Chơi đu
Từ trong Tết, bên cạnh đình hay một thửa ruộng rộng rãi, khô ráo người ta chuẩn bị các cột đu. Họ chọn cây tre to, dài, để trồng đu. Một cây đu có thể được trồng bởi 4-6 cây tre to. Cần đu cũng là những cây tre dài nhưng thon nhỏ, thường phải là tre đực để lúc người đu nắm vào cho gọn và chắc tránh xảy ra trượt hay tuột tay lúc đu nhanh, mạnh. Tùy theo sở thích mà người ta đu một hay đu đôi. Khi một người lên cần đu có thể nhờ một người khác đẩy cho mình có đà. Sau đó là tự người đu nhún tùy ý. Đẹp nhất là đu đôi, các đôi trai gái ưng ý lựa chọn nhau lên đu, người nhún người đẩy. Tài năng và lòng dũng cảm của các chàng trai cô gái được phô bày ở đây như dịp tự thể hiện bản thân.
Kéo co
Kéo co là một trò chơi thu hút được rất nhiều người cùng tham gia, vừa có tác dụng rèn luyện sức khỏe, lại vừa vui vẻ, thoải mái. Nó đã trở thành trò chơi tập thể, phong tục phổ biến ở nhiều nơi trong nước ta. Cách chơi đơn giản, số người chơi bao nhiêu tùy ý. Chia các thành viên tham gia thành 2 đội, mỗi đội có số thành viên bằng nhau, tương đương ngang sức nhau, xếp thành 2 hàng dọc đối diện nhau. Mỗi đội nên chọn thành viên có sức khỏe tốt để đứng ở vị trí đầu tiên, Mỗi thành viên tham gia kéo co nắm chặt sợi dây thừng của bên mình lại. Khi có tín hiệu của Ban Tổ chức thì các thành viên tham gia tiến hành kéo sao cho dây thừng về phía bên mình. Nếu đội nào dẫm vạch trước thì đồng nghĩa với việc là đội đó thua cuộc.
Đi cà kheo
Đi cà kheo là một trò chơi đòi hỏi người chơi phải lấy được thế cân bằng, có bước đi chính xác, sức khoẻ tốt kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay. Để làm chủ được đôi cà kheo đòi hỏi một khoảng thời gian tập luyện, dài hay ngắn tùy theo sự khéo léo của mỗi người. Các cuộc thi cà kheo tại các vùng quê vào dịp Tết thường tạo được tiếng cười sảng khoái cho người theo dõi bởi sự hấp dẫn, bất ngờ của trò chơi. Sau khi chọn được người thắng cuộc, đội cà kheo cùng các cổ động viên của làng sẽ sang làng khác để thi tiếp.
Chọi gà
Chọi gà là một thú chơi tao nhã, vừa có tính tiêu khiển lại vừa khuyến khích việc chăn nuôi của nhà nông xưa. Đó là một thú chơi mà hầu hết ở các ngày Tết, ngày hội đều có. Nhiều làng nổi tiếng vì chơi gà chọi như Đình Bảng (Bắc Ninh), Thổ Hà, Yên Phụ (Yên Phong) hay một số nơi khác ở cả ba miền Trung, Nam, Bắc đều có... Những chú gà nòi được nuôi rất công phu và đưa chúng tập luyện với các chú gà chọi khác để làm quen dần với những trận chiến đấu. Các sới gà chọi vào dịp Tết Nguyên Đán thường thu hút đông đảo người xem.
Ném pao, đánh quay
Trong số những trò chơi dân gian thì ném pao là trò chơi được nhiều người Mông ưa thích, nhất là những chàng trai, cô gái đang tuổi xuân thì. Trong những lễ hội, người Mông sẽ đặt trò chơi ném pao ở những khu đất rộng và tương đối bằng phẳng. Người chơi phân chia làm 2 đội, 1 bên nam và nữ với khoảng cách 5-7m. Tài khéo léo của người ném pao là không để cho pao rơi xuống đất và được giao ước với nhau bằng số lần ném, số lần bắt được pao, nếu bên nào thua thì phải hát một bài hoặc làm một điều gì đó do đội thắng quy định. Khi ném pao là lúc trai gái trao nhau những ánh mắt nụ cười cho nhau. Cùng ném pao và trao nhau tình cảm, khi mà người con trai mến một cô gái nào thì giữ quả pao để lấy cớ đó cầm đến nhà hay tìm gặp cô gái để bày tỏ tình cảm.
Nếu như ném pao có cả con trai và con gái tham gia thì trò đánh quay (tù lu) chỉ dành riêng cho những chàng trai khỏe mạnh. Cuộc chơi thường có sự tham gia của từ 2 đội trở lên, mỗi đội cũng ít nhất có 2 người. Con quay được đẽo bằng gỗ nghiến hoặc loại gỗ quý khác, dây quay kết từ những sợi chỉ, len dài hơn 1m. Luật chơi rất đơn giản, từng thành viên mỗi đội thả quay để cho đội khác ném quay vào, nếu trúng vào con quay của đối thủ mà con quay của mình vẫn quay tít thì được tính điểm. Mỗi lần con quay ném trúng mục tiêu hoặc bị hất ra ngoài là tiếng cười lại vang lên cùng với những tràng vỗ tay tán thưởng không ngớt. Tùy từng điều kiện, từng nơi mà trò đánh quay của đồng bào Mông có những luật lệ khác nhau nhằm đem lại niềm vui, sự gắn bó và rèn luyện sức khỏe cho các chàng trai.