Các tay vợt sẽ không được tính điểm, Wimbledon trở thành giải giao hữu quy mô lớn

Hiệp hội Quần vợt nam (ATP) và Hiệp hội Quần vợt nữ (WTA) đã cùng nhau đi đến quyết định sẽ không tính điểm cho các tay vợt tham dự giải quần vợt Wimbledon năm nay, theo đó, việc họ có đạt thành tích thế nào cũng không ảnh hưởng tới vị trí trên bảng xếp hạng ATP cũng như WTA. Và như vậy, Wimbledon từ một giải Grand Slam danh giá sẽ chỉ còn là một giải giao hữu quy mô lớn…

wim-1653118287.jpg

Nguyên nhân dẫn tới sự “tẩy chay” của ATP và WTA đối với Wimbledon xuất phát từ việc Ban tổ chức quyết định loại các tay vợt Nga và Belarus khỏi giải đấu này. Đây là lần đầu tiên Wimbledon loại các tay vợt vì lý do quốc tịch của họ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi các tay vợt Đức và Nhật Bản bị cấm. Ban tổ chức Wimbledon cho đến giờ vẫn bảo vệ lập trường của họ, rằng lệnh cấm là lựa chọn khả thi duy nhất theo hướng dẫn của chính phủ Anh liên quan tới chính sách tẩy chay Nga và Belarus vì hành động quân sự của Nga tại Ukraine.

Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) cũng cho biết, họ sẽ không cấp điểm xếp hạng cho Wimbledon năm nay đối với các nội dung quần vợt dành cho lứa tuổi trẻ và quần vợt xe lăn.

Phát biểu bày tỏ thái độ trước phản ứng từ ATP, WTA và ITF, Ban tổ chức Wimbledon cho biết: "Chúng tôi vẫn không sẵn sàng chấp nhận việc thành công hoặc tham dự Wimbledon được sử dụng để mang lại lợi ích cho bộ máy tuyên truyền của chế độ Nga. Do đó, chúng tôi muốn bày tỏ sự thất vọng sâu sắc của chúng tôi trước các quyết định của ATP, WTA và ITF trong việc loại bỏ điểm trên bảng xếp hạng của các tay vợt. Chúng tôi tin rằng những quyết định này là không phù hợp trong bối cảnh hoàn cảnh đặc biệt và khắc nghiệt của tình huống hiện nay, đồng thời gây tổn hại cho tất cả các tay vợt thi đấu tại giải”.

Lệnh cấm của Wimbledon đã loại một loạt các tay vợt hàng đầu, bao gồm tay vợt nam số 2 thế giới Daniil Medvedev và tay vợt nữ người Belarus từng lọt vào bán kết năm ngoái, Aryna Sabalenka, cũng như tay vợt từng hai lần vô địch là Victoria Azarenka. “Các quy tắc của chúng tôi tồn tại nhằm bảo vệ toàn bộ quyền lợi của người chơi. Những quyết định đơn phương như trên, nếu không được giải quyết, sẽ đặt ra một tiền lệ có hại cho các giải đấu khác"- ATP lập luận. Đồng tình với quan điểm này, giám đốc điều hành WTA, Steve Simon, nhấn mạnh, tổ chức của ông có quy tắc là "các vận động viên tham gia một môn thể thao thành tích cá nhân không nên bị trừng phạt chỉ vì quốc tịch của họ hoặc các quyết định của chính phủ nước họ".

Bộ trưởng văn hóa, truyền thông và thể thao của Vương quốc Anh, bà Nadine Dorries tuyên bố, ủng hộ quyết định của Ban tổ chức Wimbledon và sẽ sát cánh với tổ chức này để "bảo vệ lẽ phải". "Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc về quyết định ngày hôm nay và kêu gọi ATP xem xét lập trường của mình về điểm xếp hạng tại giải Wimbledon", bà Dorries nói.

Trên thực tế, lệnh cấm của Wimbledon không nhận được sự ủng hộ trong giới quần vợt. Nhiều tay vợt hàng đầu thế giới đã lên tiếng phản đối ngay sau khi Wimbledon công bố quyết định của mình. "Thật không công bằng cho các đồng nghiệp người Nga của tôi. Cuộc chiến đang diễn ra không phải do lỗi của họ"- Rafael Nadal, người từng 2 lần vô địch Wimbledon và 21 lần vô địch Grand Slam, chia sẻ quan điểm sau khi Wimbledon công bố lệnh cấm hồi cuối tháng 4.

Khẳng định lập trường của mình là không thay đổi, đại diện ATP nói: “Khả năng cho các tay vợt thuộc bất kỳ quốc tịch nào tham gia các giải đấu dựa trên thành tích và không có sự phân biệt đối xử là điều cơ bản đối với Tour của chúng tôi. Quyết định của Wimbledon cấm các tay vợt Nga và Belarus thi đấu tại Anh làm suy yếu nguyên tắc này và tính toàn vẹn của hệ thống xếp hạng ATP. Nó cũng không phù hợp với thỏa thuận về Bảng xếp hạng của chúng tôi. Không có sự thay đổi về hoàn cảnh, chúng tôi vô cùng tiếc nuối và miễn cưỡng khi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc loại Wimbledon năm 2022 khỏi hệ thống tính điểm xếp hạng ATP”.

Hoàng Minh