Kế hoạch đăng cai Olympic 2036 của Ấn Độ đứng trước nguy cơ đổ bể 

Bà PT Usha - nữ Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Olympic Ấn Độ (Indian Olympic Association-IOA) - đang đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 25/10 tới trong bối cảnh bị cáo buộc vi phạm hiến pháp và quản lý tài chính yếu kém. Với 12 trong số 15 thành viên hội đồng phản đối bà, cuộc xung đột đã thúc đẩy Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) can thiệp, cắt nguồn tài trợ quan trọng và đe dọa nỗ lực đăng cai Thế vận hội 2036 của Ấn Độ. 

usha-1729064230.jpeg
Bà PT Usha - nữ Chủ tịch đầu tiên mang tính lịch sử của Hiệp hội Olympic Ấn Độ (IOA)

Chưa đầy 2 năm sau khi được bổ nhiệm làm nữ Chủ tịch đầu tiên mang tính lịch sử của Hiệp hội Olympic Ấn Độ (IOA), vận động viên huyền thoại PT Usha phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Đại hội đồng đặc biệt (SGM) vào ngày 25/10. Theo chương trình nghị sự của Hội đồng điều hành, động thái này tập trung vào "các hành vi vi phạm hiến pháp bị cáo buộc và các hành động có khả năng gây bất lợi cho Thể thao Ấn Độ". 

Căng thẳng giữa Usha và Hội đồng điều hành IOA đã leo thang trong nhiều tháng. Usha bị những người chỉ trích cáo buộc là "độc đoán" trong vai trò lãnh đạo của mình. Ngoài ra, Tổng kiểm toán và Kiểm toán (CAG) của Ấn Độ đã đặt ra câu hỏi về hợp đồng mà Usha phê duyệt với Reliance cho một phòng chờ tại Thế vận hội Paris. CAG cáo buộc rằng Reliance - một tập đoàn đa quốc gia của Ấn Độ có trụ sở chính tại Mumbai- đã được "ưu ái không chính đáng", dẫn đến khoản lỗ tài chính 2,8 triệu euro cho IOA. Usha đã phủ nhận mạnh mẽ những cáo buộc này, gọi chúng là "vô căn cứ". 

12 trong số 15 thành viên của Hội đồng điều hành IOA lựa chọn chống lại Usha và dự kiến đưa ra động thái bất tín nhiệm đối với bà trong chương trình nghị sự gồm 26 điểm cho cuộc họp sắp tới. Một điểm gây tranh cãi chính là xung đột của Usha với Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá toàn Ấn Độ (AIFF) - Kalyan Chaubey. Bà Usha đã cáo buộc ông Chaubey ban hành một “chương trình nghị sự trái phép” cho SGM và “mạo danh” quyền Giám đốc điều hành của IOA. Trong một tuyên bố chính thức, bà Usha cho biết: “Hành động này vừa bất hợp pháp vừa vi phạm hiến pháp của IOA. Giám đốc điều hành hiện tại và duy nhất của IOA là ông Raghuram Iyer - người chính thức gia nhập IOA vào ngày 15/1/2024”. 

Bất chấp những khẳng định của bà Usha, ông Chaubey, được 12 thành viên của Hội đồng điều hành ủng hộ, đã ban hành Thông tư vào ngày 10/10 thể hiện động thái bất tín nhiệm cùng với một số vấn đề khác. Xung đột nội bộ này đã thu hút sự chú ý của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), hiện đã can thiệp vào vấn đề này. Trong một lá thư do ông James MacLeod - Giám đốc quan hệ NOC và Đoàn kết Olympic - gửi IOC đã bày tỏ mối quan ngại về các vấn đề quản trị đang gây khó khăn cho IOA. “Rõ ràng là có những tranh chấp nội bộ và vấn đề quản trị đang diễn ra trong IOA, bao gồm một số cáo buộc lẫn nhau đã được đưa ra trong Hội đồng điều hành", trích nội dung bức thư. 

HIện tại, IOC tuyên bố, họ sẽ tạm dừng các khoản tài trợ Đoàn kết Olympic cho đến khi tình hình được giải quyết. Những tác động tài chính trong quyết định của IOC là rất đáng kể vì IOA vẫn nhận được 1 triệu euro hàng năm trong 4 năm qua cho các chương trình phát triển vận động viên. Quyết định đình chỉ các khoản tiền này của IOC làm sâu sắc thêm xung đột nội bộ trong IOA. Trong một tuyên bố chính thức, bà Usha đổ lỗi cho thủ quỹ IOA Sahdev Yadav và cáo buộc ông này không nộp các báo cáo tài chính cần thiết. “Sự cẩu thả này sẽ khiến IOA mất các khoản tài trợ Đoàn kết Olympic quan trọng và là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của chúng tôi nhằm hỗ trợ các vận động viên Ấn Độ”, bà Usha tuyên bố. IOA nhắc lại rằng, các khoản ngân sách này là “nguồn tài trợ quan trọng cho các chương trình phát triển vận động viên và các sáng kiến thể thao'”.

Những mâu thuẫn nội bộ không chỉ làm bà Usha đánh mất vai trò, mà có khả năng gây nguy hiểm cho nỗ lực đăng cai Thế vận hội 2036 của Ấn Độ. Bà Usha cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về điều này: “Thật đáng buồn khi một số người giữ chức vụ quan trọng trong IOA lại đang chống lại nguyện vọng Olympic của đất nước. Đây không chỉ là vấn đề về nhiệm kỳ chủ tịch của tôi, mà còn là vấn đề về tương lai của thể thao Ấn Độ trên trường thế giới”. Bất chấp những nỗ lực liên tục của Usha nhằm giải quyết các tranh chấp, bao gồm cả lời kêu gọi đoàn kết, cuộc xung đột vẫn tiếp tục leo thang. Bức thư của IOC phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình hình, nêu rằng “nhiều nỗ lực tìm kiếm giải pháp mang tính xây dựng cho đến nay vẫn chưa thành công”.

Phương Hạnh (ITG)