Giải Báo chí quốc gia: Đề tài đại dịch COVID-19 chiếm số lượng lớn

Trong mùa giải lần thứ 16 của Giải Báo chí quốc gia, bên cạnh các đề tài truyền thống, tác phẩm về đề tài đại dịch COVID-19 chiếm số lượng lớn và chất lượng cũng rất cao.

2131-1654092219.jpg
Vòng chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ 16 - năm 2021. Ảnh: VGP

Sáng 1/6, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia tổ chức vòng chấm chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ 16 năm 2021. Đã có 152 tác phẩm thuộc 11 loại giải được Hội đồng sơ khảo lựa chọn từ 1.911 tác phẩm gửi về tham dự và trình lên Hội đồng chung khảo.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo cho biết, Giải Báo chí quốc gia là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới báo chí cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hằng năm.

"Năm nay là năm thứ 16 tổ chức giải và cũng là mùa giải đầu tiên trong nhiệm kỳ Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI (2020-2025), với nhiều thành viên mới trong cả Hội đồng giải, Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo. Công việc tổ chức giải được thực hiện nền nếp, bài bản, thu hút được sự tham gia tích cực, hào hứng của các cấp hội, các cơ quan báo chí và hội viên nhà báo, cộng tác viên trong cả nước".

Theo ông Lê Quốc Minh, 2021 là một năm đầy biến động, thử thách đối với giới báo chí cả nước. Hai đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 3 và lần thứ 4 lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách. Mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguồn chất liệu cho báo chí khan hiếm, điều kiện tác nghiệp của nhà báo gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Tuy nhiên, lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua thách thức, thể hiện rõ vai trò xung kích, dấn thân trên tuyến đầu.

Rất nhiều nhà báo đã có mặt tại các điểm nóng, các vùng tâm dịch, sẵn sàng xả thân để có những tác phẩm báo chí có sức lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ, lan tỏa những tấm gương sáng, phổ biến những cách làm hay, góp phần vào thành công chung của đất nước trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19. Cũng vì thế, trong mùa giải lần thứ 16 đặc biệt này, bên cạnh các đề tài truyền thống khác, tác phẩm về đề tài đại dịch COVID-19 chiếm số lượng lớn và chất lượng cũng rất cao.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải Báo chí quốc gia cho biết, đây là năm thứ 5 liên tiếp giải có sự góp mặt của đầy đủ 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố, số lượng tác phẩm gửi về dự giải ở mức cao. Các ban giúp việc của Hội đồng giải đã nỗ lực cố gắng, trong thời gian ngắn triển khai công tác đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu của quy trình tổ chức giải.

"72 ủy viên của Hội đồng sơ khảo chia thành 11 tiểu ban đã làm việc với tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện đúng điều lệ, hướng dẫn và quy chế chấm giải. Hội đồng sơ khảo đã thẩm định, chấm và trình lên Hội đồng chung khảo 152 tác phẩm thuộc 11 loại giải, được lựa chọn từ 1.911 tác phẩm gửi về tham dự", ông Nguyễn Đức Lợi cho biết.

Báo chí đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện lớn, các vấn đề quan trọng của đất nước với những mảng đề tài nổi bật như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội; những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, hướng tới mục tiêu duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế; công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

Đồng thời, các đề tài khác cũng được phản ánh gồm: Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người; công cuộc chuyển đổi số trong các lĩnh vực; công tác an sinh xã hội, công tác giảm nghèo bền vững.

Nhật Nam