Huế xây dựng hồ sơ Thành phố Sáng tạo UNESCO: Quyết tâm gìn giữ, phát huy di sản Ẩm thực

Vừa qua, tại thành phố Huế, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Nguyễn Phương Hòa chủ trì, đã có buổi làm việc với UBND thành phố về việc xây dựng hồ sơ Huế gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực Ẩm thực.

quang-canh-buoi-lam-viec-cua-cuc-hop-tac-1722405296.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật gửi lời cảm ơn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quan tâm, ủng hộ quyết tâm của chính quyền và Nhân dân thành phố trong việc trở thành một thành viên của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo UNESCO (UCCN). Ông Võ Lê Nhật chia sẻ, tỉnh và thành phố Huế đang gấp rút chuẩn bị cho nhiều sự kiện lớn trong năm 2025 như kỷ niệm 50 năm giải phóng Thừa Thiên Huế, đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025, đăng cai Hội nghị Đại hội đồng Hiệp hội Quốc tế các Thị trưởng nói tiếng Pháp (AIMF), lần đầu tiên tổ chức Chương trình giao lưu ẩm thực quốc tế trong khuôn khổ Tuần lễ Festival nghề truyền thống Huế 2025… 

Trong đó, việc hoàn thiện và nộp Hồ sơ Huế gia nhập UCCN cũng đã được lãnh đạo tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng cho năm tới. Theo ông Võ Lê Nhật, tháng 7/2024, UBND thành phố Huế đã ban hành Quyết định 6396/KH-UBND kèm Kế hoạch xây dựng hồ sơ “Huế - thành phố sáng tạo” tham gia UCCN và thành lập Tổ công tác triển khai Kế hoạch. Chủ tịch UBND thành phố Huế bày tỏ mong muốn, tại buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đại biểu tham dự buổi làm việc sẽ nhiệt tình chia sẻ, đóng góp nhiều ý kiến giá trị góp phần triển khai xây dựng hồ sơ hiệu quả nhất.

ts-nguyen-phuong-hoa-cuc-truong-cuc-hop-tac-quoc-te-phat-bieu-tai-buoi-lam-viec-1722405325.jpg
Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa phát biểu tại buổi làm việc

Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Nguyễn Phương Hòa bày tỏ vui mừng vì thành phố Huế đã chủ động, tích cực xây dựng và ban hành Kế hoạch xây dựng Hồ sơ, thể hiện quyết tâm cao và tinh thần trách nhiệm của chính quyền thành phố. Theo bà Nguyễn Phương Hòa, việc Huế gia nhập UCCN sẽ mang ý nghĩa chính trị lớn, chào mừng 50 giải phóng Thừa Thiên Huế và năm đầu tiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. “Bên cạnh đó, trở thành Thành phố Sáng tạo UNESCO sẽ đánh dấu bước chuyển mình của Huế, không chỉ là thành phố dựa trên nền tảng bảo tồn giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, mà còn là một thành phố sáng tạo, đổi mới sáng tạo, thông minh theo hướng phát triển bền vững phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia và gắn liền với Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc”- Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Phương Hòa cũng nêu lên một số vấn đề chính quyền thành phố cần lưu ý khi xây dựng và hoàn thiện Hồ sơ gia nhập UCCN như quá trình tham vấn phải có sự tham gia của tất cả bên liên quan, đặc biệt là đại diện của cộng đồng sáng tạo và người dân địa phương; hướng tiếp cận phải bao trùm hướng tới cả các đối tượng dễ bị tổn thương; cam kết lâu dài và bố trí đủ nguồn lực về tài chính, nhân lực; tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế với các thành phố trong cùng Mạng lưới…

pgs-ts-nguyen-thi-thu-phuong-chia-se-kinh-nghiem-ve-xay-dung-ho-so-gia-nhap-uccn-cua-cac-thanh-pho-ha-noi-hoi-an-va-da-lat-1722405369.jpg
Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Nguyễn Thu Phương chia sẻ một số kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện hồ sơ của 3 thành phố sáng tạo UNESCO tại Việt Nam là Hà Nội, Hội An và Đà Lạt

Trong vai trò người đứng đầu đơn vị phụ trách thẩm định chất lượng hồ sơ và tư vấn chuyên môn cho các thành phố, bà Nguyễn Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã chia sẻ một số kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện hồ sơ của 3 thành phố sáng tạo UNESCO tại Việt Nam là Hà Nội, Hội An và Đà Lạt, đồng thời giới thiệu về 2 Thành phố Sáng tạo Ẩm thực trên thế giới có những nét tương đồng với Huế là Jeonju (Hàn Quốc) và Dương Châu (Trung Quốc). Theo bà Nguyễn Thu Phương lưu ý, để đảm bảo chất lượng, hồ sơ cần thể hiện được tính logic, kết nối xuyên suốt giữa hiện trạng, mục tiêu và các sáng kiến thành phố cam kết; sự gắn bó giữa ẩm thực và thủ công, nghệ thuật dân gian (một thế mạnh khác của Huế); đặc biệt làm nổi bật lên được hồn cốt đặc trưng nhất của ẩm thực và văn hóa xứ Huế.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện một số đơn vị, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phát biểu đóng góp về kế hoạch xây dựng hồ sơ cho thành phố gia nhập UCCN. Phần lớn ý kiến đều nhất trí rằng Huế sở hữu một di sản đồ sộ về văn hóa ẩm thực, không chỉ mang đậm nét truyền thống mà còn rất giàu tính sáng tạo - đây là một nền tảng hoàn toàn phù hợp để Huế trở thành Thành phố Sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực Ẩm thực với 3 thế mạnh là Ẩm thực dân gian, Ẩm thực cung đình và Ẩm thực chay. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng nêu lên một số khó khăn cần được giải quyết, đáng chú ý nhất là khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm sau, thì đối tượng của hồ sơ, “Thành phố Huế trực thuộc Trung ương”, sẽ có quy mô lớn hơn rất nhiều lần so với thành phố Huế hiện tại. Điều này sẽ đặt ra các thách thức cho công tác thống kê dữ liệu, cơ quan đầu mối xây dựng và hoàn thiện hồ sơ…

ong-vo-le-nhat-chu-tich-ubnd-tp-hue-phat-bieu-mo-dau-buoi-lam-viec-1722405440.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh tiếng nói từ chính quyền, các ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nghệ nhân ẩm thực Mai Thị Trà… cũng cho thấy sự trăn trở và tâm huyết của người dân Huế với việc gìn giữ, phát triển di sản văn hóa, ẩm thực cha ông để lại. Nghệ nhân Mai Thị Trà bày tỏ, việc Huế trở thành Thành phố Sáng tạo là một dự án dài hơi cho toàn xã hội, chứ không phải là một nhóm nhỏ; vì vậy tỉnh và thành phố nên có những biện pháp cam kết lâu dài, đảm bảo tính phát triển bền vững, nâng cao sinh kế cho người dân. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, ông sẵn sàng chia sẻ những tài liệu nghiên cứu của bản thân về ẩm thực Huế để dịch và kèm theo, góp phần gia tăng tính thuyết phục cho hồ sơ của thành phố Huế nộp lên UNESCO.

Lan Phương