Bài học từ World Cup: Biến đổi khí hậu đang thay đổi thể thao như thế nào?

Từ các giải đấu chuyên nghiệp đến giải trẻ, một hành tinh nóng lên đang buộc các vận động viên phải thích nghi với những điều kiện thi đấu khắc nghiệt mới…

cond-1682224759.jpg
Ban Tổ chức Vòng chung kết World Cup 2022 phải lắp điều hòa nhiệt độ để làm mát sân vận động

Ngay trước khi đội tuyển Anh ra sân ở Qatar tại vòng chung kết World Cup 2022, tài khoản Twitter chính thức của đội đã đăng một video các cầu thủ đổ xô ra ngoài bên lề một buổi tập, mồ hôi nhễ nhại và thay phiên nhau hạ nhiệt trước máy phun sương. “Thật khó khăn. Chúng tôi phải làm quen với sức nóng, để cảm nhận và hiểu nó”, hậu vệ người Anh - Conor Coady - nói với các phóng viên.

World Cup thường được tổ chức vào đầu mùa hè, nhưng giải đấu tại Qatar phải lùi thời gian tổ chức vì cái nóng như thiêu đốt của Trung Đông. Thậm chí, nhiệt độ ngoài trời vẫn còn dao động ở mức thấp trong những năm 90, khi các đội đầy hy vọng đến Qatar vào đầu tháng 11. Quyết định tổ chức sự kiện ở Qatar của FIFA đã gây tranh cãi, từ cách đối xử của nước chủ nhà với lao động nhập cư, hàng nghìn người trong số họ đã chết vì say nắng khi xây dựng khách sạn và sân vận động cho sự kiện, cho đến quan điểm của tổ chức này về quyền của LGBTQ+. Những rủi ro sức khỏe liên quan đến nhiệt độ cực cao của nó cũng từng là chủ đề nóng hổi trên nhiều tờ báo.

Nhưng đây không phải là sự kiện thể thao lớn duy nhất phải vật lộn với điều kiện khắc nghiệt. Giải vô địch trượt tuyết thế giới Alpine dành cho nữ năm 2022 cũng đã bị hoãn hơn một tháng và phải chuyển đến một địa điểm khác sau cơn mưa trái mùa khiến sân trượt tuyết không còn an toàn. Đầu mùa hè năm ngoái, một đợt nắng nóng lịch sử đã buộc các nhà tổ chức giải đua xe đạp Tour de France phải phun nước để giữ cho các con đường không bị tan chảy. Từ bóng đá đến trượt tuyết, biến đổi khí hậu đang làm gián đoạn cách thức và địa điểm có thể chơi các môn thể thao - từ cấp độ chuyên nghiệp đỉnh cao đến các giải đấu thanh, thiếu niên khu vực.

condi-1682224829.jpg

Các điều kiện thay đổi nhanh chóng đã buộc các đội phải suy nghĩ lại về cách họ chuẩn bị cho cuộc thi. Tại một hội thảo gần đây ở Trường Khí hậu Columbia, cầu thủ bóng đá nữ Mỹ, Samantha Mewis, đã mô tả sự chuẩn bị Kỹ lưỡng mà đội phải thực hiện để “xử lý” cái nóng ở Tokyo trước Thế vận hội mùa hè 2020 (sự kiện được tổ chức vào năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19). Cô chia sẻ: “Chúng tôi đã tự cân trước và sau khi tập luyện để theo dõi lượng nước mất đi của mình, bao gồm cả việc kiểm tra mức độ hydrat hóa trong nước tiểu”. Ngay trước khi đến Nhật Bản, nhóm cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để làm quen và giữ cân bằng được nhiệt độ cơ thể, bao gồm việc đạp xe lặp đi lặp lại trong một căn phòng rất nóng, luyện tập để quen với việc nhiệt độ cơ thể tăng cao trong thời gian dài.

Tập thể dục dưới trời nóng đặt ra nhiều yêu cầu hơn đối với cơ thể bạn. Để làm mát, lưu lượng máu phải được chuyển hướng từ cơ bắp đến những nơi giúp cơ thể điều chỉnh nhiệt, chẳng hạn như da. Nhưng một số điều kiện có thể làm cho quá trình đó khó khăn hơn. Cơ chế tản nhiệt chính của cơ thể là toát mồ hôi. Trong môi trường ẩm ướt, mồ hôi bay hơi chậm hơn. Các vận động viên bị mất nước vì họ vẫn đổ mồ hôi, mất chất điện giải, nhưng họ không hạ nhiệt hiệu quả. Đó là khi bạn chạm tới vùng nguy hiểm.

Bóng đá là một trong nhiều môn thể thao hiện đang chú ý đến một thứ gọi là “nhiệt độ quả cầu bầu ướt” (WBGT), kết hợp giữa nhiệt độ, độ ẩm và các biến số khác như tốc độ gió. Khi nhiệt độ bầu ướt vượt quá 32 độ C, FIFA yêu cầu nghỉ giải lao ở cả 2 hiệp và các quan chức được phép tạm dừng hoặc hủy bỏ trận đấu. Các quy tắc lần đầu tiên được thiết lập trước World Cup 2014 ở Brazil, khi thời gian nghỉ giải lao được sử dụng lần đầu tiên trong trận đấu giữa Hà Lan và Mexico, cũng như gần đây hơn là trong giải đấu Euro 2020.

Sốc nhiệt là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong thể thao. Nhưng nhiệt độ và độ ẩm cực cao cũng gây ra rủi ro tương tự - nếu không muốn nói là tồi tệ hơn - đối với các vận động viên nghiệp dư. Từ năm 1980 đến 2009, 58 cầu thủ bóng đá đã chết vì các bệnh liên quan đến nhiệt - phần lớn trong số họ là học sinh trung học.

cond1-1682224857.jpg

Andrew Grundstein, nhà địa lý học và nhà khí hậu học tại Đại học Georgia - người có nghiên cứu tập trung vào sức nóng và sức khỏe con người - cho biết: “Các vận động viên cần phải thích nghi với nhiệt độ theo thời gian, nghĩa là tăng cường luyện tập, thay vì nhảy ngay vào tập tăng cường hàng ngày trong thời tiết nóng. Các huấn luyện viên nên điều chỉnh các bài tập dựa trên điều kiện thời tiết, đồng thời sửa đổi những thứ như thời lượng và cường độ”. Bang Georgia từng có một số tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt độ cao nhất trong số các vận động viên sinh viên trong nước. Nhưng vào năm 2012, Hiệp hội các trường trung học Georgia đã thực hiện các quy tắc và biện pháp an toàn để giúp bảo vệ các vận động viên học sinh; từ đó không có cái chết nào liên quan đến cái nóng ở các cầu thủ bóng đá.

Qatar đã chi hơn 200 tỷ USD để chuẩn bị cho World Cup, bao gồm cả việc đầu tư vào các công nghệ như bộ khuếch tán không khí dưới ghế để đưa máy điều hòa không khí đến các sân vận động, kể cả sân vận động ngoài trời. Nhưng công nghệ chỉ có thể làm được bấy nhiêu đó thôi. Và nếu lượng khí thải nhà kính tiếp tục duy trì như hiện nay, thì đến năm 2050, sẽ chỉ còn 10 địa điểm có khả năng tổ chức Thế vận hội mùa đông. Đây là một ví dụ sâu sắc về những gì đang bị đe dọa cho tương lai của thể thao nếu môi trường không có được sự quan tâm và bảo vệ đúng mức.

Hoàng Hà