Thethaovietnamplus.vn xin trả lời bạn: Bơi lội là môn thể thao được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con theo học vào mỗi mùa hè. Ở các thành phố lớn, phụ huynh đã ý thức được tầm quan trọng của việc học bơi, vừa trang bị cho trẻ những kỹ năng thể chất nhất định, vừa có thể tự phòng tránh tai nạn đuối nước.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, thói quen bơi lội thường xuyên giúp chúng ta có được cơ thể dẻo dai và sức khỏe bền bỉ. Đây còn là phương pháp vật lý trị liệu rất tốt cho các bệnh viêm khớp, tốt cho hệ hô hấp và tuần hoàn máu.
Về độ tuổi thích hợp để bắt đầu học bơi, theo các huấn luyện viên bộ môn này, đây là môn thể thao thích hợp với mọi lứa tuổi, điều quan trọng là duy trì lịch sinh hoạt và tập luyện thường xuyên thì sẽ cho kết quả tốt. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm giảng dạy của hầu hết huấn luyện viên bơi lội, độ tuổi thích hợp nhất để học bơi là từ 6 tuổi vì lúc này trẻ cơ bản đã tiếp thu được các bài tập và thực hiện nghiêm túc các động tác, bài tập theo hướng dẫn của huấn luyện viên.
Riêng đối với trẻ nhát hoặc sợ nước thì đòi hỏi người lớn cần kiên nhẫn hơn. Cha mẹ và huấn luyện viên cần dành cho bé nhiều thời gian để dẫn dụ, không nên ép trẻ thực hiện các bài tập như trong sách giáo khoa trong một sớm một chiều được.
Đầu tiên phải cho các bé tự do vui chơi ở các hồ cạn để làm quen với nước và làm quen với huấn luyện viên. Khi trẻ đã cảm thấy thích nước thì mới dẫn dụ các em vào những bài tập bơi như các bé khác được.
Còn trong trường hợp bé từng bị ngộp nước trong lúc vui đùa hay khi học bơi sẽ gây cho các em một sự ám ảnh và sợ hãi khi xuống nước. Các huấn luyện viên cần đến sự kết hợp của phụ huynh gợi ý cho bé tự chọn lựa các phụ kiện bơi lội theo ý thích. Sau đó hãy xuống hồ cùng bé, vui đùa với bé để giúp trẻ mất dần cảm giác sợ hãi khi phải xuống nước. Khi mọi thứ đã ổn định trở lại thì mới cho bé từ từ bước vào thực hiện các bài tập bơi của huấn luyện viên.
Thông thường, một đứa trẻ bắt đầu tập bơi, các huấn luyện viên sẽ hướng dẫn tuần tự các bước: Tập thở dưới nước, tập đạp chân, kết hợp đạp chân và thở nước, kết hợp đạp chân - thở nước và kéo tay (quạt tay). Sau khi bé thực hiện thuần thục các động tác thì sẽ được học nhiều kiểu bơi khác nhau. Trung bình một bé tập khoảng 12-15 buổi sẽ biết bơi thuần thục, riêng các bé nhát nước cần 15-20 buổi.
Trước khi bơi: Đầu tiên trước khi cho trẻ xuống hồ cần để trẻ tắm rửa sạch để có thể quan sát được phản ứng của trẻ với nước ra sao, nếu như trẻ có những biểu hiện sức khỏe không tốt như chóng mặt hay loạng choạng thì không nên cho trẻ học bơi lúc này vì cơ thể của bé cũng không thích ứng kịp với môi trường nước .
Điều thứ hai bạn nên nhớ là trước khi trẻ xuống nước không được ăn no để tránh làm ảnh hưởng tới khả năng tiêu hóa và tuần hoàn thức ăn của bé, để cho trẻ khởi động các động tác thể dục trước học bơi để tránh chuột rút, đồng thời để trẻ dần dần tiếp xúc với hồ nước chứ không nên đẩy trẻ xuống nước
Trong khi bơi: Nên bắt đầu từ các bước học bơi cơ bản. Trong quá trình cho trẻ học bơi nên căn thời gian tầm từ 9-1 giờ sáng để tránh gió độc, tốt nhất cho trẻ học bơi trong bể bơi trong nhà, không được để trẻ bơi quá lâu dưới nước để tránh nhiễm lạnh và ảnh hưởng tới làn da của bé.
Sau khi bơi: Sau khi cho trẻ học bơi thì nhớ lau tai thật khô, nếu nước chảy vào tai thì để cho trẻ nghiêng đầu và lắc nhẹ để vẩy nước ra ngoài, kéo vành tai tạo đường thẳng cho nước chảy ra ngoài. Không nên làm sạch tai bằng bông ráy tai hoặc bất kỳ vật gì khác.
Khi trẻ bơi xong, cần choàng ngay khăn để tránh nhiễm gió độc; sau đó tắm kỹ bằng nước sạch để tránh nhiễm bẩn từ nước hồ bơi.
Xoa đều dầu nóng lên các huyệt, lau khô tai cho trẻ, nhỏ mắt, mũi và tai bằng nước muối sinh lý hay thuốc sát trùng nhẹ. Sau cùng, cho trẻ súc miệng bằng nước súc miệng thông dụng.