Sự kiện

Diễn đàn Kinh tế Thể thao Việt Nam 2023: Phát huy tiềm năng của Kinh tế Thể thao trong thời kỳ mới

Lê Ngọc

Sáng 3/6, tại Hà Nội, Tổng cục Thể dục thể thao, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Olympic Việt Nam và Công ty Vietcontent đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thể thao Việt Nam năm 2023 - Vietnam Sport Economy Summit 2023. Diễn đàn thảo luận xoay vấn đề quanh dòng tiền trong kinh tế thể thao với trung tâm là giải đấu.

Ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao - phát biểu chào mừng.

Ba phiên thảo luận được thực hiện bởi các nhà quản lý, diễn giả có uy tín trong và ngoài nước. Những lát cắt về các vấn đề trong kinh tế thể thao được gợi mở, bàn luận dựa trên cơ chế chính sách về thể thao, thực trạng thể thao Việt Nam và kinh nghiệm, bài học thành công từ các mô hình kinh tế thể thao ở các nước trên thế giới. Từ đó sẽ gợi mở, giúp hoạch định ra tầm nhìn chính xác về nền kinh tế thể thao tại Việt Nam. Diễn đàn sẽ được tổ chức thường niên.

Trên thế giới, thể thao ở nhiều nước đã thực sự trở thành một ngành nghề trong hệ thống kinh tế. Và Kinh tế Thể thao là một cỗ máy đồ sộ, liên kết với nhiều ngành nghề sản xuất dịch vụ khác, tạo công ăn việc làm, lợi nhuận, thu nhập, đóng góp khoản thuế đáng kể cho ngân sách quốc gia và tạo ra các giá trị xã hội tích cực.

Bối cảnh chung của Thể thao Việt Nam những năm gần đây ngày càng khởi sắc, chúng ta đã có nhiều thay đổi và cách làm hay để thúc đẩy xã hội hóa thể thao, từng bước huy động được sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội để thể thao phát triển và giành vinh quang, từ châu lục đến cả Olympic. Điển hình là một kỳ SEA Games 31 thăng hoa, vượt qua nghịch cảnh và nỗi lo sợ đại dịch COVID-19 để vươn tới những thành công rực rỡ, một kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX nhiều đột phá. Và gần đây nhất, đoàn Thể thao Việt Nam lần đầu tiên xếp nhất toàn đoàn với 136 tấm huy chơng vàng ở kỳ SEA Games 32 tổ chức tại quốc gia khác (Campuchia 2023).

Tuy vậy hiện nay, Việt Nam nhìn chung được đánh giá vẫn nằm trong vùng chậm phát triển nền công nghiệp thể thao. Vì vậy rất cần phải học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, gấp rút thay đổi, tăng tốc để không tụt hậu và xây dựng được nền công nghiệp, Kinh tế Thể thao vừa phù hợp với điều kiện chính sách, nguồn lực xã hội hóa nhưng cũng phải thích nghi, bắt nhịp với xu hướng phát triển công nghiệp, kinh tế thể thao nói chung của khu vực, châu lục và thậm chí thế giới.

Diễn đàn Kinh tế Thể thao Việt Nam 2023 - Vietnam Sport Economy Summit 2023 là sự kiện do Tổng cục Thể dục thể thao, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Olympic Việt Nam và Công ty Vietcontent phối hợp tổ chức với mục tiêu tạo ra một diễn đàn mở nhằm quy tụ những quan điểm, ý kiến, chia sẻ, kinh nghiệm quý báu toàn diện từ các cơ quan tổ chức, cá nhân về các vấn đề liên quan đến quản lý và phát triển nền kinh tế thể thao Việt Nam cả ở thời điểm hiện tại lẫn trong tương lai. Với quan điểm không bàn luận dàn trải,

Diễn đàn đã bàn luận sâu theo chủ đề là những khía cạnh trong Kinh tế Thể thao.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao - chia sẻ vấn đề toàn cầu hóa của ngành Kinh tế Thể thao đang ngày càng phát triển ở nhiều lĩnh vực, trong đó có 5 lĩnh vực đóng vai trò quan trọng: Thể thao chuyên nghiệp, Thể thao giải trí, Du lịch thể thao, Tổ chức sự kiện và Truyền thông thể thao.

“Thể thao Việt Nam đang phát triển mạnh thời gian qua nhưng chưa huy động được hết nguồn lực để thể thao phát triển bền vững, đặc biệt hướng tới những đấu trường lớn như ASIAD và Olympic. Kinh tế Thể thao là một vấn đề lớn, diễn đàn hôm nay tập trung ở một khía cạnh của kinh tế thể thao là định vị giải đấu và thu hút tài trợ, tạo dòng tiền giúp thể thao phát triển. Diễn đàn Kinh tế thể thao đã mở ra một phần nào, giúp các Liên đoàn, Hiệp hội, các đơn vị tổ chức giải đấu cách thức định vị khách hàng của mình, làm sao để thu hút sự quan tâm của khán giả và bán được tài trợ”.

Thông qua Diễn đàn, các lãnh đạo ngành, các Bộ, ngành liên quan đã lắng nghe những chia sẻ, góp ý về các vấn đề lớn trong quản lý, xây dựng, thiết lập nền kinh tế thể thao cũng như mảng kinh doanh bản quyền thể thao. Đây là cách mà cơ quan quản lý nhà nước đồng hành cùng các Hội Thể thao quốc gia để cùng tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa thể dục thể thao để từ đó xây dựng một nền kinh thế thể thao Việt Nam vững chắc, hiện đại, cởi mở.

Trong bài phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương) - nhấn mạnh: "Kinh tế Thể thao là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, mang lại giá trị kinh tế ở nhiều quốc gia lớn trên thế giới Anh, Pháp, Mỹ,… Các loại hình kinh doanh, dịch vụ rất phát triển, như: Du lịch thể thao; Hàng hóa thể thao; Trang thiết bị, dụng cụ thể thao; Hoạt động thể thao nghiệp dư; Hoạt động thể thao nhà nghề; Thể thao giải trí; athể thao trong trường học; Thể thao ngoài trời; Quảng cáo thể thao; Tài trợ thể thao… Việc phát triển Kinh tế Thể thao sẽ mang lại doanh thu cho các doanh nghiệp, thu nhập và việc làm cho cá nhân và các hộ gia đình, đóng góp thuế cho ngân sách nhà nước. Phát triển Kinh tế Thể thao không chỉ mang lại những lợi ích cho ngành Thể thao mà còn mang lại lợi ích và kích thích sự phát triển cho các ngành khác như: du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục”…

Vietnam Sport Economy Summit 2023 có 3 phiên thảo luận, xoay quanh vấn đề dòng tiền trong thể thao và lấy giải đấu thể thao là trung tâm, bao gồm:

Phiên thảo luận 1: Kinh doanh thể thao và vai trò trung tâm của giải đấu

Người dẫn: Nhà báo Đức Hùng. Diễn giả gồm có: Ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao; Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương); Ông Lim Song - Chủ tịch Công ty VSP, nhà đầu tư kinh doanh thể thao tại Việt Nam

Phiên thảo luận 2: Giải đấu thể thao chuyên nghiệp và những vấn đề liên quan

Người dẫn: Ông Hoàng Hà - Chủ tịch Vietcontent Sports, chuyên gia Marketing. Diễn giả gồm có: Ông Bùi Huy Năm - Tổng Giám đốc VTVcab; Ông Lê Trí Trường - Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam; Ông Nguyễn Thành Đạt - Giám đốc Truyền thông Herbalife Việt Nam; Bà Nguyễn Trà Giang - Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam; Ông Trần Chu Sa - Giám đốc điều hành VBA.

Ở phiên thảo luận này, các diễn giả khẳng định: Kinh tế Thể thao là khái niệm không mới song còn khá lạ lẫm với nhiều người tại Việt Nam. Xét một cách khái quát các vấn đề kinh tế liên quan đến các giải đấu chuyên nghiệp được xoay quanh 5 nhóm chủ để lớn Khách hàng, Bản quyền truyền hình, Nhà tài trợ, Thể thức tổ chức và Cơ sở hạ tầng.

Dưới góc nhìn kinh tế, khách hàng là động lực, là lí do để sáng tạo ra các sản phẩm đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Xét từ khái niệm tổng quát trong khách hàng đã bao gồm khán giả và trong khán giả có bao gồm Fan. Từ góc nhìn này các nhà tổ chức sự kiện thể thao cần phải xem xét thấu đáo để từ đó tạo ra các sản phẩm - dịch vụ thể thao đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và đối tác, từ đó tạo nguồn thu chủ động và liên tục đáp ứng cho nhu cầu phát triển bền vững của nền Kinh tế Thể thao.

Việc nhìn nhận khách hàng chính xác sẽ giúp các nhà tổ thiết kế các sản phẩm thể thao phù hợp với thị trường, thu hút số đông khách hàng và từ đó các doanh nghiệp, nhà tài trợ, nhà môi giới nhận diện được tiềm năng hiệu quả kinh tế để sẵn sàng đồng hành và hợp tác với các sự kiện thể thao. Sản phẩm - dịch vụ thể thao chưa được thiết kế hoàn chỉnh và chủ động giới thiệu tới các nhà tài trợ vì thế việc tìm kiếm nguồn tài trợ luôn ở trong trạng thái cấp bách và kém hiệu quả. Một sản phẩm dịch vụ thể thao có tính hấp dẫn phải bao gồm những yếu tố kỹ thuật căn bản như: Chất lượng giải đấu (Cơ sở hạ tầng, vận động viên, địa điểm), đối tượng khách hàng, đối tác tổ chức sự kiện, chiến lược truyền thông, dịch vụ hậu mãi (cơ chế chia sẻ thông tin thống kê sau sự kiện để tiếp tục triển khai các dịch vụ re-marketing….). Các sản phẩm thể thao không chỉ phải cạnh tranh nội tại ngành, mà còn chịu sự tấn công rất mạnh mẽ từ các ngành giải trí khác, do vậy việc tham khảo các thể thức tổ chức thi đấu ở các nước có nền thể thao phát triển, các nhà tổ chức cần sáng tạo các thể thức phù hợp với điều kiện và đặc thù thị trường để từ đó tạo hiệu quả trong chuyên môn và tính kinh tế.

Phiên thảo luận 3: Giải đấu thể thao phong trào, thể thao học đường và những vấn đề liên quan

Người dẫn: Ông Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc Dự án Vietcontent. Diễn giả gồm có: Ông Trần Văn Lam - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam; Ông Nguyễn Phan Khuê - Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng; Bà Lê Vân Anh - Phó Ban Tổ chức Hệ thống giải Vnexpress Marathon; Ông Nguyễn Quang Huy - Đại diện nhãn hàng Decathlon Hà Nội; Ông Vũ Mạnh Tuấn - Giám đốc Điều hành Trường Phổ thông liên cấp FPT.

Vietnam Sport Economy Summit sẽ được tổ chức thường niên như một Diễn đàn lớn nhất để các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động, nghiên cứu và kinh doanh trong lĩnh vực thể thao gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, quan điểm và cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực thể thao.

Nhóm PV