Bình Định nhất toàn đoàn giải vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33

Sau 8 ngày tranh tài, giải vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33 năm 2024 đã kết thúc. Lễ bế mạc và trao thưởng vừa được tổ chức tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Gia Lai. 

Khởi tranh từ ngày 17 đến 24/9, giải Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33 do Cục Thể dục thể thao phối hợp với Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Gia Lai tổ chức thu hút gần 700 trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên của 32 đoàn các tỉnh, thành, ngành trong cả nước tham gia. Theo nhận định của giới chuyên gia, đây là giải đấu quốc gia có quy mô lớn và chất lượng chuyên môn cao nhất từ trước đến nay của bộ môn này. Cụ thể, giải quy tụ gần 500 vận động viên (đông nhất so với các năm trước), áp dụng rất nhiều điểm mới trong thể thức thi đấu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong việc cạnh tranh huy chương giữa các vận động viên, nội dung thi và các đoàn.

vo-1727318521.jpg
Vận động viên tranh tài tại giải

Trong đó, thay đổi lớn nhất là tăng độ tuổi và hạng cân thi đấu ở nội dung Đối kháng. Với việc áp dụng Luật thi đấu mới được sửa đổi, bổ sung của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, Ban Tổ chức giải nâng giới hạn độ tuổi quy định từ 17 đến 40 tuổi (quy định cũ là từ 18 đến 35 tuổi); hạng cân thi đấu đối kháng cũng được tăng thêm với sự chênh lệch giữa mỗi hạng cân từ 3 đến 5kg (thay vì 5kg như trước kia). Ở nội dung thi đấu Quyền thuật, độ tuổi quy định giải năm nay từ 17 đến 40 tuổi (quy định cũ từ 18 trở lên, không giới hạn). Ngoài ra, Ban Tổ chức đã bổ sung các nội dung thi đấu mới với 2 hạng tuổi tham gia thi đấu là từ 41 đến 50 tuổi và từ 51 đến 60 tuổi. Với sự bổ sung này, giải cho phép các võ sư tham gia tranh tài với tư cách vận động viên. Do đó, đã có 58 võ sư tham gia thi đấu các nội dung biểu diễn quyền thuật. Sự xuất hiện của các võ sư với những màn trình diễn kỹ năng võ thuật điêu luyện trên sàn đấu không chỉ tạo sự phấn khích cho lứa vận động viên trẻ, mà còn là hiện thân cho những giá trị truyền thống, cầu nối giữa các thế hệ trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Thể thức thi đấu nội dung Quyền thuật cũng có nhiều điểm mới. Cụ thể, Ban Tổ chức áp dụng thể thức đấu loại trực tiếp một lần thua (thay đổi so với cách tính điểm xếp hạng so với trước đây). Vận động viên giành huy chương vàng có thể phải thi đấu tối đa 3 lần và số huy chương đồng cũng được tăng lên từ 1 thành 2 huy chương cho mỗi nội dung tùy thuộc vào số lượng người tham dự. Chính việc áp dụng Luật thi đấu mới vừa được sửa đổi, bổ sung của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam đã khiến sự cạnh tranh huy chương giữa các đoàn diễn ra gay cấn.

trao-giai-1727318561.jpg
Ban Tổ chức trao giải nhất, nhì, ba toàn đoàn

Kết thúc giải, ở nội dung Đối kháng, các vận động viên giới hạn lứa tuổi từ 17-40 tranh tài ở các hạng cân nam - nữ tương ứng với 25 bộ huy chương. Ở nội dung này, đoàn Bình Định giành giải nhất toàn đoàn, đoàn Đà Nẵng giành giải nhì, đoàn Thanh Hóa giành giải ba.

Ở nội dung Quyền thuật, các vận động viên được chia làm 3 lứa tuổi gồm: từ 17-40, 41-50 và 51-60 với tổng cộng 87 bộ huy chương. Đoàn Bình Định tiếp tục khẳng định vị trí đứng đầu toàn đoàn, đoàn thành phố Hồ Chí Minh đứng vị trí thứ hai và vị trí thứ ba thuộc về đoàn Quân đội.

Giải đấu nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và hướng tới Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN về thể thao và các Hội nghị liên quan tổ chức vào tháng 10/2024 tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho các vận động viên cọ xát trình độ, các đơn vị giao lưu, học tập kinh nghiệm, góp phần thúc đẩy phong trào võ thuật nói riêng và thể thao nói chung phát triển.

Lê Minh