Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"

Mang tiếng là chuyên nghiệp, nhưng ở V.League không ít câu lạc bộ vẫn đang phải dựa dẫm vào nguồn ngân sách hỗ trợ từ các địa phương, có khi lên đến vài chục tỷ đồng mỗi mùa giải. SHB Đà Nẵng cũng không phải ngoại lệ khi vừa xin rút đội U17 SHB Đà Nẵng, không tham dự vòng chung kết U17 Quốc gia 2022 với lý do… không nhận được tiền hỗ trợ từ thành phố.

shb-da-nang-co-nhieu-cau-thu-tre-tai-nang-nhung-khau-dao-tao-tre-lai-dang-gap-kho-1661484305.jpg
SHB Đà Nẵng có nhiều cầu thủ trẻ tài năng nhưng khâu đào tạo trẻ lại đang gặp khó

Câu lạc bộ bóng đá Đà Nẵng được bầu Hiển thâu tóm từ năm 2008 và đổi tên thành SHB Đà Nẵng. Ngay sau đó, câu lạc bộ đã chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty Cổ phần Thể thao SHB Đà Nẵng, ra mắt vào ngày 2/2/2009 với vốn điều lệ trên 55 tỉ đồng, trong đó ông bầu Đỗ Quang Hiển và một số cá nhân khách của ngân hàng SHB nắm giữ quyền chi phối, nắm giữ tới 61% cổ phần. Mãi tới năm 2012, trước nhiều ý kiến cho rằng việc một ông bầu nắm giữ nhiều đội bóng cùng thi đấu ở V.League vi phạm Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, đại diện hai câu lạc bộ là SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T mới tuyên bố bầu Hiển đã rút hết cổ phần tại Công ty cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng và Công ty cổ phần thể thao Hà Nội T&T.

Nói lại chuyện cũ để thấy, câu lạc bộ SHB Đà Nẵng dù đã chuyển đổi hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp từ hơn chục năm trước, có tư cách pháp nhân, tài chính hoàn toàn độc lập nhưng giờ mới lòi ra chuyện, hàng năm vẫn xin tiền hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng để nuôi cầu thủ trẻ. Giờ thành phố không xoay được tiền để giải ngân cho khoản đào tạo trẻ của câu lạc bộ nên mới có chuyện xin rút đội U17 SHB Đà Nẵng khỏi vòng chung kết U17 toàn quốc. Quy chế bóng đá chuyên nghiệp quy định, các câu lạc bộ tham dự giải chuyên nghiệp phải có hệ thống đào tạo trẻ, hoặc liên kết với các học viện bóng đá để duy trì các lứa cầu thủ trẻ từ U9 đến U21 (U9, U11, U13, U15, U17, U19, U21) nên dù thành phố Đà Nẵng có hỗ trợ hay không thì câu lạc bộ vẫn phải làm đúng Quy chế mới được cấp phép hoạt động.

da-nang-vua-dang-cai-vong-chung-ket-u13-toan-quoc-nhung-lai-khong-du-kinh-phi-cho-doi-u17-du-vong-chung-ket-1661484390.gif
Đà Nẵng vừa đăng cai vòng chung kết U13 toàn quốc, nhưng lại không đủ kinh phí cho đội U17 dự vòng chung kết

Thực ra, chuyện đội U17 SHB Đà Nẵng không tham dự Vòng chung kết U17 Quốc gia 2022 không đơn giản chỉ vì tiền mà còn vì thói quen dựa dẫm vào nguồn kinh phí từ chính quyền địa phương. Mỗi năm, câu lạc bộ SHB Đà Nẵng được ngân hàng SHB tài trợ khoảng 60 tỷ đồng, thành phố Đà Nẵng cho thêm 20 tỷ đồng cộng thêm một số khoản thu khác, cũng có được trên dưới 90 tỷ đồng để duy trì hoạt động. Hai năm qua, do dịch COVID-19, nguồn hỗ trợ từ ngân sách thành phố gặp khó khăn và từ năm 2021, khoản hỗ trợ đào tạo trẻ cho câu lạc bộ SHB Đà Nẵng đã không được giải ngân.

Lãnh đạo Sở Văn hóa và thể thao Đà Nẵng cho rằng: Câu lạc bộ Đà Nẵng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân độc lập. Đó là một đơn vị xã hội hóa, kinh phí nhiều hay ít là do họ tính toán chứ cơ quan quản lý nhà nước làm sao can thiệp được. Tất nhiên, đội U17 SHB Đà Nẵng bỏ không tham dự vòng chung kết cũng làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bóng đá thành phố, nhưng Sở cũng không thể cấp kinh phí hỗ trợ cho câu lạc bộ.

Cũng vì lý do không có kinh phí, trước đó SHB Đà Nẵng đã quyết định không tham dự giải U9 toàn quốc tại Đắc Lắc và không loại trừ khả năng sẽ bỏ luôn giải U21 quốc gia vào cuối năm nay.

Năm ngoái, Than Quảng Ninh đã tự giải tán sau thời gian dài gặp khó khăn về tài chính dẫn tới nợ nần chồng chất. Ở V.League hiện tại, nhiều câu lạc bộ tuy gắn mác chuyên nghiệp nhưng vẫn chưa cai được “nguồn sữa” từ ngân sách các địa phương. Đến ngay cả SHB Đà Nẵng, dù đã chuyển đổi hoạt động sang mô hình chuyên nghiệp từ mười mấy năm trước mà vẫn đang phải bấu víu vào tiền hỗ trợ từ thành phố.

Thật đáng buồn!

Việt Hưng