Đá cầu Cố đô vươn ra sông lớn

Sự đóng góp 4 tấm huy chương vàng của đá cầu Thừa Thiên Huế trong tổng số 8 huy chương vàng đã giúp đá cầu Việt Nam bảo vệ thành công ngôi nhất toàn đoàn tại giải vô địch Đá cầu châu Á và Đá cầu trẻ châu Á năm 2024.

Góp công đầu

5 năm về trước, tại giải vô địch Đá cầu thế giới diễn ra ở Pháp, Nguyễn Thị Thùy Linh (tuyển đá cầu Thừa Thiên Huế) được chọn cùng với đồng đội tham gia giải và đã xuất sắc giành 1 huy chương vàng nội dung 3 nữ, sau khi vượt qua đội Trung Quốc ở trận chung kết. Tấm huy chương này góp công đưa đội tuyển đá cầu Việt Nam đứng nhất toàn đoàn với 5 huy chương vàng và 2 huy chương bạc. Với tấm huy chương vàng giành được, Nguyễn Thị Thùy Linh là vận động viên đã giúp bộ môn đá cầu nói riêng, thể thao Thừa Thiên Huế nói chung lần đầu tiên làm nên lịch sử tại giải đấu cao nhất thế giới.

da-cau-1728026227.jpg

Mới đây, góp mặt tại giải vô địch Đá cầu châu Á và Đá cầu trẻ châu Á năm 2024, được tổ chức vào tháng 8 ngay tại quê hương Thừa Thiên Huế, một lần nữa, cái tên Nguyễn Thị Thùy Linh được xướng danh. Lần này tiếp tục là tấm huy chương vàng đội tuyển nữ và lại có thêm tấm huy chương bạc đôi nữ. Cùng với Thùy Linh, đá cầu Thừa Thiên Huế còn có tấm 3 huy chương vàng của Đinh Hữu Ánh Nguyệt (đội tuyển nữ), Lê Văn Đông (đội tuyển nam) và Lê Thừa Phúc (đội tuyển trẻ). Cũng như Nguyễn Thị Thùy Linh, Lê Thừa Phúc còn có thêm tấm huy chương bạc (đôi nam đội tuyển trẻ).

Giải vô địch Đá cầu châu Á và Đá cầu trẻ châu Á năm 2024 do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Liên đoàn Đá cầu Việt Nam tổ chức, đã góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để các vận động viên đua tài, nâng cao trình độ chuyên môn, đóng góp cho sự phát triển đá cầu châu Á và Việt Nam.

Giải đấu tại Thừa Thiên Huế năm 2024 thu hút sự tham gia của gần 240 vận động viên đến từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các vận động viên tham gia thi đấu ở 7 nội dung: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đội 3 nam, đội 3 nữ; ở 2 lứa tuổi vô địch và vô địch trẻ. Nỗ lực thi đấu, đội tuyển đá cầu Việt Nam đã bảo vệ thành công ngôi nhất toàn đoàn với 8 huy chương vàng và 6 huy chương bạc. Xếp thứ hai là đội Trung Quốc với 3 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và 5 huy chương đồng. Đứng ở vị trí thứ ba là đội Hong Kong (Trung Quốc) với 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 10 huy chương đồng. Với sự đóng góp 4 tấm huy chương vàng trong tổng số 8 huy chương vàng của tuyển đá cầu Việt Nam, đá cầu Thừa Thiên Huế thêm một lần nữa lập nên kỳ tích tại giải đấu lớn mang tầm châu lục này.

Thế mạnh

Không phải ngẫu nhiên mà Thừa Thiên Huế được Liên đoàn Đá cầu Việt Nam cho phép đăng cai tổ chức giải vô địch Đá cầu châu Á và Đá cầu trẻ châu Á năm 2024. Tuy còn khá non trẻ và gặp nhiều khó khăn, nhưng Đá cầu đã là môn thể thao gặt hái được nhiều thành công trên các đấu trường trong nước và quốc tế. Cùng với Judo, cờ Tướng, Bắn cung, Cầu lông và Bóng đá, Đá cầu được xếp vào bộ môn trọng điểm nhóm 2 của thể thao Thừa Thiên Huế được tập trung đầu tư. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để Đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục vươn cao.

thua-thien-2-1728026271.jpg

Thành công của Đá cầu Thừa Thiên Huế gắn liền với tên tuổi của huấn luyện viên Nguyễn Văn Hiền. Ông Hiền vốn là cầu thủ bóng đá. Ngay từ năm 2001, khi còn thi đấu trong màu áo đội tuyển quê hương, ông Hiền đã được xét vào biên chế ngạch hướng dẫn viên (giúp việc cho các huấn luyện viên). Năm 2006, kết thúc sự nghiệp cầu thủ, bản thân được phân công làm huấn luyện viên bộ môn Đá cầu tại Trung tâm Đào tạo Huấn luyện Thể dục thể thao Thừa Thiên Huế (nay là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao).

Dấu mốc của Đá cầu Thừa Thiên Huế khi vào năm 2011, đội tuyển đá cầu gặp một số biến cố và khó khăn về mặt nhân sự, huấn luyện viên Nguyễn Văn Hiền được điều động làm Quyền trưởng bộ môn để xây dựng lại đội tuyển (năm 2013 chính thức là Trưởng bộ môn). Bắt đầu với cái khó, huấn luyện viên Nguyễn Văn Hiền xác định học tập từ thất bại và chỉ sau 3 năm, tại giải vô địch trẻ toàn quốc năm 2015, tuyển đá cầu Thừa Thiên Huế ghi lại tên của mình trên bản đồ thành tích với 10 huy chương các loại (3 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 3 huy chương đồng). Từ dấu mốc này, huấn luyện viên Nguyễn Văn Hiền tìm được “lối đi” cho đội tuyển, liên tục gặt hái thành tích từ đó cho đến nay.

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, Đá cầu Thừa Thiên Huế xếp thứ ba với 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 3 huy chương đồng. Tấm huy chương vàng danh giá thuộc về đôi nữ Nguyễn Thị Thùy Linh/Phan Thị Tuyết. Đây là một trong 3 cặp đôi nữ được đánh giá mạnh nhất hiện nay của đá cầu nữ Việt Nam. Thành tích đứng vị trí thứ hai toàn đoàn tại giải vô địch Đá cầu cá nhân Quốc gia năm 2024 và góp phần thống trị tại giải vô địch Đá cầu châu Á và Đá cầu trẻ châu Á năm 2024, một lần nữa khẳng định sức mạnh của bộ môn thể thao Đá cầu Thừa Thiên Huế, đặc biệt là đá cầu nữ. Theo huấn luyện viên Nguyễn Văn Hiền, tất cả vận động viên đang ở độ trẻ và chín trong sự nghiệp. Tuy kinh nghiệm cần được tích lũy thêm nhưng ở nhiều thử thách đã qua, các vận động viên đã chứng tỏ được phong độ ổn định, đáng được tin yêu và gửi gắm hy vọng.