Cơ hội ''vàng'' cho du lịch Thủ đô

Từ ngày 13 đến 15/5, Lễ hội du lịch Hà Nội 2022 với chủ đề “Hà Nội - Đến để yêu” diễn ra tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ, Nhà bát giác và một số khu vực thuộc không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Sự kiện được tổ chức vào đúng dịp Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 diễn ra ở Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố khác, được cho là cơ hội “vàng” để quảng bá, giới thiệu du lịch Thủ đô tới bạn bè quốc tế.

dau-chan-1652408438.jpg
Tour xe đạp “Dấu chân làng cổ Bát Tràng” - sản phẩm mới của Tổng công ty Du lịch Hà Nội.

Dấu ấn tinh hoa

Lễ hội du lịch Hà Nội 2022: “Hà Nội - Đến để yêu”, do UBND thành phố Hà Nội giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức, dự kiến có 100 gian hàng, tập trung quảng bá nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, mới lạ của Hà Nội. Lễ hội tổ chức ngay sau một loạt sự kiện khởi động mở cửa trở lại du lịch Hà Nội, góp phần tạo luồng không khí tươi mới, hấp dẫn cho du lịch Thủ đô, nhất là vào thời điểm SEA Games 31 đang diễn ra tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận.

Tại lễ hội năm nay, các đơn vị tham gia tập trung quảng bá, giới thiệu nhiều sản phẩm phong phú, mang dấu ấn văn hóa, du lịch Thủ đô. Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) có 10 gian hàng gây ấn tượng bởi mô hình về phố cổ Hà Nội. Đến với lễ hội, đơn vị đã chuẩn bị nhiều sản phẩm du lịch mới, trong đó đáng chú ý là sản phẩm xe đạp “Dấu chân làng cổ Bát Tràng” và các tour quốc tế với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá. Trong khi đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long “trình làng” mô hình lá bồ đề và sản phẩm tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” với chương trình khuyến mại, giảm giá vé 30%, chỉ còn 100 nghìn đồng/người. Bảo tàng Hà Nội góp mặt trong lễ hội với tiểu cảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trưng bày, giới thiệu những thông tin mới nhất về các gian trưng bày tại bảo tàng.

Không gian giới thiệu về làng nghề có sự tham gia của các nghệ nhân Hà Nội, với nhiều đồ thủ công, quà tặng hấp dẫn dành cho du khách. Chi hội trưởng Chi hội làng nghề - làng cổ - làng văn hóa (Hiệp hội Du lịch Hà Nội) Nguyễn Văn Sử thông tin, chi hội tham gia 5 gian hàng, gồm: Lược sừng Thụy Ứng, tranh thêu truyền thống, sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), nón làng Chuông (huyện Thanh Oai)… “Bên cạnh dòng sản phẩm quen thuộc: Lược, vòng đeo tay, làng nghề Thụy Ứng còn giới thiệu nhiều sản phẩm mới, đó là các dụng cụ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe”, ông Nguyễn Văn Sử cho biết.

Còn theo nghệ nhân sơn mài Nguyễn Thị Hồi, cơ sở sản xuất sơn mài Hạ Thái sẽ giới thiệu những bức tranh sơn mài về Hà Nội, như: Biểu tượng chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tháp Rùa…

Cơ hội quảng bá, thu hút du khách

Cùng với nhiều sự kiện, hoạt động du lịch diễn ra tại Hà Nội dịp SEA Games 31, Lễ hội du lịch Hà Nội 2022 được đánh giá là cơ hội “vàng” để giới thiệu điểm đến du lịch Thủ đô tới bạn bè các nước. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ánh Dương chia sẻ, lễ hội này là dịp để các doanh nghiệp du lịch kết nối và phát triển thị trường, mở rộng liên doanh, liên kết, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, thúc đẩy việc phục hồi và tăng trưởng du lịch.

Năm nay, không gian kích cầu du lịch sẽ diễn ra tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ và phố Đinh Tiên Hoàng, có sự tham gia của các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch với nhiều chương trình hấp dẫn. Cùng với Hà Nội, lễ hội còn có sự góp mặt của 9 tỉnh tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch Việt Nam tới du khách và bạn bè quốc tế, là: Yên Bái, An Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Giang, Lai Châu, Phú Thọ. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Quảng Nam Phan Văn Tú cho biết, là địa phương đang đăng cai Năm Du lịch quốc gia, tỉnh Quảng Nam mang đến Lễ hội du lịch Hà Nội năm 2022 gian hàng được trang trí bằng đèn lồng và nhiều thông tin về các sản phẩm, chương trình hấp dẫn đang diễn ra tại Quảng Nam.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố, Lễ hội du lịch Hà Nội năm 2022 được tổ chức với nhiều điểm mới, ấn tượng hơn mọi năm, đáng chú ý là việc áp dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá điểm đến du lịch. Theo đó, lễ hội có không gian thiết kế các tiểu cảnh 2D, 3D mô hình Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thành cổ Sơn Tây, di tích Nhà tù Hỏa Lò... để du khách check-in. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh du lịch cũng giới thiệu nhiều ứng dụng công nghệ số để du khách trải nghiệm.

Lễ hội du lịch Hà Nội năm 2022 được tổ chức đúng vào thời điểm SEA Games 31 đang diễn ra tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố khác. Hà Nội dự kiến đón hàng nghìn vận động viên, huấn luyện viên, quan chức từ các quốc gia Đông Nam Á tham dự và hàng chục nghìn khách du lịch đến để cổ vũ, tham quan du lịch trong dịp này. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh, để các hoạt động, sự kiện phát huy được hiệu quả cao trong việc thu hút du khách, nhất là khách quốc tế, Hà Nội cần làm tốt công tác tổ chức, xây dựng sản phẩm du lịch mới có tính đặc thù, phù hợp với nhiều dòng khách; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để tận dụng được lượng khách quốc tế đang tham dự SEA Games 31, tạo tiền đề thu hút du khách đến từ các quốc gia Đông Nam Á trong thời gian tới.

L.Hoàng