Nói đến huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi, hầu hết trong ngành Thể thao đều biết ông chính là người đã đào tạo nên nhiều vận động viên xuất sắc, những nhà vô địch cho Điền kinh nước nhà.
Huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi đến với môn Điền kinh như một cái duyên. Năng khiếu của ông đã được giáo viên phụ trách môn Thể dục vào lúc bấy giờ nhận ra, động viên, khuyến khích tập luyện. Ngay từ 11 tuổi, cậu bé Vũ Ngọc Lợi đến với Điền kinh đúng nghĩa để cho vui bởi tuổi còn quá nhỏ nên chẳng xác định gì. Bản thân ông cũng không thể ngờ, cái để cho vui lại trở thành mối duyên gắn kết cả cuộc đời.
Đến năm 15 tuổi, khi giành huy chương vàng ở môn thi 4 môn phối hợp toàn quốc rồi tiếp tục đạt thành tích tốt ở những cuộc thi tiếp theo thì mục tiêu của cậu bé Vũ Ngọc Lợi đối với môn Điền kinh đã trở nên khác biệt. Vũ Ngọc Lợi dành nhiều tình cảm cho môn thể thao này tới mức sáng đi học thì chiều sẽ dành thời gian để tập luyện hăng say.
Sự gắn kết với môn Điền kinh đã nảy nở thành tình yêu và đam mê tới mức huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi đã không lưỡng lự khi quyết định từ bỏ Trường Đại học Ngoại thương - con đường được cha mẹ cho là sáng sủa hơn, có tương lai hơn - để theo đuổi sự nghiệp của mình tại Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh.
Huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi bắt đầu gây dựng sự nghiệp Điền kinh của tỉnh Nam Định bằng tất cả sự nhiệt tâm và tài năng của mình. Nam Định đã từng là cái nôi của Điền kinh Việt Nam, nhưng rồi theo thời gian, thụt lùi so với các địa phương khác trong cả nước. Dưới bàn tay của huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi, Điền kinh Nam Định đã trở lại với những cú bứt tốc đáng kinh ngạc. Vào năm 2014, sau 10 năm liền gắn bó và có nhiều thành tích đóng góp cho Thể thao Nam Định, huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi được Ủy ban Thể dục thể thao (nay là Cục Thể dục thể thao) mời làm huấn luyện viên đội tuyển Điền kinh trẻ, đội tuyển Điền kinh quốc gia. Trong suốt quá trình làm công tác huấn luyện, ông luôn tận tâm, cống hiến hết mình để đào tạo ra các lứa vận động viên xuất sắc cho Điền kinh Việt Nam.
Trong sự nghiệp của huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi có những dấu mốc không thể quên và năm 1992 là một trong những dấu mốc quan trọng của ông khi vận động viên đầu tay do ông dẫn dắt là Trần Xuân Thành (Nam Định) giành được huy chương vàng ở nội dung 200m, huy chương đồng nội dung 100m tại giải Điền kinh tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2015, huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi đã gặt hái được thành công vang dội ở đấu trường SEA Games 28 trên đất Singapore. Hai học trò "ruột" của ông là Dương Văn Thái giành 2 huy chương vàng các nội dung 800m; 1.500m và Nguyễn Thị Huyền giành 3 huy chương vàng các nội dung 400m rào, 4x400m, 400m, đồng thời phá 2 kỷ lục SEA Games, đạt 2 chuẩn tham dự Olympic 2016.
Cái tài của nhà cầm quân người Nam Định là đã phát hiện ra những "viên ngọc thô" như Dương Văn Thái và Nguyễn Thị Huyền từ khi còn rất trẻ, chỉ mới 16-17 tuổi để gọt giũa và giúp họ trở thành những "ngôi sao" sáng. Và hơn thế nữa, ông còn có khả năng thấy được thế mạnh của mỗi vận động viên kể cả khi bị đặt nhầm chỗ như trường hợp Nguyễn Thị Huyền.
Ban đầu, Nguyễn Thị Huyền định chọn cự ly 800m làm nội dung sở trường vì đó là nội dung mà Huyền giành huy chương vàng tại giải trẻ Đông Nam Á. Nhưng thầy Vũ Ngọc Lợi lại thấy nếu để Huyền tập nội dung này sẽ không ổn. Ông chuyển Huyền sang nội dung 400m, 400m rào nữ và khả năng của cô đã được phát huy tối đa khi liên tiếp giành 3 tấm huy chương vàng SEA Games 28, 2 huy chương vàng Grand Prix 2015.
Năm 2017, lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á, Điền kinh Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để xếp vị trí thứ nhất toàn đoàn. Thành công chung này có sự góp mặt của các học trò mà thầy Vũ Ngọc Lợi dẫn dắt như: Trần Thị Yến Hoa, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan.
Đặc biệt hơn cả đó là Điền kinh Việt Nam đã gây sốc ở khu vực Đông Nam Á khi đội tiếp sức 4x100m nữ vượt qua nhà vô địch 2015 Thái Lan và giành huy chương vàng lập kỷ lục SEA Games tồn tại 10 năm (kỷ lục cũ thuộc về Thái Lan). Đây cũng là tấm huy chương vàng đầu tiên của Điền kinh Việt Nam ở nội dung này tại đấu trường SEA Games. Với huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi, đây là tấm huy chương vàng lịch sử cho Điền kinh Việt Nam.
Năm 2019 đánh dấu một năm thăng trầm nhưng đầy thành quả đáng trân trọng của Điền kinh Việt Nam tại các giải đấu lớn. Những thành tích đáng nể mà các vận động viên điền kinh của chúng ta đạt được có đóng góp không nhỏ của những huấn luyện viên trong việc đào tạo, huấn luyện và chỉ đạo thi đấu như huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi.
Trong năm 2019, huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi đã dẫn dắt Quách Thị Lan đạt nhiều thành tích đáng chú ý như: huy chương vàng châu Á, 2 huy chương vàng 2 chặng Grand Prix, 2 huy chương vàng tiếp sức, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng cá nhân SEA Games 30. Anh trai của Lan là Quách Công Lịch cũng vượt qua giai đoạn dính chấn thương liên miên để có 1 huy chương vàng tiếp sức 4x400m nam và 1 huy chương đồng cá nhân 400m rào nam ở SEA Games 30.
Đặc biệt, người học trò để lại dấu ấn lớn nhất trong năm 2019 của huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi phải kể đến Nguyễn Thị Huyền. Bà mẹ bỉm sữa 26 tuổi trở lại đường đua chỉ sau 1 năm sinh con đã xuất sắc bảo vệ thành công 2 huy chương vàng các cự ly sở trường là 400m và 400m rào nữ ở SEA Games 30.
Ở thời điểm khi mà đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát triệt để, Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 phải lùi thời gian tổ chức vào năm sau, nhưng trong suốt thời gian đó, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi, các vận động viên Điền kinh vẫn nỗ lực tập luyện không ngừng vì những mục tiêu trước mắt đặc biệt SEA Games 31 sẽ diễn ra trên sân nhà.
Không thể phủ nhận, trong quá trình huấn luyện hay đào tạo những vận động viên trẻ, huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi đã gặp rất nhiều khó khăn và thử thách, nhưng bằng tình yêu, trách nhiệm và sự nhiệt huyết trong công việc, ông vẫn để lại những dấu ấn đậm nét.
Tình yêu với Điền kinh đã giúp ông gặt hái được nhiều thành công, nhưng ít ai biết rằng, đằng sau những vinh quang này, nhà cầm quân người Nam Định đã trải qua nhiều thử thách, sóng gió của cuộc đời mà phải có nghị lực phi thường mới có thể vượt qua.
Có thể nói, trong những thử thách của cuộc đời với 10 ca phẫu thuật (9 ca mổ ổ bụng, 1 ca mổ tim) thì năm 2001 có thể nói là thời đểm khó khăn nhất đối với huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi khi ông phải trải qua 1 ca phẫu thuật, nhưng do bị nhiễm trùng ổ bụng nên phải nằm viện khá lâu. Khi đó, các bác sĩ cho rằng 99% ông không thể qua khỏi, nhưng điều kỳ diệu đã đến, ông bình phục chỉ sau 1 tháng rưỡi điều trị. Mặc dù, vượt qua "cửa tử" nhưng hậu quả của cuộc đại phẫu thuật đã khiến cho sức khỏe của ông giảm sút rất nhiều.
Nhìn những vết sẹo chi chít trên người sau những lần phẫu thuật cùng với những khó khăn, thử thách mà huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi trải qua, không thể không khâm phục nghị lực phi thường của huấn luyện viên người Nam Định.
Năm nay đã 63 tuổi, cái tuổi mà đáng ra được ở nhà vui vầy cùng con cháu, nhưng huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi vẫn dành trọn tình yêu cho môn Điền kinh. Ngày ngày dù nắng hay mưa, ông vẫn hướng dẫn các học trò tập luyện để giúp Điền kinh Việt Nam chinh phục những cột mốc mới.