Bảo vệ môi trường - chủ đề luôn được đặc biệt quan tâm tại SEA Games

Phát biểu tại bữa ăn tối với hơn 4.000 vận động viên Campuchia ở Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Đảo Kim Cương hôm 10/4 vừa qua, ông Hun Sen - Thủ tướng Campuchia - đã yêu cầu chính quyền thủ đô tăng cường chất lượng dịch vụ công, trật tự xã hội, mỹ quan, vệ sinh và môi trường trước thềm SEA Games 32 và ASEAN Para Games lần thứ 12. 

sg32-1681712863.jpg
Thủ tướng Hun Sen phát biểu tại bữa ăn tối với hơn 4.000 vận động viên Campuchia ở Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Đảo Kim Cương hôm 10/4

“Chính quyền Thủ đô từ nay phải tăng cường nâng cao chất lượng công vụ, an ninh, trật tự, mỹ quan, vệ sinh, môi trường”, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh. Đồng thời, ông cũng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Quốc gia để đảm bảo công tác tổ chức diễn ra thành công, hiệu quả. 

Các vấn đề môi trường đã trở thành mối quan tâm chính của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả người dân Campuchia. Việc tổ chức các sự kiện thể thao, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có thể sẽ làm suy thoái môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, nhiều nhà tổ chức thể thao đang nỗ lực đưa ra các kế hoạch hành động để chống lại những tác động tiêu cực này, bao gồm cả Ban Tổ chức SEA Games 32.

Để đạt được hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, Ủy ban Olympic Quốc gia Campuchia (NOCC) đã ký kết vào chương trình Hành động Thể thao vì Khí hậu của Liên hợp quốc trong cuộc họp Hội đồng Liên đoàn SEA Games diễn ra tại Siem Reap vừa qua. Cả SEA Games 32 và ASEAN Para Games lần thứ 12 giờ đây là một phần của Sáng kiến Xanh được Ủy ban tổ chức SEA Games Campuchia (CAMSOC) thông qua. 

Thông qua các sáng kiến tại Thế vận hội, CAMSOC hy vọng, sẽ truyền cảm hứng cho người hâm mộ, cộng đồng và những người khác để giải quyết chủ đề cấp bách nhất của thời đại chúng ta - sự biến đổi khí hậu. Với tư cách là bên ký kết Hành động vì Khí hậu, Đại hội lần này cũng sẽ là một phần của chiến dịch toàn cầu Race to Zero nhằm tập hợp sự lãnh đạo và hỗ trợ từ các doanh nghiệp, thành phố, khu vực và nhà đầu tư để phục hồi lành mạnh, kiên cường, không carbon nhằm ngăn chặn các mối đe dọa trong tương lai, tạo ra việc làm bền vững mở ra sự tăng trưởng toàn diện và bền vững. 

Cam kết của chủ nhà là một phần của Hành động Thể thao vì Khí hậu của Liên Hợp quốc phù hợp với phương châm của Thể thao Campuchia 2023: Sống trong Hòa bình. Môi trường là “đường dẫn” để đảm bảo rằng người Campuchia và cộng đồng Đông Nam Á tiếp tục sống trong hòa bình. Bằng cách tổ chức SEA Games Campuchia 2023 một cách bền vững dưới sự hướng dẫn của Tổ chức Thể thao vì Khí hậu của Liên Hợp Quốc, Hành động vì Biến đổi sẽ đảm bảo rằng, mỗi người đều đóng vai trò của mình để đảm bảo môi trường được bảo vệ, gìn giữ cho các thế hệ tương lai.

sea-games-31-promoting-environmental-protection-1681708242.jpg
Việt Nam từng có nhiều hoạt động bảo vệ và hướng tới việc nâng cao nhận thức cộng đồng xung quanh vấn đề môi trường tại SEA Games 31

Không chỉ chủ nhà Campuchia, ở SEA Games 31, chủ nhà Việt Nam cũng từng có nhiều hoạt động bảo vệ và hướng tới việc nâng cao nhận thức cộng đồng xung quanh vấn đề môi trường. Cùng với việc phát động chiến dịch SEA Games không nhựa, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 đã sản xuất nhiều món quà lưu niệm khác nhau như móc chìa khóa, sổ tay… được làm từ vật liệu tái chế như kim loại, vải và gỗ. Việc làm này nhằm giảm các sản phẩm nhựa và cả túi nilon sử dụng 1 lần tại các cuộc họp, địa điểm đào tạo, trận đấu... Quy tắc 3R (Reduce - Reuse - Recycle) - giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế - đã được quảng bá như một phần của các hoạt động trong chiến dịch. Các phương tiện truyền thông và mạng xã hội cũng được khuyến khích lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường thông qua các bài báo. 

Đáng chú ý, các thùng rác đặc biệt đã được thiết kế và lắp đặt tại các sân vận động và nhà thi đấu. Chất thải sau khi thu gom được phân loại, tái chế và xử lý theo quy định. Chiến dịch còn có sự tham gia của các tình nguyện viên thu gom rác thải và làm nhiệm vụ truyền thông tại các sân vận động, nhà thi đấu thể thao. Khán giả được hướng dẫn thu gom rác thải tại các sân vận động và đổi rác lấy quà. Chai nước, túi, hộp, cốc, dao, thìa và nĩa thân thiện với môi trường được thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong Đại hội. 

seag-1681713449.jpg

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 chỉ sử dụng túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm mua sắm, siêu thị, theo đề án đã được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phê duyệt. Các mục tiêu khác bao gồm thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý 85% chất thải nhựa; giảm một nửa chất thải nhựa thải ra đại dương; 100% khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần vào năm 2025. Dự án sẽ từng bước cắt giảm việc sản xuất và tiêu thụ túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, đồng thời nâng cao nhận thức về tác hại của đồ nhựa sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. 

Hoàng Hà