Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn và Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ Quốc Nguyễn Thị Hoàng Lan đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các trường Đại học - Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp đào tạo về du lịch; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn - nhà hàng - du lịch và lữ hành; và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu.
Đào tạo nguồn nhân lực - Giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Tổng biên tập báo điện tử Tổ Quốc cho biết, Hội thảo được tổ chức vào thời điểm quan trọng khi Việt Nam khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, đã quyết đinh mở cửa toàn diện cho du lịch và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Trong 11 tháng của năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2,95 triệu lượt người và khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt người. Hội thảo này lại càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại TP.HCM - một trong những điểm đến hàng đầu của Việt Nam và cũng là nơi có tốc độ phát triển kinh tế du lịch thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Với sự tham gia của các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp cùng các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực du lịch, Hội thảo sẽ giúp đánh giá đúng thực trạng công tác đào tạo và hướng phát triển của các cơ sở đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu bứt phá vươn lên thực hiện thật hiệu quả Quyết định số 2292/QĐ-BVHTTDL ngày 13/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về chương trình hành động phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Phát biểu tại Hội thảo, khi bàn về vai trò của công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan nhấn mạnh, để ngành du lịch bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển bứt phá, việc tạo dựng nguồn nhân lực du lịch, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đang là một trong những nhu cầu cấp thiết, nhằm đáp ứng kịp thời những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động.
Đào tạo trong lĩnh vực du lịch cũng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Điều này cũng đặt ra những chiến lược cụ thể cho các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực du lịch: Đó là phải nhanh chóng đổi mới phương thức đào tạo để có thể tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mới mở rộng hơn trong lĩnh vực du lịch cho lao động Việt Nam trong tình hình mới.
Phát biểu gợi mở tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đại dịch COVID-19 đã khiến những thành tựu của ngành du lịch bị cuốn phăng, kéo lùi sự phát triển ngành du lịch lùi lại 30 năm. Một trong những thách thức của các doanh nghiệp du lịch nói riêng, ngành du lịch nói chung hiện nay đó là vấn đề nguồn nhân lực du lịch.
"Làm sao để có nguồn nhân lực đáp ứng với xu hướng du lịch thời kỳ sau đại dịch? Làm sao để đào tạo lại hay đào tạo mới nguồn nhân lực về du lịch?" ông Tuấn đặt vấn đề, đồng thời cho rằng, vai trò của các cơ sở đào tạo trong thời điểm hiện này là vô cùng quan trọng nhằm hỗ trợ nguồn nhân lực. Theo đó, các cơ sở đào tạo cần có tầm nhìn dài hạn hơn, nắm được những xu hướng mới của ngành du lịch sau đại dịch.
Đánh giá cao Báo điện tử Tổ Quốc - cơ quan báo chí của Bộ VHTTDL đã đồng hành cùng vấn đề thời sự của ngành Du lịch, ông Tuấn cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp nhằm "hiến kế" để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch trong thời gian tới.
"Thừa thầy - Thiếu thợ"
Tham luận tại Hội thảo với chủ đề "Bài toán trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững", PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG HCM cho rằng, ngành Du lịch đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực có chuyên môn cao, hiện tượng "thừa thầy, thiếu thợ" trong cán cân lao động, đào tạo không đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đào tạo chưa có hướng đi khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh,...
"Cần có nhiều chính sách và biện pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng nghề hướng dẫn viên du lịch để đáp ứng mục tiêu phát triển ASEAN "cùng vững vàng tiến bước" và Việt Nam trong ASEAN thật sự là "Điểm đến cho mọi giấc mơ" cho mọi du khách quốc tế đến với Việt Nam và trở lại nhiều lần.
Nêu giải pháp cụ thể, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân cho rằng, cần phải nhanh chóng đổi mới phương thức đào tạo để có thể tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mới mở rộng hơn cho sinh viên Việt Nam trong tình hình mới; Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cần sự đồng hành của nhà trường - nhà nước - doanh nghiệp và người dân, trong đó chú trọng đến đào tạo con người, xây dựng những sản phẩm độc đáo, tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ và sự chung tay của toàn xã hội.
"Để làm được điều đó chúng ta cần xây dựng những thương hiệu du lịch lớn mang tầm quốc tế gắn với bản sắc văn hóa đặc sắc và con người Việt Nam về hình ảnh một Việt Nam đẹp đẽ, thân thiện, đôn hậu và mến khách" - PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nhấn mạnh.
Với chủ đề "Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong du lịch", bài tham luận của PGS. TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Hà Nội tập trung nêu những giải pháp cốt lõi, là "chìa khóa" về đào tạo nguồn nhân lực giúp phục hồi phát triển du lịch thời kỳ sau đại dịch.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, để hình thành đội ngũ lao động chất lượng cao đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đào tạo và phát triển thiết thực về cơ chế chính sách, bồi dưỡng và đào tạo lại, truyền thông thay đổi nhận thức, liên kết hợp tác, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch mạnh, chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, xây dựng cơ sở đào tạo du lịch chuẩn về các nội dung xây dựng chương trình đào tạo và khung đào tạo, đẩy mạnh đào tạo tại chỗ theo nhu cầu của doanh nghiệp, đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ, lãnh đạo du lịch chất lượng cao,…
"Có rất nhiều giải pháp khác nhau nhằm hướng đến đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, tuy nhiên sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong hoạt động đào tạo là quan trọng nhất. Trong quá trình đào tạo cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người đào tạo và người học, sự phối hợp chặt chẽ với các bên như chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng,… trong mọi giai đoạn của hoạt động đào tạo" - PGS.TS Phạm Hồng Long nhấn mạnh.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tại các địa phương
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, với nhiều giải pháp đồng bộ, đến thời điểm này, du lịch TP.HCM đã đạt được nhiều mục tiêu đặt ra kể cả về lượng khách quốc tế, nội địa và đặc biệt là doanh thu trong lĩnh vực du lịch.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong vấn đề nguồn nhân lực du lịch, ông Lê Trương Hiền Hòa cho biết, trong Chiến lược Phát triển du lịch của thành phố đến năm 2030, TP xác định phát triển nguồn nhân lực du lịch là một trong những giải pháp trụ cột. Từ đó, đã đưa ra những kế hoạch cụ thể hơn trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực thời gian tới.
Về một số giải pháp trong thời gian qua, TP.HCM đã đẩy mạnh việc liên kết vùng với 27 tỉnh, thành phố trong việc phát triển du lịch, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, TP cũng vận động các doanh nghiệp du lịch có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho lao động ngành du lịch trong bối cảnh sau đại dịch. Ngoài ra, TP cũng phối hợp với các Tổng Lãnh sự quán một số quốc gia trên địa bàn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha… trong vấn đề đào tạo ngôn ngữ cho nguồn nhân lực du lịch.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ - Trưởng Phòng Quản lý phát triển Du lịch - Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, dù đã cơ bản phục hồi sau đại dịch nhưng ngành Du lịch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, thách thức. Trong đó, việc tuyển dụng nhân lực làm việc trong lĩnh vực du lịch gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chính vì vậy, Sở Du lịch đã tập trung rà soát thực trạng cụ thể về nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn. Qua khảo sát, có hơn 5.000 lao động du lịch cần phải đào tạo, đào tạo lại. Sở Du lịch đã báo cáo với UBND tỉnh để kịp thời ban hành các giải pháp, kế hoạch trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trong đó nêu rõ vai trò của các sở ngành, doanh nghiệp và đơn vị liên quan.
Doanh nghiệp cần tham gia trực tiếp vào khâu đào tạo
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương Tâm - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Thành Công cho rằng, liên quan đến khó khăn nguồn nhân lực sau đại dịch, doanh nghiệp phải "mổ xẻ" những vấn đề đó vì nó liên quan đến "cơm, áo, gạo, tiền". Theo bà Tâm, "Thừa thầy - thiếu thợ" - có lẽ đó chính là câu nhận xét tổng quan, đúng bản chất nhất trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch hiện nay, nhiều chuyên gia đã đề cập đến vấn đề này từ rất lâu nhưng để giải quyết cụ thể thì vẫn chưa có giải pháp căn cơ.
Cũng theo bà Phương Tâm, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hiện nay cần nêu cao vai trò liên kết giữa doanh nghiệp - cơ sở đào tạo - doanh nghiệp. Theo đó, trong vấn đề này cần phải có sự hỗ trợ kinh phí từ doanh nghiệp, các quỹ giải quyết việc làm từ địa phương để hỗ trợ những lao động trong quá trình đào tạo, bởi sau đại dịch thì kinh tế của họ rất khó khăn.
"Doanh nghiệp cần tham gia trực tiếp vào khâu đào tạo thì nguồn nhân lực khi đào tạo ra sẽ không lãng phí, được sử dụng đúng mục đích" - bà Tâm nêu quan điểm.
Nêu quan điểm tại Hội thảo này, bà Trần Thị Hải Vân - Phó Tổng Giám đốc Le Palmier Hồ Tràm Resort phản ánh một thực trạng đó là: "Khi phỏng vấn tuyển lao động, có một điều rất buồn đó là khi chúng tôi hỏi vì sao lại chọn ngành này thì nhiều bạn không trả lời được".
Bà Hải Vân cho rằng, việc đào tạo kỹ năng cho nhân lực ngành du lịch không phải là vấn đề khó, nhưng tìm được nguồn nhân lực thực sự yêu nghề để họ đủ tự tin, niềm đam mê để vượt qua những thời điểm khó khăn mới là điều cốt lõi và quan trọng.
Cũng theo bà Hải Vân, trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch, hiện nay doanh nghiệp du lịch đang phải đối mặt với việc "chảy máu" nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Nhiều lao động chất lượng cao mà doanh nghiệp này mất thời gian, công sức, kinh tế để đào tạo ra, nhưng luôn phải đối mặt với nguy cơ mất đi nhân lực đó khi doanh nghiệp khác bằng mọi cách để mời chào với sự ưu đãi cao hơn" - bà Hải Vân nói và cho rằng, văn hóa doanh nghiệp cũng là vấn đề cần phải được đặc biệt quan tâm trong lĩnh vực kinh doanh.
Ghi nhận những ý kiến tâm huyết tại Hội thảo để báo cáo đến cơ quan liên quan
Kết luận Hội thảo, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, các ý kiến Hội thảo đã khẳng định tầm quan trọng cũng như yêu cầu bức thiết đối với việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đặc biệt là trong tình hình mới hiện nay.
Đồng thời nêu lên thực trạng còn nhiều hạn chế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao hiện nay đó là: từ khâu đào tạo đến sử dụng đều chưa kịp thời cập nhật được các chương trình đạo tạo mới nhất; vẫn còn tình trạng thừa thầy, thiếu thợ trong cán cân đào tạo… dẫn tới đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch cũng chưa có hướng đi khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng khẳng định vai trò của cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và chính quyền các cấp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Đồng thời nhất trí cao với những giải pháp giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở các trường đại học, cao đẳng…
"Đây được xem là chìa khóa hữu hiệu để thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, qua đó góp phần đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra" - ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cho biết, các ý kiến tâm huyết của đại biểu tại Hội thảo sẽ được Ban tổ chức tập hợp, tổng hợp đầy đủ để đưa ra giải pháp cụ thể để báo cáo gửi tới Lãnh đạo Bộ VHTTDL, các đơn vị liên quan.
Được biết, Hội thảo có sự đồng hành và tài trợ của Công ty Cổ phần Tập đoàn CT Group (CT Group), Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI), Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Trung Nguyên Healing (Trung Nguyên Healing), Khách sạn The Myst Đồng Khởi (The Myst Dong Khoi), Công ty Cổ phần Dịch vụ BĐS Đất Xanh (Dat Xanh Service), Công ty CP Nông trang Eden Farm và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hương Sen Tháp Mười (Dotha Lotus)