Đội tuyển Việt Nam: Chọn ai cho đợt tập trung tháng 9?

Trong đợt tập trung vào giữa tháng 9 tới, đội tuyển Việt Nam chỉ thi đấu giao hữu trên sân nhà, gặp đội tuyển Singapore và có thể là một đội bóng khác nếu như Ấn Độ không thể tới Việt Nam. Đây chính là cơ hội tốt để huấn luyện viên Park Hang-seo tiếp tục làm mới đội tuyển cả về lực lượng lẫn lối chơi…

huan-luyen-vien-park-hang-seo-du-dinh-se-co-nhieu-thay-doi-trong-dot-tap-trung-vao-giua-thang-9-toi-1661487793.jpg
Huấn luyện viên Park Hang-seo dự định sẽ có nhiều thay đổi trong đợt tập trung vào giữa tháng 9 tới

Chỉ đá giao hữu nên ông Park sẽ rộng đường tính toán những phương án thử nghiệm với những thay đổi cả về đội hình, chiến thuật và lối chơi. Không ít lần, đặc biệt sau vòng loại thứ 3 World Cup 2022, ông Park nói tới chuyện phải làm mới đội tuyển để hướng tới mục tiêu trong tương lai. Gần ngay trước mắt chính là AFF Cup 2022, đội tuyển Việt Nam sẽ phải đòi lại ngôi vô địch để mất vào tay Thái Lan tại Singapore hồi năm ngoái. Lẽ dĩ nhiên, để làm mới đội tuyển cần phải có thêm nhiều nhân tố mới. Thật đáng mừng cho ông Park, khi ở V.League 2022 đang xuất hiện rất nhiều gương mặt mới với sự nở rộ của những tài năng trẻ.

Không ít người cho rằng, trong đợt tập trung vào tháng 9 tới, huấn luyện viên Park Hang-seo nên dành thêm cơ hội cho các tân binh thay vì tiếp tục thử nghiệm với những gương mặt cũ. Thực ra, với những cầu thủ kỳ cựu đã từng và đang là trụ cột ở đội tuyển như Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng hay Văn Thanh, Hồng Duy và cả Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải hay Hùng Dũng… năng lực và trình độ đã được kiểm chứng nhiều lần nên ông Park có thể yên tâm sử dụng khi cần. Những thử nghiệm hay các phương án sắp đặt, căn chỉnh vị trí ở đội tuyển nên hướng vào những cầu thủ mới.

v-league-dang-co-nhieu-cau-thu-tre-thi-dau-an-tuong-trong-mau-ao-cac-cau-lac-bo-1661487688.jpg
V.League đang có nhiều cầu thủ trẻ thi đấu ấn tượng trong màu áo các câu lạc bộ

Ở V.League hiện tại, ngoài những gương mặt trẻ đã từng lên tuyển và khẳng định được tài năng như Hoàng Đức, Thanh Bình (Viettel), Văn Hậu, Việt Anh (Hà Nội FC) hay Hồ Tấn Tài (Bình Định)… ông Park đang có rất nhiều lựa chọn với những nhân tố mới như Nhâm Mạnh Dũng, Tuấn Tài (Viettel), Duy Cương, Đình Duy, Phi Hoàng (Đà Nẵng), Xuân Tiến, Văn Cường (Sông Lam Nghệ An) hay Vỹ Hào (Bình Dương), Đình Lâm, Thanh Nhân (Hoàng Anh Gia Lai)… Nếu đội tuyển U23 Việt Nam của huấn luyện viên Gong Oh-Kyun không tập trung cùng lúc trong đợt này, ông Park nên trao cơ hội cho những tài năng trẻ.

Không ít lần, ông Park lo lắng cho hàng công của đội tuyển Việt Nam trong bối cảnh các câu lạc bộ ở V.League đang lệ thuộc nhiều vào các chân sút ngoại thay vì ưu tiên sử dụng tiền đạo nội. Sau khi Anh Đức giải nghệ, đội tuyển quanh quẩn cũng chỉ còn Tiến Linh, Công Phượng, Văn Toàn và mới đây có thêm Tuấn Hải. Chân sút số 1 của đội tuyển đang là Tiến Linh, thời gian gần đây liên tục phải ngồi ngoài vì chấn thương khiến ông Park vô cùng lo lắng. Thực ra, những tiền đạo trẻ ở V.League như Mạnh Dũng, Văn Tùng, Phi Hoàng hay Vỹ Hào… dù chơi tốt ở câu lạc bộ, nhưng khi lên tuyển lại rất khó có cơ hội để cạnh tranh với các chân sút đàn anh.

ong-park-tung-thu-nghiem-chien-thuat-moi-trong-tran-giao-huu-voi-afganistan-nhung-chua-thanh-cong-1661487706.jpeg
Ông Park từng thử nghiệm chiến thuật mới trong trận giao hữu với Afganistan nhưng chưa thành công

Đương nhiên, ông Park có thể thử khi đội tuyển chỉ thi đấu giao hữu với các đối thủ không quá mạnh như Singapore. Vấn đề còn lại nằm ở toan tính của ông Park và Ban huấn luyện, căn chỉnh như thế nào để vừa có thể làm mới đội tuyển lại không gây ra quá nhiều xáo trộn. Như lần tập trung trước vào tháng 6, đội tuyển cũng chỉ đá giao hữu 1 trận trước Afganistan, hiệp 1 đá 3 trung vệ ngon lành sang hiệp 2 ông Park mới thử đá với cặp trung vệ thì lại thấy không xong và đành quay về chơi theo lối cũ. Lần này, chắc chắn huấn luyện viên Park Hang-seo sẽ phải tính toán một cách cặn kẽ hơn để gọi bao nhiêu tân binh lên tuyển và xác định đội hình, đá như thế nào vừa có thu hoạch vừa đúng chất giao hữu.

Đan Phượng