Sau Hội thảo góp ý xây dựng “Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046” do Cục Thể dục thể thao Việt Nam phối hợp chủ trì xây dựng đã được các nhà khoa học hàng đầu cả nước, các nhà quản lý thể thao đặc biệt quan tâm. Nhiều môn thể thao đã tiếp nhận ý kiến để tính toán xem cần lựa chọn và đầu tư trọng điểm như thế nào. Trong số này Cử tạ được ngành Thể thao tiếp tục kỳ vọng là chủ lực để đầu tư trọng điểm hiện thực thành tích tốt nhất trong các kỳ Olympic tới đây.

Sau tấm huy chương bạc tại Olympic 2008 tại Bắc Kinh, Cử tạ luôn được xếp là môn thể thao trong điểm và được xác định là một trong những môn thể thao thành tích cao, có khả năng giành huy chương ở các kỳ Olympic và ASIAD. Thực tế chứng minh rằng, Cử tạ thực sự là môn có khả năng giành huy chương tại các kỳ Á vận hội, Thế vận hội (chủ yếu là các hạng cân nhẹ).
Và tại Olympic 2012 Lon don, Cử tạ Việt Nam đã giành tấm huy chương đồng. Rất tiếc đến Olympic 2020 tại Tokyo, sau khi dự vòng loại cuối cùng trở về (tháng 4/2020), các thành viên đội tuyển bị cách ly COVID-19 hơn 45 ngày. Tại địa điểm cách ly, do không được tập luyện, không chăm sóc y tế, dinh dưỡng nên mặc dù đã thi đấu xuất sắc vượt qua vòng loại và xác định có khả năng tranh chấp huy chương, xong do bị ngắt quãng giai đoạn chuẩn bị tích cực trước thi đấu nên vận động viên của chúng ta chỉ xếp hạng 4 chung cuộc.
Sau thành tích thi đấu không được như kỳ vọng tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) và Thế vận hội Olympic Paris (Pháp) 2024, các nhà quản lý môn Cử tạ gặp áp lực đáng kể, nhất là trong bối cảnh các đối thủ mạnh từ: Thái Lan, Indonesia, Philippines luôn áp đảo. Chính vì vậy, Ban huấn luyện đội tuyển cử tạ Việt Nam đang tích cực thay đổi nhằm nỗ lực lấy lại vị thế cho Cử tạ Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Thành tích của Cử tạ ở các kỳ Đại hội Thể thao lớn, như Olympic, ASIAD không ổn định, nguyên nhân về cơ bản đã được tổng hợp chung trong Dự thảo “Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Đại hội ASIAD, Olympic giai đoạn 2026-2046”.
Cử tạ là môn thể thao sức mạnh, sau mỗi buổi tập nhất là các buổi tập với lượng vận động tối đa (giai đoạn thi đấu) đòi hỏi sự chăm sóc hồi phục là cực kỳ quan trọng. Hồi phục không chỉ đơn giản đáp ứng về dinh dưỡng, mà hồi phục của vận động viên còn đòi hỏi thư giãn hồi phục về cơ bắp, và hồi phục về thần kinh để có giấc ngủ sâu.
Do chúng ta chưa có hệ thống máy móc hiện đại về chăm sóc vận động viên; chưa có đội ngũ chăm sóc y tế chuyên nghiệp, để giúp hệ thống cơ bắp của vận động viên đang bị căng cứng sau các bài tập nặng nhanh chóng trở lại trạng thái thư giãn. Điều này làm giúp vận động viên tránh chấn thương đồng thời có thể tập luyện với khối lượng lớn ở buổi tập tiếp theo.
Chúng ta đều biết rằng, thành tích thể thao phụ thuộc nhiều yếu tố năng lực của vận động viên, các điều kiện đảm bảo: huấn luyện viên; cơ sở tập luyện; dinh dưỡng; chăm sóc hồi phục, y tế; khoa học, kỹ thuật….
Hiện Cử tạ Việt Nam đã có những vận động viên trẻ giành nhiều huy chương vàng quốc tế, thậm chí còn đang giữ kỷ lục châu lục, thế giới ở hạng cân nhỏ lứa tuổi thanh tiềm năng. Xong thành tích của họ không thể có những đột phá (như các vận động viên cùng hạng cân của Trung Quốc, Triều Tiên, Indonesia, Thái Lan và gần đây là Phippines) để có thể đứng trong tốp tranh huy chương ở các kỳ Đại hội lớn một cách chắc chắn thì cần xem xét mọi mặt một cách nghiêm túc.

Chính vì vậy, làm thế nào để đạt mục tiêu huy chương ASIAD và Olympic trong chiến lược phát triển Cử tạ Việt Nam giai đoạn 2026-2046, đại diện môn Cử tạ đã đóng góp một số ý kiến về giải pháp chiến lược cho phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046.
Theo đó, bước đầu cần xây dựng lực lượng vận động viên trọng điểm cho giai đoạn 5 năm đầu tiên (2026-2030), để phục vụ mục tiêu 3 kỳ SEA Games (2025; 2027; 2029); 2 kỳ Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD 2026-2030) và 1 kỳ Thế vận hội Olympic 2028. Danh sách vận động viên trọng điểm cũng được gồm 12 vận động viên (6 nam và 6 nữ) - đây là các vận động viên đang có thành tích tốt ở trong nước và quốc tế và vận động viên nhiều tuổi nhất là 24 còn người ít tuổi nhất là 15.
Song song với đó, bộ môn Cử tạ tuyển chọn 12-16 vận động viên tài năng cho mục tiêu 10-15 năm tiếp theo (giai đoạn 2030-2046). Theo đó, 5 năm đầu giai đoạn này cần lựa chọn trong số vận động viên trọng điểm để tuyển chọn 4-6 vận động viên thật xuất sắc cho mục tiêu huy chương cho các kỳ: ASIAD 2034, ASIAD 2038 và Olympic 2036, Olympic 2040… Số vận động viên còn lại phục vụ cho các mục tiêu SEA Games và các nhiệm vụ quốc tế khác.

Theo chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh chia sẻ, trong bối cảnh Cử tạ thế giới liên tục đổi mới về hạng cân thi đấu, Cử tạ Việt Nam cũng cần có đầu tư đường dài với chiến thuật rõ ràng. Chưa kể, từ tháng 6 tới đây, Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) chính thức áp dụng tổ chức thi đấu nhóm nội dung mới, giảm từ 10 xuống còn 8 nội dung và không còn hạng cân dưới 60 cho vận động viên cử tạ nam. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho chúng ta trong việc giành thành tích. Bởi từ trước tới nay, đây là hạng cân thế mạnh của đội tuyển. Do vậy, Cử tạ Việt Nam cần dốc sức chuẩn bị cho sự thay đổi này, tích cực tìm kiếm các tài năng trẻ, có tiềm năng, bổ sung vào đội hình để phù hợp hơn với quy định thi đấu quốc tế.
Theo đó, hạng cân được tổ chức dành cho nam gồm: 60kg, 65kg, 71kg, 79kg, 88kg, 98kg, 110kg và trên 110kg. Nhóm nội dung dành cho nữ sẽ là: 48kg, 53kg, 58kg, 63kg, 69kg, 77kg, 86kg, và trên 86kg.
Ông Nguyễn Huy Hùng - Phụ trách bộ môn Cử tạ (Cục Thể dục thể thao Việt Nam) - cho biết: Năm 2025 là thời điểm bản lề để chuẩn bị lực lượng dành cho đấu trường ASIAD 20 - 2026 và xa hơn là thi đấu vòng loại Olympic 2028. Mục tiêu trọng tâm của Cử tạ Việt Nam là giành kết quả tốt nhất tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2025 - SEA Games 33, đồng thời tìm ra những gương mặt có triển vọng để đầu tư, tập huấn cho mục tiêu dài hơi.
Để chuẩn bị cho chiến lược này ngay từ đầu tháng 1/2025, đội tuyển cử tạ Việt Nam đã tập trung với 38 gương mặt có phong độ tốt nhất. Các vận động viên được chia theo từng tổ, tập luyện tại 3 địa điểm: Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Trung tâm Huấn luyện Vận động viên trẻ Quốc gia tại Đà Nẵng. Được biết, đây đều là lực lượng vận động viên trẻ và vận động viên kinh nghiệm trong đó quy tụ đầy đủ các lực sĩ chủ lực hiện nay như: Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Trần Anh Tuấn, Lại Gia Thành, Quàng Thị Tâm, Phạm Thị Hồng Thanh, Đinh Xuân Hoàng, Đỗ Tú Tùng, Bùi Tuấn Anh… Bên cạnh đó là những tài năng trẻ (15-16 tuổi) vừa được phát hiện như: lực sĩ A Tiêu (61kg nam), K’Dương (55kg)… được đánh giá có thể kế cận lứa đàn anh tại đội tuyển quốc gia làm nhiệm vụ quốc tế trong thời gian tới.

Hiện tại, Cử tạ Việt Nam có nhiều vận động viên trẻ (hạng nhẹ) có thành tích rất xuất sắc tại các giải quốc tế: Ngô Sơn Đỉnh (sinh năm 2001), huy chương vàng Olympic trẻ 2018 tại Buenos Aires - Argentina; K’Dương (sinh năm 2007), huy chương vàng, kỷ lục hạng cân 55kg giải Thanh thiếu niên thế giới 2024, Trần Minh Trí (sinh năm 2004), huy chương vàng trẻ châu Á 2024…
Sớm kiện toàn phương án tìm thuê chuyên gia phù hợp tới Việt Nam làm việc cũng được giới chuyên môn đặc biệt quan tâm. Năm 2025, đội tuyển cử tạ Việt Nam tập trung huấn luyện thường xuyên 38 lực sỹ thuộc đội tuyển quốc gia và 62 lực sĩ thuộc đội tuyển trẻ quốc gia. Chỉ đạo chuyên môn các tuyển thủ đang là huấn luyện viên Việt Nam. Chúng ta có 1 chuyên gia tại điểm tập ở Cần Thơ là bà Daniela Samuilova Kerkelova (Bulgaria). Tuy nhiên, nhóm lực sĩ chủ lực của đội tuyển cử tạ Việt Nam không có chuyên gia từ nhiều năm trở lại đây.
Không phủ nhận tâm huyết làm nghề từ huấn luyện viên nội khi tập trung đội tuyển cử tạ Việt Nam, tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế, tại 3 kỳ Olympic gần nhất (2016, 2020, 2024), Cử tạ Việt Nam đều thất bại. Qua từng lần thi đấu, nhóm lực sĩ hàng đầu của chúng ta như: Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên, Trịnh Văn Vinh đều rơi tạ khi vào cuộc đấu quyết định ở Olympic. Vì lẽ đó, muốn đạt được huy chương tại đấu trường Olympic trong giai đoạn 2026-2046 thì Cử tạ Việt Nam phải quyết liệt hơn về cách đầu tư và xác định mục tiêu trọng điểm ngay từ bây giờ.