Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, vệ sinh môi trường trên địa bàn và kết quả triển khai các nhiệm vụ, dự án, chương trình, kế hoạch, phong trào bảo vệ môi trường tại địa phương. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp xã đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để xét công nhận gia đình văn hóa, các thôn, khu phố, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa...
Ngoài ra, Quy định cũng khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải; việc đầu tư mới các cơ sở xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh theo hướng tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải. Chi phí thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn do chủ nguồn thải trả, Nhà nước bù đắp một phần chi phí xử lý đối với việc vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Khuyến khích áp dụng các công nghệ xử lý chất thải thân thiện với môi trường.
Theo Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn xây dựng và bùn thải trên địa bàn tỉnh: Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành 3 nhóm: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác; chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sau phân loại phải được lưu chứa trong bao bì hoặc thiết bị lưu giữ riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết chất thải hoặc theo quy định hiện hành của pháp luật.
Việc thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn xây dựng phải bảo đảm không được làm rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rỉ và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định.