Hà Nội thiết lập hành lang du lịch an toàn với các địa phương

Ngày 17/12, tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối du lịch giữa Hà Nội và các địa phương với chủ đề “Thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và các địa phương”, nhằm phục hồi du lịch Thủ đô sau quãng thời gian dài chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, nhằm chuẩn bị tái khởi động hoạt động du lịch, từ giữa tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Cũng trong tháng 10/2021, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp trực tuyến với 25 địa phương trọng điểm về du lịch bàn về tái khởi động hoạt động du lịch; họp trực tuyến với Bộ Ngoại giao và các Đại sứ, lãnh đạo của 15 cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam để phối hợp xúc tiến quảng bá du lịch đến các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm; làm việc với các hãng hàng không, lữ hành hàng đầu Việt Nam bàn giải pháp kết nối, khai thác thị trường, chuẩn bị từng bước mở cửa thị trường khách quốc tế. Để quảng bá rộng rãi chiến dịch thí điểm mở cửa du lịch quốc tế, hướng tới mở cửa hoàn toàn trở lại vào năm 2022, Bộ đã phối hợp cùng các địa phương triển khai đề án thí điểm đón khách du lịch quốc tế, chỉ đạo Tổng cục Du lịch triển khai chiến dịch truyền thông thu hút khách quốc tế “Live fully in Vietnam” và đối với du lịch nội địa là “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”.

Thời gian tới, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng khai thác thị trường du lịch nội địa; đặt yếu tố du lịch an toàn lên hàng đầu, đồng thời mang lại trải nghiệm thật sự ấn tượng, khó quên. Để thực hiện được mục tiêu đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp gồm: Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch. Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch. Phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.

Thứ trưởng cho rằng, năm 2022 vẫn là năm đầy thử thách đối với ngành du lịch vì vậy cần phát huy vai trò đòn bẩy ở một số trung tâm du lịch lớn. Thứ trưởng đề nghị TP. Hà Nội cùng các địa phương xây dựng chương trình hành động với các hoạt động và lộ trình triển khai cụ thể việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL chính là “kim chỉ nam” định hướng cụ thể cho các địa phương trong hoạt động đón khách du lịch với 4 cấp độ. Tùy vào từng cấp độ, các địa phương sẽ tổ chức đón khách trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, linh hoạt.

Về việc ứng dụng công nghệ phòng chống dịch trong hoạt động du lịch, Tổng cục trưởng cho biết, Tổng cục Du lịch đã xây dựng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” và hệ thống đăng ký, khai báo an toàn COVID-19 kết nối trực tiếp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đồng thời ban hành văn bản gửi các địa phương đề nghị hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký, cập nhật thường xuyên các thông tin, hoạt động du lịch của doanh nghiệp lên ứng dụng. Tính đến thời điểm hiện tại đã có trên 14 nghìn đơn vị đăng ký trên hệ thống. Tổng cục trưởng đề nghị các địa phương cần sát sao hơn nữa trong công tác chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia và cập nhật thông tin thường xuyên trên ứng dụng, qua đó góp phần đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch.

Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch an toàn giữa Hà Nội và các địa phương - Ảnh: TITC

Phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô Hà Nội

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm cho cả thế giới và Việt Nam nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, du lịch Thủ đô đã xây dựng những giải pháp để phục hồi và phát triển. Việc tổ chức Hội nghị nhằm góp phần từng bước khôi phục lại ngành du lịch Thủ đô sau ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động du lịch tăng nguồn khách hàng, vượt qua khó khăn, tạo đà phục hồi phát triển du lịch trong thời gian tiếp theo.

Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, năm 2022, du lịch Thủ đô đặt mục tiêu đón 9 - 10 triệu lượt du khách, trong đó có từ 7,8-8 triệu lượt khách nội địa. Khách quốc tế từ 1,2-2 triệu lượt khách, doanh thu trên 27.000 tỷ đồng.

Để đạt được những chỉ tiêu đó, ngành du lịch Thủ đô sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm như: đảm bảo an toàn tại các điểm đến và cho khách du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lĩnh vực du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đón khách du lịch quốc tế...

Lãnh đạo Sở Du lịch, Sở VHTTDL các địa phương nhất trí đẩy mạnh liên kết, tạo hành lang kết nối an toàn, thu hút du khách. Đồng thời đơn giản hóa, thống nhất giữa các địa phương về quy trình, thủ tục khai báo y tế cho du khách; cập nhật danh sách các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn an toàn…

Tại Hội nghị, cơ quan quản lý du lịch 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang đã ký kết hợp tác phát triển du lịch an toàn trong trạng thái bình thường mới. Cơ quan quản lý du lịch 12 tỉnh, thành phố thống nhất cùng xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể và cam kết tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch các địa phương đưa khách đến địa phương mình tham quan, du lịch, bảo đảm thuận lợi về giao thông, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch theo nguyên tắc “2 điểm đến, 1 hành trình xuyên suốt”. 12 địa phương cũng cam kết phối hợp tuyên truyền quảng bá du lịch với chủ đề “Hành lang du lịch an toàn”; phối hợp trong khảo sát các điểm đến; công tác phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới; xây dựng sản phẩm du lịch...

PT