Lạng Sơn bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững

Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã triển khai các giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân và du khách về xử lý rác thải, nước thải, giữ gìn cảnh quan, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp theo Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch.

Lạng Sơn hiện có 335 di tích lịch sử, cách mạng, hơn 300 lễ hội truyền thống đặc sắc; hệ thống giao thông thuận lợi… Đây là những lợi thế lớn của tỉnh trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng về lượng khách du lịch là các hệ lụy về môi trường.

ls-1-1656835940.jpg
Lực lượng tình nguyện viên tham gia thu gom rác thải tại Khu du lịch Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đối với sự phát triển ngành Du lịch, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đưa vào “Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030” các giải pháp cải thiện môi trường du lịch. Trong đó, gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường du lịch; xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử của cộng đồng dân cư đối với khách du lịch và bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch; ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch trong các khách sạn, khu du lịch. Đồng thời, huy động nguồn kinh phí xã hội hóa cùng với nguồn ngân sách hỗ trợ để xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn tại các khu, điểm du lịch.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, từ năm 2017, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Trong đó, quy định rõ khách du lịch, các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú cần có ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác gây tác động xấu đến cảnh quan. Hằng năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều thành lập đội kiểm tra liên ngành kiểm tra kết hợp các hoạt động tại các cơ sở lưu trú, các điểm du lịch. Theo đánh giá của ngành, trên 90% cơ sở lưu trú, các đơn vị kinh doanh đều chấp hành nghiêm các quy định.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên phối hợp với ngành tài nguyên - môi trường trong công tác tham vấn, đánh giá tác động môi trường của các dự án trong khu, điểm du lịch. Đặc biệt, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện cơ sở vật chất tại các khu, điểm du lịch, trong đó có hệ thống nhà vệ sinh công cộng. Kết quả, trong giai đoạn 2015-2020, có 20 khu nhà vệ sinh công cộng được xây dựng tại các khu, điểm du lịch đạt chuẩn phục vụ du khách; bước đầu đã góp phần cải thiện công tác vệ sinh môi trường và đáp ứng nhu cầu dịch vụ tối thiểu của du khách.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 47 điểm, khu du lịch được UBND tỉnh công nhận đều được hỗ trợ kinh phí trang bị thùng đựng rác, lắp biển báo chỉ dẫn. Trong đó, nhiều điểm du lịch đã chủ động các biện pháp bảo vệ môi trường, tiêu biểu như khu du lịch Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. UBND các huyện, thành phố đã ban hành và thực hiện tương đối tốt quy chế bảo vệ môi trường tại hầu hết các khu, điểm du lịch, các di tích.

ls-1656836019.jpg
Điểm du lịch Cộng đồng Hoan Trung, huyện Bắc Sơn

Thành phố Lạng Sơn hiện có 15 điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận. Để đảm bảo mỹ quan tại các di tích, Ban quản lý di tích thành phố đã bố trí trên 50 thùng rác tại các điểm di tích, phân công đội vệ sinh môi trường luân phiên trực quét dọn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, thành phố đã niêm yết bộ quy tắc ứng xử tại các điểm du lịch, đồng thời, triển khai trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan tại các điểm du lịch: thành Nhà Mạc, động Tam Thanh, Nhị Thanh và chùa Tiên.

Ngoài ra, hoạt động thu gom chất thải rắn ở các khu, điểm du lịch cũng được chú trọng. Hiện có 90% cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, trong đó có việc thu gom và xử lý chất thải rắn; 100% cơ sở lưu trú và kinh doanh ăn uống cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và nghiêm túc thực hiện. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch quy mô lớn như: khách sạn Vinpearl, khách sạn Mường Thanh… đã đầu tư các công trình vệ sinh công cộng, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn; sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính…

Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chức năng cùng sự chung tay của cộng đồng tại các điểm du lịch. Công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch của tỉnh Lạng Sơn sẽ tạo được hiệu ứng tích cực. Qua đó góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Lạng Sơn an toàn, thân thiện, văn minh.

Minh Anh