Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp: Thúc đẩy hợp tác nhiều lĩnh vực

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp là cơ chế trao đổi thường kỳ duy nhất giữa các địa phương Việt Nam với địa phương các nước, diễn ra 3 năm/lần, là dịp để các địa phương hai nước gặp gỡ, trao đổi về các chủ đề cùng quan tâm, đồng thời thúc đẩy cơ hội hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đô thị, môi trường.

9656-1681271040.jpg
Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh 4 phiên hội thảo chuyên đề: Đô thị bền vững; Môi trường, nước và xử lý nước; Văn hóa, Di sản và Du lịch; Thành phố thông minh và Số hóa. Ảnh: VGP

50 địa phương Việt Nam, 12 địa phương Pháp tham gia hội nghị

Chiều 11/4, TP. Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 22. Cuộc họp báo do ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp chủ trì.

Tại cuộc họp báo, Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội Ngô Minh Hoàng cho biết, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12 (Hội nghị lần thứ 12) diễn ra từ ngày 13 - 16/4/2023. Đây là sự kiện quan trọng diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp vào năm 2023.

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp là cơ chế trao đổi thường kỳ duy nhất giữa các địa phương Việt Nam với địa phương các nước, diễn ra 3 năm/lần, là dịp để các địa phương hai nước gặp gỡ, trao đổi về các chủ đề cùng quan tâm, đồng thời thúc đẩy cơ hội hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đô thị, môi trường.

Hội nghị năm nay có chủ đề "Hợp tác địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch COVID -19"; là dịp tổng kết, đánh giá kết quả những nội dung đã triển khai hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp; trao đổi những khó khăn, thách thức và đưa ra giải pháp nhằm tăng cường thúc đẩy, triển khai thực hiện chính sách quan hệ hợp tác, liên kết và thiết lập quan hệ đối tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ "hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, tin cậy" giữa Việt Nam và Pháp; củng cố và tăng cường mối quan hệ sẵn có, đồng thời mở rộng các mối quan hệ đối tác mới.

Hội nghị lần thứ 12 dự kiến có sự tham gia của 50 địa phương Việt Nam, 12 địa phương Pháp với trên 800 đại biểu của cả phía Việt Nam và Pháp, bao gồm lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, lãnh đạo các chính quyền địa phương, đại diện các Hội hữu nghị, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, nhân sỹ trí thức Việt kiều yêu nước tại Pháp, đại diện các dự án hợp tác giữa Việt Nam - Pháp, một số tổ chức phi Chính phủ, các Viện nghiên cứu, các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp của hai nước Việt Nam và Pháp.

Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội, Hợp tác giữa các địa phương (còn gọi là hợp tác phi tập trung) Việt Nam - Pháp được đặt nền móng từ năm 1989 với việc thành lập quan hệ đối tác giữa thành phố Hà Nội và Vùng Ile-de-France. Đến năm 1996, Hà Nội thiết lập quan hệ với thành phố Toulouse. Quan hệ hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các địa phương của Pháp được thực hiện trên nhiều lĩnh vực như: Viện trợ phát triển, giúp đỡ chuyên gia, đầu tư trực tiếp, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa của thành phố Hà Nội. Hơn 30 năm qua, hình thức hợp tác này không ngừng được củng cố, phát triển và đã trở thành kiểu mẫu cho quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa các cấp địa phương của hai nước.

Đến nay, đã có trên 33 tỉnh, thành phố của Việt Nam và 24 địa phương của Pháp hợp tác với 55 dự án và thỏa thuận hợp tác cấp địa phương. Các dự án hợp tác tập trung vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của địa phương Việt Nam và thế mạnh của Pháp như văn hóa, ngôn ngữ, du lịch, bảo tồn - bảo tàng di sản, nước và vệ sinh môi trường, quy hoạch đô thị, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, đào tạo nghề, y tế, phát triển bền vững, môi trường, phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Hiện, có 3 đơn vị hành chính Pháp có đại diện tại Việt Nam bao gồm: Hội đồng Vùng Ile-de-France tại thành phố Hà Nội (thông qua việc thành lập văn phòng đại diện của Vùng Ile-de-France tại Hà Nội là Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam - PRX-Vietnam), Hội đồng Vùng Nouvelle - Anquitaine tại tỉnh Lào Cai; Hội đồng tỉnh Val-de-Marne tại tỉnh Yên Bái. Việc các đơn vị hành chính lãnh thổ Pháp đặt văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam chứng tỏ sự gắn bó lâu dài giữa các địa phương hai nước Việt Nam - Pháp.

Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp là một trong những hợp tác quốc tế cấp địa phương phát triển nhất của cả hai nước, xét về số lượng đối tác tham gia hợp tác, cũng như về mức độ cam kết tài chính và quy mô hợp tác. Các địa phương của Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị: Huế (lần thứ 6), Hải Phòng (lần thứ 8), Cần Thơ (lần thứ 10).

9657-1681271040.jpg
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: VGP

Trao đổi với phóng viên về chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, Thành ủy ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh. Các sở, ban, ngành được giao kế hoạch rất cụ thể, trong đó có nội dung hợp tác quốc tế. Xác định chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh rất quan trọng, Hà Nội muốn hợp tác với các nước trên thế giới trong lĩnh vực này, trong đó có Pháp, bởi phía Pháp có kinh nghiệm về quản lý đô thị thông minh, giao thông thông minh, viễn thông...

Trong hội thảo lần này, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có tham luận về Thành phố thông minh và chuyển đổi số, đồng chí mong đại biểu tham dự sẽ chia sẻ thông tin để tiến tới các chương trình hợp tác cụ thể trong xây dựng Thành phố thông minh. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ tiếp tục thông tin đến báo chí qua Phiên hội thảo chuyên đề về chính quyền số tại Hội nghị thứ 12.

Hoàn tất công tác chuẩn bị, bảo đảm an ninh, an toàn cho hội nghị

Đại diện Công an Thành phố cho biết, xác định việc đảm bảo an ninh an toàn trong thời gian diễn ra Hội nghị là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Công an Thành phố đã phối hợp với các sở, ngành trong Tiểu ban phục vụ Hội nghị lần thứ 12 đảm bảo an ninh an toàn trước và trong hội nghị. Công an Thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ để triển khai giao thông trật tự, phối hợp với các ngành để có các phương án bảo đảm an toàn, an ninh cho các đoàn khi tham gia các hoạt động của Hội nghị tại Hà Nội cũng như các hoạt động bên lề thăm quan một số địa phương.

Để đảm bảo an toàn về y tế, Sở Y tế Hà Nội sẽ phối hợp các các lực lượng kiểm tra công tác an toàn thực phẩm trước trong và khi diễn ra hội nghị, nhất là kiểm dịch các nguyên liệu thực phẩm. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định về y tế tại khu vực Sân bay. Chuẩn bị sẵn sàng các đội cấp cứu lưu động để chủ động cho các tình huống có thể xảy ra.

Liên quan đến quảng bá du lịch của Thành phố, đại diện Sở Du lịch cho biết Sở hoàn thành công việc được phân công, phối hợp với các đơn vị trong Tiểu ban hậu cần, đến nay công tác chuẩn bị cho hội nghị được đảm bảo. Song song với đó, ngành Du lịch chủ động đưa thông tin về khách sạn 5 sao trên địa bàn, tổ chức đoàn kiểm tra tại các cơ sở lưu trú nhằm nâng cao chất lượng du lịch. Các đại biểu tham dự hội nghị cũng như khách du lịch sẽ trải nghiệm các dịch vụ tốt nhất.

Cơ hội quảng bá xúc tiến thương mại du lịch cho Thủ đô Hà Nội

Trong thời gian diễn ra Hội nghị, chuỗi các hoạt động văn hóa, di sản được tổ chức tại khu Phố cổ Hà Nội, đặc biệt là các địa điểm dự án hợp tác Hà Nội - Toulouse trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Đó là Chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị lần thứ 12 do nhiều nghệ sỹ Việt Nam nói tiếng Pháp, các học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục, đào tạo hệ song ngữ Việt Nam - Pháp biểu diễn với nội dung rất đặc sắc, phát huy tình giao lưu, hữu nghị và đoàn kết giữa hai đất nước.

Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Thành phố Toulouse tổ chức Triển lãm "Từ lòng đất đến bảo tàng": trưng bày các di tích, di chỉ khảo cổ học tại khu di sản Hoàng Thăng Thăng Long vào 14h00, ngày 13/4/2023 tại khu Di sản Văn hóa Thế giới Hoàng Thành Thăng Long.

Ngoài ra còn có Hội thảo "Phát huy giá trị không gian khảo cổ học tại Hoàng Thành Thăng Long" diễn ra vào 15h00 ngày 13/4/2023 tại khu Di sản Văn hóa Thế giới Hoàng Thành Thăng Long.

UBND quận Hoàn Kiếm và Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) tổ chức Triển lãm "Hà Nội - Khởi đầu một đô thị kiểu phương Tây ở Đông Nam Á" vào 14h00, ngày 15/4/2023, tại 49 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Triển lãm trưng bày những bức ảnh màu đầu tiên chụp tại Hà Nội và diễn ra tại ngôi Biệt thự Pháp kiểu mẫu được bảo tồn, trùng tu từ sự hợp tác Hà Nội - Ile-de-France.

Triển lãm "Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954": thông qua bộ sưu tập ảnh Việt Nam của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp, triển lãm kể lại hành trình của những người tham gia bảo tồn khu di tích Văn Miếu, góp phần đưa di sản này hồi sinh mạnh mẽ, uy nghi hơn. Triển lãm do Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Viện Viễn Đông bác cổ Pháp thực hiện.

Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong thời gian diễn ra hội nghị, ngành Du lịch phối hợp với sở, ngành liên quan đưa ra kế hoạch, lộ trình chi tiết để giới thiệu các tour du lịch đặc sắc tới các đại biểu. Qua đó, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Thủ đô tới du khách.

Còn theo theo Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lê Tự Lực, hiện nay, theo đăng ký, có khoảng 40 lãnh đạo tỉnh, thành phố về dự hội nghị xúc tiến đầu tư. Về các hoạt động xung quanh sự kiện trao đổi giữa các địa phương của Pháp và Việt Nam, Trung tâm đã chuẩn bị xong các nội dung và kế hoạch phục vụ cho sự kiện này.

Ngoài các phiên hội thảo chuyên đề, nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, giao lưu giữa các địa phương, đối tác của hai nước gồm: Không gian quảng bá các địa phương "Sắc màu Việt Nam" với quy mô 80 gian hàng quảng bá, giới thiệu về văn hóa, địa điểm du lịch, các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của các địa phương Việt Nam.

Lễ hội "Balade en France/Dạo chơi nước Pháp" với quy mô 50 gian hàng của các doanh nghiệp Pháp - Việt hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, thực phẩm, được tổ chức dưới hình thức hội chợ nhằm giới thiệu đến công chúng về ngành nông nghiệp, công nghệ thực phẩm Pháp và nghệ thuật văn hóa ẩm thực Pháp.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Pháp với mục đích kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với địa phương, địa phương với địa phương hai nước, dự kiến đón tiếp gần 400 đại biểu các chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp hai nước. Bên lề Diễn đàn, nhiều hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc giữa chính quyền với chính quyền (G2G), chính quyền với doanh nghiệp (G2B), doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Theo ông Lực, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch còn được giao nhiệm vụ phối hợp xây dưng không gian quảng bá các địa phương và thành phố Hà Nội tại khu vực hồ Hoàn Kiếm song song với khu vực trưng bày: Dạo quanh nước pháp. Cũng tại đây, cùng với 60 gian hàng còn có khu giới thiệu các vùng miền và đặc sản của Việt Nam cho khách du lịch cũng như bạn bè Pháp, có khu dành riêng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sảnphẩm làng nghề đặc sắc các địa phương của hai nước.

9658-1681271040.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Hội nghị Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 bên cạnh các chuyên đề chuyên sâu liên quan đến những vấn đề mà các địa phương hai nước quan tâm và có ý nghĩa lớn đối với Hà Nội như bảo tồn di sản, vấn đề nước và Môi trường, Chuyển đổi số để xây dựng Thành phố Thông minh còn có 15 sự kiện quan trọng có ý nghĩa để quảng bá hình ảnh Hà Nội

Hội nghị cũng có những điểm mới. Đó là, bên cạnh những thành tựu chung về phát triển hợp tác 50 năm qua về văn hóa, giáo dục, môi trường, Hội nghị còn quan tâm đến tăng cường hiệu quả của hợp tác kinh tế: động lực để phục hồi, phát triển bền vững, toàn diện nên được cả Pháp và Việt Nam quan tâm nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh các địa phương, qua đó, xúc tiến các hoạt động hợp tác thực chất, hiệu quả của các doanh nghiệp doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hai nước, nhất là Thủ đô Hà Nội để tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hai bên.

Minh Anh