Đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu ở V-League liệu có khả thi?

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood vừa gửi văn bản, đề xuất với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ lo toàn bộ chi phí để đội tuyển U23 Việt Nam tham dự V-League vào năm tới. Một ý tưởng táo bạo nhưng liệu có khả thi?

untitled-1-copy-1656490920.jpg
Các tuyển thủ U23 Việt Nam tập hợp từ nhiều câu lạc bộ

Học viện bóng đá Nutifood vừa tiếp quản hệ thống đào tạo trẻ sau khi Hoàng Anh Gia Lai chấm dứt hợp đồng sau gần 15 năm hợp tác theo mô hình đào tạo của JMG Academy. Phó Chủ tịch Nutifood, ông Lê Nguyên Hòa mới đây đã gửi công văn, đề xuất với VFF sẽ lo toàn bộ chi phí để đội tuyển U23 Việt Nam tham dự V-League trong 3 mùa giải, kể từ năm tới và có thể kéo dài hơn: “Trong nhiều năm qua, chúng tôi cũng liên tục đồng hành cùng nhiều tổ chức thể thao, tài trợ cho nhiều giải bóng đá trong nước và quốc tế. Cũng như nền bóng đá của nhiều quốc gia trên thế giới, đội tuyển U23 thường tập hợp những cầu thủ vừa đạt độ chín trong phong độ lẫn tầm vóc, là lớp kế thừa gần nhất của đội tuyển quốc gia. Sau nhiều năm thi đấu tại các giải trẻ, ở độ tuổi này, các cầu thủ cần sự cọ xát nhiều hơn ở những giải đấu chuyên nghiệp để trưởng thành và hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các cầu thủ U23 Việt Nam chưa thực sự có nhiều cơ hội ra sân ở các giải lớn…

Với mục tiêu trao cơ hội ra sân nhiều hơn cho các cầu thủ U23 quốc gia ở những giải đấu lớn trong nước, Nutifood xin đề xuất VFF xây dựng cơ chế mới, cho phép đội tuyển U23 Việt Nam tham gia tranh tài tại V-League với tư cách là một đội bóng độc lập. Đây là một trong những giải pháp giúp các cầu thủ nhanh chóng trưởng thành và bản lĩnh hơn. Nếu được VFF chấp thuận đề xuất này, Nutifood cam kết là đơn vị tài trợ toàn bộ chi phí cho đội tuyển U23 Việt Nam tham gia V-League. Việc tài trợ này sẽ diễn ra xuyên suốt trong trong vòng 3 năm, kể từ khi VFF có quyết định đồng ‎ý bằng văn bản. Sau thời gian đó, Nutifood sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp chung tay cùng chúng tôi thực hiện mục tiêu xây dựng U23 trở thành nòng cốt của bóng đá Việt Nam.”

Trên thực tế, việc đưa các đội tuyển trẻ thi đấu tại giải vô địch quốc gia đã từng có tiền lệ với mô hình của bóng đá Singapore khi thành lập đội tuyển mang tên Young Lions để thi đấu cùng các câu lạc bộ tại giải vô địch quốc gia từ những năm 2000. Khi đó, Liên đoàn bóng đá Singapore (FAS) đứng ra thành lập đội Young Lions, quy tụ các cầu thủ trẻ trong độ tuổi U19 và đăng ký tham dự giải chuyên nghiệp Singapore như một câu lạc bộ. Tuy nhiên, đây là những cầu thủ do chính FAS tuyển chọn và đào tạo chứ không nằm trong biên chế của các câu lạc bộ. Khác hẳn với U23 Việt Nam, hầu hết các truyển thủ được tuyển chọn từ các câu lạc bộ đang thi đấu ở V-League và giải hạng Nhất, trong đó có không ít cầu thủ đang là trụ cột ở các đội bóng. 

u23-vn-1656491065.jpg

Cụ thể, trong danh sách 23 cầu thủ U23 Việt Nam vừa tham dự Vòng chung kết U23 châu Á 2022, có tới 16 cầu thủ đang thi đấu cho các câu lạc bộ ở V-League, số còn lại cũng đang đầu quân cho các đội hạng Nhất. Mặc dù, ở V-League cầu thủ trẻ ít có cơ hội ra sân, nhưng một số cầu thủ cũng đã khẳng định được vị trí trong đội hình chính như Mạnh Dũng, Thanh Bình, Việt Anh và sắp tới, có thể thêm nhiều gương mặt trẻ được các câu lạc bộ trao cơ hội ra sân tại giải hạng Nhất và V-League. Cái khó của U23 Việt Nam khi biến ý tưởng dự V-League thành hiện thực là hầu hết cầu thủ trẻ trong đội hình U23 Việt Nam đều do chính các câu lạc bộ tuyển chọn và đào tạo, để đáp ứng nhu cầu riêng, nhiều nhất là Hà Nội, Viettel, Hoàng Anh Gia Lai và một số câu lạc bộ đang thi đấu tại giải hạng Nhất. Chính vì vậy, VFF không thể tùy tiện huy động và sử dụng những cầu thủ này để thành lập đội tuyển trẻ thi đấu ở giải đấu vốn chỉ dành cho các câu lạc bộ chuyên nghiệp.

Ngay cả khi VFF nhận được sự hưởng ứng của các câu lạc bộ vốn đang có hệ thống đào tạo trẻ tốt, có thừa điều kiện và nhân lực, thậm chí cho nhiều đội bóng hạng dưới mượn quân thì cũng không loại trừ khả năng sẽ xảy ra xung đột lợi ích với các câu lạc bộ đang dựa nhiều vào nguồn cầu thủ trẻ khi phải san sẻ lực lượng với VFF. Mối quan hệ giữa VFF và các câu lạc bộ sẽ càng trở nên rắc rối và phức tạp khi cầu thủ do các câu lạc bộ đào tạo bỗng dưng bị VFF trưng dụng để thi đấu và cạnh tranh với chính các đội bóng chủ sở hữu. Chưa kể đến những trường hợp gặp phải chấn thương trong thời gian thi đấu cho VFF sẽ giải quyết như thế nào. 

Bóng đá Singapore, Malaysia hay Lào… có đặc thù riêng và không phải điều gì cũng có thể học theo và thu được kết quả tốt. Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) hồi năm 2011 cũng có ý định thành lập đội tuyển Young Tiger dự giải chuyên nghiệp Malaysia hay như Lào cũng có Young Elephants, những năm trước do liên đoàn bóng đá Lào quản lý nhưng vì nhiều lý do cũng đã chuyển giao cho tỉ phú Jason Lim để thành lập câu lạc bộ Young Elephants, góp mặt tại AFC Cup 2022. Với VFF, cần có nhiều phương án và hình thức đầu tư, hỗ trợ hiệu quả cho các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, tạo điều kiện cho các cầu thủ U23 Việt Nam và cả các lứa cầu thủ trẻ khác có cơ hội thi đấu, phát triển tài năng hay huy động các nguồn lực để đứng ra tổ chức và tham gia tranh tài ở các giải đấu dành cho cầu thủ trẻ. Còn với ý tưởng đưa cầu thủ U23 lên đá V-League vào năm tới, VFF cần phải cân nhắc kỹ bởi 10 năm trước, cũng đã từng có đề xuất đưa U22 lên đá V-League 2012 nhưng không nhận được sự  đồng thuận từ câu lạc bộ.

Đan Phượng