Lựa chọn một cách có trọng tâm, trọng điểm một số môn thể thao để đầu tư; Tổ chức hiệu quả các giải chạy thu hút nhiều đối tượng tham gia, qua đó tìm được những nhân tố tích cực đóng góp cho thể thao thành tích cao.

Ủy ban Olympic Việt Nam chủ động khai thác, huy động, kết hợp sức mạnh các nguồn lực của tổ chức quốc tế như: Ủy ban Olympic Quốc tế, Hội đồng Olympic châu Á trong công tác huấn luyện, đào tạo đặc biệt là đào tạo huấn luyện viên, tổ chức các lớp giáo dục về phòng, chống doping nhằm nâng cao nhận thức trong lĩnh vực này.

Ủy ban Olympic Việt Nam tích cực tham gia các sự kiện thể thao quốc tế, khu vực, qua đó khẳng định được vai trò của Thể thao Việt Nam tại các đấu trường này. 

Quan tâm các sự kiện quan trọng

Năm 2024, Ủy ban Olympic Việt Nam đang tích cực triển khai một số công tác theo kế hoạch đã được Ban Thường vụ, Ban Chấp hành phê duyệt. Phối hợp với Cục Thể dục thể thao chuẩn bị cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic lần thứ 33 tại Paris (Pháp) từ ngày 26/7 đến 11/8 và Đại hội Thể thao Trong nhà và Võ thuật châu Á lần thứ 6 tại Bangkok và Chonburi (Thái Lan) từ ngày 21 đến 30/11. Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các Chương trình Thể thao cộng đồng, Bóng đá trẻ em, Thể thao học đường và nhiều khóa học, sự kiện khác nhau để phát triển phong trào thể thao cho mọi người trong phạm vi cả nước.

z5248517715881-34d61a95ae6640bb851a6d7c75e78d04-1710405185.jpg
Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trưởng Ban Y học và Phòng, chống Doping - chia sẻ tại Hội nghị

Đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra tại Hội nghị nhằm làm rõ hơn các kết quả mà Ủy ban Olympic Việt Nam đạt được trong năm 2023 cũng như phương hướng cho năm 2024. Theo ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trưởng Ban Y học và Phòng, chống Doping - chia sẻ về việc xây dựng chính sách trọn đời cho vận động viên, trong đó chú trọng vào những vấn đề nổi cộm như khi các vận động viên gặp chấn thương trong tập luyện, thi đấu sẽ được hỗ trợ thế nào hay chế độ hỗ trợ vận động viên chuyển đổi nghề nghiệp ra sao. Bên cạnh đó là các vấn đề phòng, chống doping và y học thể thao. 

Ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước - cho rằng, cần nghiên cứu một cách cụ thể việc đầu tư cho các vận động viên tiềm năng một cách bài bản, chuyên nghiệp để có các thế hệ vận động viên kế cận có trình độ, năng lực thi đấu đỉnh cao ở các đấu trường quốc tế. Ông cũng cho rằng, cần xác định lại vai trò, vị trí của các Liên đoàn, Hiệp hội trong các hoạt động thể thao. Về phần truyền thông, Giáo sư Lâm Quang Thành - Chủ tịch Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam - đề nghị, đẩy mạnh tuyên tuyền, giáo dục tinh thần Olympic. 

z5248517715885-4c3cf950f8aebd6bf535a0f536b1f940-1710405184.jpg
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước - phát biểu tại Hội nghị

Với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ ra rằng: Mặc dù, đã tinh gọn bộ máy Ban Chấp hành, lựa chọn các nhân sự tốt hơn nhưng hoạt động của các Ban chưa phát huy tối đa hiệu quả, sự phối hợp giữa các Ban chưa chặt chẽ nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Liên đoàn, Hiệp hội trong quá trình tổ chức chưa bám sát mọi tôn chỉ, mục đích để hoạt động. Công tác truyền thông, giáo dục về phong trào Olympic còn lúng túng.

Là năm thứ tư của nhiệm kì và cũng là năm tăng tốc về đích, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Ủy ban Olympic Việt Nam bám sát khẩu hiệu Olympic, các phòng, ban tập trung tham mưu để sớm ban hành Chương trình hành động theo Kết luận 70 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, bám sát mục tiêu thể thao cho mọi người nâng tỉ lệ tập luyện, rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Bộ trưởng mong muốn vai trò của Liên đoàn, Hiệp hội phải được làm rõ trong hoạt động thể thao và thể hiện quyết tâm, thể hiện vai trò đồng hành, vai trò hợp tác. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng lưu ý về Kết luận số 72 của Bộ Chính trị về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong đó nói rõ có các thiết chế thể thao ngang tầm khu vực quốc tế. Vì vậy, các phòng, ban tham mưu phải bám sát để biến Chủ trương của Đảng thành hiện thực.

z5248517709227-3de03509aa3459968df80f20b5b5b3ad-1710405185.jpg
Giáo sư Lâm Quang Thành - Chủ tịch Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam - phát biểu tại Hội nghị 

Với yêu cầu thực tiễn, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục cải tiến hoạt động của Ủy ban Olympic Việt Nam trong thời gian tới, dành nhiều thời gian để quan tâm tới các chuyên đề theo nhu cầu thực tế. Trong năm 2024, Bộ trưởng đề xuất tổ chức 2 chuyên đề về các vấn đề: Vai trò của Liên đoàn, Hiệp hội gắn với công tác truyền thông và vấn đề cơ sở vật chất theo hướng hiện đại hóa, xã hội hóa. Bộ trưởng yêu cầu xem xét các thiết chế thể thao, nghiên cứu thảo luận, tranh thủ các nguồn lực quốc tế, để đề xuất tham mưu với Đảng và Nhà nước sao cho đúng và trúng. 

Khối lượng công việc rất nhiều nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chỉ ra rằng cần bám sát các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước để lan tỏa phong trào, tổ chức các sự kiện thể thao để phục vụ phát triển, xây dựng vị thế, hình ảnh của đất nước thông qua thể thao. Đặc biệt, có 2 sự kiện lớn là kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. 

Bộ trưởng yêu cầu công tác truyền thông phải đổi mới và đẩy mạnh, nhất là tuyên truyền giáo dục tư tưởng của Olympic. Bên cạnh đó, truyền thông chính sách cũng phải đặc biệt lưu ý, đây là hướng đi mà Ủy ban Olympic Việt Nam cần triển khai trong năm nay. 

z5248517715884-c433bb45909460b5f9a78c909b3064be-1710405558.jpg
Bùi Lượng