Thành phố Hà Tĩnh đã chỉ đạo xã Thạch Hưng khôi phục lễ hội đánh cá tại hồ Đập Lỗ, xã Thạch Hưng. Từ sáng sớm 7/8, người dân đã hồ hởi, náo nức tham gia trải nghiệm đánh bắt cá bằng các ngư lưới cụ thông thường như: nơm, vó, lưới, chài. Với chiếc nơm trên tay, sau một hồi ngụp lặn dưới dòng nước và đã bắt được nhiều loại cá như chép, mè...
Anh Trần Hậu Tuấn, trú tại phường Thạch Quý (thành phố Hà Tĩnh) chia sẻ, anh đã đến từ sớm để được trải nghiệm hoạt động đánh bắt cá tại hồ Đập Lỗ, xã Thạch Hưng. Các ngành chức năng hàng năm nên tổ chức lễ hội này để nhân dân tham gia, thể hiện sự đoàn kết trong trong cộng đồng; đồng thời bảo tồn được lễ hội đã có từ lâu.
Đây là năm đầu tiên thành phố Hà Tĩnh chỉ đạo xã Thạch Hưng khôi phục lại lễ hội bắt cá tại địa phương. Xã là địa phương vùng ven thành phố Hà Tĩnh, nằm cạnh sông Rào Cái, trước đây có hơn 200 hộ dân sống bằng nghề chài lưới. Đặc biệt, người dân địa phương thường bắt cá bằng “lưới mò”. Từ rất lâu, xã Thạch Hưng từng tổ chức lễ hội bắt cá tại đầm Sác Hà (nay gọi là hồ Đồng Hà). Sau đó, khi hồ Đồng Hà được cho thuê để cải tạo nuôi trồng thủy sản, lễ hội tạm dừng, không tiếp tục tổ chức. Ngoài ra, do ngư trường đánh bắt thủy sản khó khăn, cũng như quá trình đô thị hóa nên người dân địa phương đã chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó lễ hội đánh cá dần mai một.
Ông Hồ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Hà Tĩnh cho biết: Xã Thạch Hưng khôi phục lại lễ hội đánh bắt cá truyền thống hướng tới bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; đặc biệt là giáo dục quần chúng nhân dân hiểu rõ cách đánh bắt cá truyền thống mang lại lợi ích lớn cho môi trường, tránh các hình thức đánh bắt thủy sản tận diệt, nhằm bảo vệ môi trường, môi sinh.
Những năm gần đây, nhiều địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh đã khôi phục các lễ hội đánh bắt cá như: lễ hội đánh bắt cá Đồng Hoa, Vực Rào xã Xuân Viên huyện Nghi Xuân. Đây là lễ hội ra đời và tồn tại khoảng 300 năm, được tổ chức thường niên mỗi năm/lần khi người dân hoàn tất thu hoạch mùa màng (trước hoặc sau Tết Đoan Ngọ). Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của người dân địa phương với tinh thần khuyến nông, khuyến ngư, đồng thời giúp thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng cư dân làng xã.
Từ thời xưa, lễ hội được tổ chức rất tôn nghiêm. Người dân dựng đàn dâng lễ vật cúng các vị thần linh, các bậc tiền sử, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau lễ cúng, một vị bô lão đánh ba hồi trống và phát lệnh khai hội bằng một tiếng hú cùng với tiếng tù và nổi lên.
Gắn với lễ hội đánh bắt cá truyền thống ở các địa phương vùng đồng bằng, vùng sông nước, ao, hồ, các địa phương vùng cửa biển có lễ hội cầu ngư. Tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên cũng đã khôi phục Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn - được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Lễ hội diễn ra từ ngày 7- 8/4 (âm lịch) hàng năm; trong đó, thời điểm tổ chức lễ hội chính diễn ra vào ngày 8/4 (âm lịch) khi cá Ông (cá voi) chết dạt vào bờ. Ngày nay, lễ hội được tổ chức rất trang trọng, thu hút đông đảo người dân tham gia với phần lễ và phần hội. Phần lễ có 4 hoạt động chính gồm: nghi thức tế lễ, lễ hội chèo cạn, lễ rước trên biển và lễ tế tại miếu đường.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch xã Cẩm Nhượng cho biết: Lễ hội cầu ngư diễn ra hàng năm tại địa phương là sự kiện văn hóa tín ngưỡng quan trọng nhất của xã, được đông đảo người dân quan tâm. Đây là dịp để người dân tưởng nhớ, biết ơn vị tôn thần Nam Hải Nhân Ngư (cá Ông) có tình thương người đã bảo hộ cho ngư dân đi biển. Lễ hội còn được tổ chức với mục đích cầu an, cầu mùa, cầu cho thuận buồm, xuôi gió, đánh bắt được nhiều hải sản, cổ vũ thêm sức mạnh cho ngư dân ra khơi, bám biển.
Nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh tiếp tục quan tâm, khôi phục các lễ hội như lễ hội bắt cá, cầu ngư ở các địa phương. Các cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; qua đó, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.