Huấn luyện viên Trần Quốc Cường: Một khi đã đam mê bắn súng thì khó từ bỏ

Năm 2023 là một năm thành công của Bắn súng Việt Nam khi đã giành được huy chương vàng tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19), 1 huy chương vàng ở giải vô địch Bắn súng châu Á và 2 tấm vé tham dự Thế vận hội 2024. Bước sang năm 2024 với nhiều nhiệm vụ mới cùng với những thử thách, ông Trần Quốc Cường - huấn luyện viên đội tuyển bắn súng Việt Nam - đã có cuộc trò chuyện với phóng viên.

pv-1-1708875121.jpg
Kết thúc SEA Games 31, xạ thủ Trần Quốc Cường đã chia tay sự nghiệp thi đấu đỉnh cao và chuyển sang công tác huấn luyện

-  Ông có thể chia sẻ về một năm thành công vừa qua của Bắn súng Việt Nam?

+ Bắn súng Việt Nam đang trong giai đoạn thành công trở lại. Mở đầu cho năm 2023 là thành tích của Trịnh Thu Vinh giành tấm vé tham dự Olympic Paris 2024. Và đến thời điểm này, thành tích của Thu Vinh cũng đang rất ổn định. Ngoài ra, tấm huy chương vàng của xạ thủ Phạm Quang Huy tại ASIAD 19 cũng là tấm huy chương vàng đầu tiên của Bắn súng Việt Nam tại đấu trường Á vận hội. 

Ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2024, xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền đã giành tấm vé thứ hai tham dự Olympic Paris 2024 cho Bắn súng Việt Nam. Tôi đánh giá rất cao Mộng Tuyền vì vận động viên này đã cố gắng rất nhiều. Mộng Tuyền mới tập được khoảng 3-4 tháng, thời gian chưa phải là dài, nhưng em có ý trí rất cao. Đối với Tuyền khi đã đặt mục tiêu nào đó thì vận động viên này sẽ luôn cố gắng theo đuổi và Tuyền đã thành công.

Để có thể đạt được những thành tích này, chúng ta phải ghi nhận đây là sự cố gắng của từng vận động viên rất nhiều. Ban huấn luyện chúng tôi cũng chỉ là những người giúp đỡ các em, còn các em phải tự phấn đấu để có được những thành tích bằng những nỗ lực của chính bản thân mình.

- Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của Bắn súng nước nhà trong thời gian vừa qua?

+ Kể từ năm 2001, Bắn súng Việt Nam đã dẫn đầu khu vực Đông Nam Á nhất là SEA Games. Và có thể nói, từ năm 2012 đến 2016 là những năm rực rỡ nhất khi Bắn súng Việt Nam khi đã mang về những thành tích trên đấu trường thế giới và ấn tượng nhất là tấm huy chương vàng và huy chương bạc tại Olympic 2016 do công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. 

pv-2-1708875121.jpg
Trong sự nghiệp thi đấu của mình, xạ thủ Trần Quốc Cường 10 lần tham dự SEA Games và giành được 15-16 huy chương vàng cá nhân cùng đồng đội, 3 huy chương đồng ASIAD, 1 lần giành vé đến Olympic

Sau năm 2022, SEA Games 31 tại Việt Nam, Bắn súng Việt Nam đã khá thành công ở các nội dung của Olympic. Đến năm 2023, đầu tiên là thành tích của Trịnh Thu Vinh khi xạ thủ này đã giành tấm vé tham dự Olympic Paris 2024 và đến Đại hội Thể thao châu Á 19, xạ thủ Phạm Quang Huy đã có được 1 tấm huy chương vàng. 

- Với vai trò của huấn luyện viên đội tuyển, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng cũng như sự phát triển của các xạ thủ trẻ hiện nay?

+ Theo cảm nhận của tôi thì hiện Bắn súng Việt Nam đang có một lứa vận động viên trẻ khá đông đảo và khá tốt nhưng thực sự chưa thể bằng lứa xạ thủ Hoàng Xuân Vinh được. Mặc dù, lứa vận động viên trẻ cũng đang có một nền tảng chuyên môn khá tốt nhưng cũng cần phải có tập trung cao hơn và cần có những người đứng đằng sau để thúc đẩy các em để các em có thể giữ được thành tích và sự đi lên theo đúng chu trình.

- Với sự đầu tư của Bắn súng Việt Nam trong thời gian qua, xin ông cho biết, mình còn có sự cách biệt so với các nước trong khu vực không?

+ Thực ra, đầu tư cho Bắn súng Việt Nam mấy năm trở lại đây cũng đã tương đối tốt nhưng nếu so với các quốc gia trong khu vực thì mình vẫn còn kém xa. Một điều dễ nhận thấy các nước trong khu vực họ đầu tư cho các nội dung Olympic rất lớn. 

Bắn súng là môn Olympic trong khi Bắn súng Việt Nam lại gặp khó khăn về kinh tế, thứ hai là khó nhập về súng đạn. Bắn súng Việt Nam một thời gian dài cũng muốn nhập đạn về nhưng thủ tục hành chính rất khó khăn nên số lượng đạn cũng rất hạn chế. Chính vì thế, cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thành tích của các vận động viên.

pv-3-1708875121.jpg
Ông Trần Đình Mẫn (áo sơ mi ca rô) - bố của Trần Quốc Cường - rất tự hào với sự nghiệp và lòng quyết tâm theo đuổi bộ môn Bắn súng của con trai

- Ông có thể "bật mí" để trở thành một vận động viên Bắn súng thì đâu là khó khăn và đâu là thuận lợi?

+ Để trở thành một vận động viên bắn súng thì khó khăn lớn nhất đó là các địa phương - những nơi đào tạo đầu tiên để đóng góp lực lượng vận động viên cho đội tuyển - thì hầu hết các địa phương đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua đạn, hầu hết không có đạn.

Đối với một vận động viên đi tập bắn súng nhưng lại chỉ có thể làm quen với súng tập chay mà không được bắn đạn thì sẽ rất nhàm chán. Đây chính là hạn chế và làm chậm phát triển của môn Bắn súng.

Còn điểm thuận lợi là hiện Nhà nước và Chính phủ cũng quan tâm đến bộ môn Bắn súng vì đây cũng là môn thế mạnh của Thể thao Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao cũng đánh giá môn Bắn súng là một trong những môn mũi nhọn. Tuy nhiên, đầu tư cho Bắn súng ở thời điểm hiện tại cũng chưa đủ như mong đợi.

- Có thể thấy, khi vận động viên của mình đi thi đấu thì ở các loạt bắn đầu tiên thành tích rất là tốt nhưng càng về cuối thì thành tích càng đi xuống. Ông có thể lý giải thêm về hạn chế này?

+ Một điểm dễ thấy khi vận động viên đi thi đấu nước ngoài thì có người ở giai đoạn 1 thành tích rất tốt nhưng có người lại không tốt. Quan trọng là ở giai đoạn 1 vận động viên đã thi đấu tốt rồi mà đấu pháp của mình không tốt khi phải đứng liên tục thì cơ bắp mỏi dẫn đến thần kinh của mình nó cũng mệt cộng với áp lực thi đấu khiến sự cảm nhận của vận động viên với bài bắn cũng kém đi và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến thành tích.

Đối với môn Bắn súng, có những cảm nhận phải tập nhiều thì mới rút được kinh nghiệm. 

pv-4-1708875444.jpg
Huấn luyện viên Trần Quốc Cường cùng xạ thủ Trịnh Thu Vinh

- Sự phát triển của Bắn súng Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp vận động viên và trong vai trò huấn luyện viên hiện nay của ông, thưa ông? 

+ Gia đình tôi có truyền thống về Bắn súng, bố tôi là huấn luyện viên Trần Đình Mẫn (huấn luyện viên trưởng đội tuyển Bắn súng Việt Nam). Em gái tôi cũng là một xạ thủ và hiện là huấn luyện viên đội tuyển Bắn súng Hải Dương. Chính bố tôi là người đưa đưa tôi đến với Bắn súng từ năm 16 tuổi. Được thừa hưởng từ cái nôi của gia đình nên nghiệp bắn súng cũng ngấm vào tôi từ lúc nào không rõ. 

Thực sự, môn thể thao này ai mà không đam mê không tâm huyết thì sẽ không theo được. Theo cảm nhận của những người ngoại đạo thì đây là môn rất là nhàm chán nhưng khi đã đam mê thì khó có thể từ bỏ được. Đặc biệt khi đã có thành tích ở một nội dung này thì mình muốn phấn đấu cao hơn. 

Ví dụ như mình đạt huy chương vàng ở giải vô địch quốc gia thì mình lại muốn có huy chương vàng ở Đông Nam Á và khi có huy chương vàng Đông Nam Á thì mình lại muốn ra khu vực châu Á. Đấy cũng là một cái đích để các vận động viên cũng như bản thân tôi theo đuổi.

- Bước sang năm 2024 anh có kỳ vọng gì với Bắn súng Việt Nam?

+ Tôi hy vọng với những thành tích đã đạt được trong thời gian vừa qua đây sẽ là bước đệm để Bắn súng Việt Nam tiếp tục thành công trên đấu trường châu lục, thế giới và trước mắt là Olympic Paris vào mùa hè này.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Mỹ Hạnh (Thực hiện)